Cổ phiếu phân bón “phất cờ” vì xung đột

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tạo đáy và phục hồi theo thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành phân bón đã tăng “bốc đầu” bởi hiệu ứng xung đột địa chính trị khiến nguồn cung hạn chế và giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao.
Ngay khi có dấu hiệu xung đột leo cao, giá cổ phiếu DCM đã tăng từ 30.000 đồng/cổ phần lên gần 40.000 đồng/cổ phần. Ngay khi có dấu hiệu xung đột leo cao, giá cổ phiếu DCM đã tăng từ 30.000 đồng/cổ phần lên gần 40.000 đồng/cổ phần.

Cổ phiếu "bốc đầu"

Theo bản tin thị trường của Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam, trước thông tin căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, thị trường phân bón thế giới ngày 24/2 đã nóng trở lại, giá Ure tại Ai Cập đã tăng 51 USD/tấn so với ngày 21/2. Tại thị trường Việt Nam ghi nhận nhiều thương nhân/đại lý đã ngưng chào giá dưới giá lệnh.

Nga là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về phân bón và các nguyên liệu thô liên quan như lưu huỳnh. Đây là nhà xuất khẩu Ure, NPK, Ammonia, UAN và Ammonium Nitrate lớn nhất vào năm 2021, và là nhà xuất khẩu Kali lớn thứ 3, Phosphate lớn thứ 4 trên thế giới.

Với giá phân thế giới hiện nay đang ở mức cao, doanh thu xuất khẩu tất cả các loại phân bón trong vụ xuân của Nga sẽ đạt khoảng hơn 2 tỷ USD/tháng. Các thị trường xuất khẩu chính đối với phân bón và nguyên liệu thô của Nga bao gồm Brazil, EU và Mỹ.

Hiện tại, các sản phẩm có nguồn gốc Nitơ của Nga có ý nghĩa đặc biệt đối với người mua châu Âu vì khu vực này vẫn cần được cung cấp phân bón cho vụ xuân sau khi một số nhà máy sản xuất Nitơ buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian dài do giá khí đốt tự nhiên cao.

Xung đột địa chính trị đã thúc đẩy giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao. Theo một nguồn tin khác, chỉ trong 1 tuần từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá Ure của Ai cập đã tăng gần 100USD/t (từ mức 730USD/t FOB).

Tại thị trường Việt Nam, theo bản tin của một nhà sản xuất, đầu tháng 3 ghi nhận chào giá Urea tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ tăng lên 16.700 - 17.000 đồng/kg. Do giá thế giới tăng nên các nhà sản xuất trong nước tập trung chào hàng xuất khẩu.

Những biến động trên thị trường phân bón đã phản ánh ngay vào giá cổ phiếu ngành này. Ngày 23/2, ngay khi có dấu hiệu xung đột leo cao, giá cổ phiếu DPM đã tăng trần từ mức giá 40.000 đồng/cổ phần và hiện đã lên mặt bằng giá 60.000 đồng/cổ phần cuối tuần trước. DCM tăng từ 30.000 đồng/cổ phần lên gần 40.000 đồng/cổ phần.

LAS tăng từ 18.000 đồng lên vùng giá 22.000 đồng. SFG có 3 phiên tăng trần trong thời gian này từ 18.800 lên 22.800 đồng/cổ phiếu…

Xu hướng tăng tiếp diễn?

Câu hỏi đặt ra là đà tăng của cổ phiếu phân bón có còn tiếp diễn? Hiệu ứng xung đột địa chính trị xảy ra, làm giá phân bón trên thị trường thế giới đang trên đà giảm mạnh từ cuối năm 2021 đã quay đầu tăng trở lại.

Tính đến giữa tháng 2/2022, giá urê toàn cầu giảm 30 - 40% so với mức đỉnh vào tháng 12/2021, do việc gián đoạn nguồn cung giảm bớt và các vị thế đầu cơ được giảm dần.

Dù đã tăng giá trở lại nhưng mức giá nói chung hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức đỉnh đạt được của tháng 12. Thời điểm tháng 12, Urea lên đến 1.000 USD/tấn.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) điều chỉnh giảm giả định về giá urê toàn cầu năm 2022 trung bình 12% từ 625 USD/tấn xuống còn 550 USD/tấn, cao hơn 10% so với năm 2021 nhưng vẫn kỳ vọng giá khí đốt, dầu thô và than cao sẽ hỗ trợ giá urê ở mức cao trong năm 2022.

Ngành urê toàn cầu được dự báo sẽ thiếu nguồn cung trong năm 2022 do hiệu suất hoạt động của các nhà máy urê trên toàn cầu có khả năng thấp hơn do giá khí đốt cao và chi phí lao động tăng dẫn đến hầu hết các nhà sản xuất urê ở Châu Âu phải đóng cửa các nhà máy.

Tiếp theo đó, động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Investmentbank, xung đột giữa Nga và Ukraine làm giá dầu thô, khí đốt tăng cao sẽ vừa có lợi và bất lợi cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới, nhưng tác động bất lợi là ít hơn.

Giá phân bón sẽ được hỗ trợ tăng từ đó giúp gia tăng doanh thu cho các công ty phân bón, nhưng nếu giá tăng quá cao lại ảnh hưởng đến khách hàng.

Do đó các doanh nghiệp này dù được hưởng lợi nhưng phải quản lý chặt chi phí, tối ưu hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng đến khách hàng từ đó lợi nhuận mới có thể gia tăng bền vững.

Còn những công ty cân đối không tốt giữa lợi nhuận và giá bán thì có thể hưởng lợi về ngắn hạn cả về lợi nhuận hay giá cổ phiếu tăng, nhưng trong dài hạn có thể gặp khó khăn về hiệu quả hoạt động.

Theo phân tích của tổ chức tư vấn và phân tích thị trường Mordor Intelligence, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Nam Phi và Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm những nhà cung ứng mới, điều đó có thể giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu phân bón.

Đồng thời, nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao cũng là yếu tố tích cực đối với ngành phân bón.

Hơn nữa, việc Nga cấm xuất khẩu Ammonium nitrate từ ngày 2/2 đến ngày 1/4/2022 sẽ làm cho giá phân đạm toàn cầu có thể tăng mạnh do Ammonium nitrate là một trong những chất hoá học được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất phân bón, đặc biệt là các loại phân đạm.

Theo ông Khánh, điều này trước mắt sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu nên nhóm ngành này sẽ phản ứng tức thời còn về lâu dài cần phải xem xét thêm hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp trong ngành, xem doanh nghiệp có tận dụng được lợi thế này hay không và cả cách xử lý nếu giá cả hàng hóa đi xuống khi căng thẳng chiến sự dịu bớt. Trong trường hợp giá cả giảm, biên lợi nhuận của nhà sản xuất Urea sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, Chính phủ có thể can thiệp vào giá bán phân bón cho lúa vì đây được xem như một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lương thực hậu Covid-19. Trên thực tế, từ tháng 7/2021, dưới áp lực từ việc giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung ứng không bị đứt gãy.

Như vậy, cho đến tuần này thì các thông tin ngắn hạn và dài hạn vẫn đang ủng hộ cho kỳ vọng giá phân bón tiếp tục tăng. Nhưng kết quả của cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể là yếu tố bất ngờ tác động đến thị trường phân bón thế giới và diễn biến giá cổ phiếu phân bón trong ngắn hạn.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục