Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 hoạt động được hơn 7 tháng - khoảng thời gian quá ngắn để có thể đáp ứng tất cả kỳ vọng của người dân và xã hội. Nhưng những gì mà Chính phủ làm được “đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp”, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội kỳ này.
Cụ thể, không kể các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã kịp thời nghiên cứu xây dựng 26 dự luật, ban hành 90 nghị định, trong đó có 50 nghị định quy định về quyền tự do kinh doanh trên cơ sở loại bỏ những điều kiện rườm rà, phức tạp từng gây khó dễ doanh nghiệp; cản trở đầu tư, kinh doanh, là mầm mống tạo cơ chế xin - cho.
Đặc biệt, những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành đều xuất phát từ “mệnh lệnh”, từ đòi hỏi của hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua hàng trăm chuyến thị sát, gặp gỡ, đối thoại của các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Và kết quả là Chính phủ đã triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đó là Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 60/NQ-CP, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã được ban hành, với trọng tâm hướng đến là cải thiện môi trường kinh doanh đang ngấm dần vào cuộc sống khi mà thời gian làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được rút ngắn xuống mức tối đa, chỉ còn 1 đến 3 ngày.
Đó là Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý có hiệu quả nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tổng thể, chi tiết danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2020..., với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng đang được hoàn thiện.
Những nỗ lực của Chính phủ đã bắt đầu đơm hoa kết trái, khi trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn 19% về số lượng và 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã lên đến con số kỷ lục, với 20.510 đơn vị, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực của Chính phủ cũng đã được Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận. Trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016 của WB, Việt Nam đã tăng 3 bậc, xếp thứ 90/189 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong ASEAN..
Dĩ nhiên, Chính phủ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào vốn và lao động; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016... Đặc biệt, tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ chính phủ.
Trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016 của WB, Việt Nam đã tăng 3 bậc, xếp thứ 90/189 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong ASEAN.
Song rõ ràng, nguồn lực để “tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” - mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp thứ 2 này - đã và đang được Chính phủ khơi thông bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp cả ngắn hạn cũng như dài hạn trên tinh thần: “Chính phủ đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa lời nói với việc làm”, mà Thủ tướng đã khẳng định tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai của Quốc hội.