Doanh nghiệp phân bón thắng lớn
2021 là năm “đại thắng” với nhiều con số kỷ lục của các doanh nghiệp phân bón.
Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 tổ chức mới đây, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) cho biết, kế hoạch lợi nhuận của Tập đoàn trong quý IV/2021 là 600 tỷ đồng, nhưng riêng trong tháng 10 và tháng 11, con số lợi nhuận đã đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Cả năm 2021, DGC ước tính lợi nhuận sau thuế sẽ đạt kỷ lục 2.400 tỷ đồng.
Công ty cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng (mã DDV) công bố, trong 11 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt sản lượng hơn 239.000 tấn phân bón DAP, tăng 131% so với cùng kỳ 2020 và bằng 94% so với kế hoạch được giao cho cả năm 2021. Kết quả, lợi nhuận doanh nghiệp đạt 277,3% kế hoạch đề ra.
Năm 2021, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) ước sản lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 1.035 triệu tấn phân bón và hóa chất các loại. Trong đó, 2 sản phẩm sản xuất chính là Đạm Phú Mỹ ước đạt trên 792.000 tấn, tương ứng 103% kế hoạch năm và sản xuất NPK Phú Mỹ ước đạt trên 162.000 tấn, tương ứng 108% kế hoạch năm. Còn sản lượng kinh doanh ước đạt trên 1,26 triệu tấn phân bón, hóa chất các loại (NPK Phú Mỹ ước đạt gần 151.500 tấn, Đạm Phú Mỹ ước đạt 740.700 tấn).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) ước tính sản lượng sản xuất cả năm 2021 đạt 898.000 tấn ure quy đổi, vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp ước đạt 1.017.000 tấn, đạt 99% kế hoạch năm. Do đó, DCM ước doanh thu năm 2021 đạt 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.823 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 175% so với mức thực hiện năm 2020.
Đây cũng là doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà DCM đạt được trong 10 năm hoạt động vừa qua.
Các con số kỷ lục được doanh nghiệp công bố là điều dễ hiểu khi trước đó, rất nhiều dự báo đã cho rằng các đơn vị phân bón sẽ lãi đậm trong năm qua bởi giá phân bón toàn cầu leo thang mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF), từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, giá amoniac ở nước này đã tăng hơn gấp đôi, nitơ lỏng tăng gần 160%, ure tăng hơn 50%, các loại kali, MAP hay DAP đều phi mã trên 100%…
Ở trong nước, các loại phân ure, kali nhảy lên mức xấp xỉ 100% so với năm trước đó, riêng DAP đã vọt khoảng 2 - 2,5 lần.
Cửa sáng năm 2022
Tập đoàn Vinacam - đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón mới đưa ra một số nhận định về thị trường phân bón cuối tháng 12/2021 và quý I/2022. Theo đó, sau một thời gian dài tăng mất kiểm soát, giá phân ure và SA đã lập đỉnh trong tháng 11/2021 và có chiều hướng chững lại từ đầu tháng 12, đặc biệt là ure hạt trong.
Trong khi đó, giá kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13 - 13,5 triệu đồng/tấn và xu hướng này có thể kéo dài đến tháng 2/2022. Đáng chú ý là kali miếng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17 - 17,5 triệu đồng/tấn và có thể chạm ngưỡng 18 triệu đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.
Trong nửa đầu năm 2022, giá phân bón vẫn ở mức cao và hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco
Đối với DAP, bên cạnh quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga cũng bắt đầu siết chặt hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ, do đó, giá DAP sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Cụ thể, DAP nâu được dự báo vượt mức 23 triệu đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc sẽ sớm đạt 24 - 25 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, phân DAP sản xuất trong nước lại tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện.
Còn Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, giá ure toàn cầu trung bình sẽ đạt 625 USD/tấn trong năm 2022, tăng 25% so với mức 500 USD/tấn vào năm 2021. Nguyên nhân là hiệu suất hoạt động của các nhà máy ure trên toàn cầu có khả năng thấp hơn do giá khí đốt cao và chi phí lao động tăng cao dẫn đến một số nhà máy ure phải đóng cửa các nhà máy.
Do đó, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón trong nước còn rất lớn.
Năm 2022, Hội đồng quản trị Đạm Phú Mỹ đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng; lần lượt tăng 33% và gấp 2,6 lần kế hoạch năm 2021. Về sản lượng kinh doanh, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tiêu thụ 800.000 tấn ure Phú Mỹ, 165.000 tấn NPK Phú Mỹ, 234.000 tấn phân bón khác; lần lượt tăng 4%, 18% và 24%.
Phía Đạm Cà Mau cho biết, đơn vị dự kiến tổng doanh thu năm 2022 đạt 9.059,73 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 513,26 tỷ đồng; lần lượt tăng 15% và 160,5% so với kế hoạch kinh doanh năm 2021. Trong đó, mục tiêu sản lượng sản xuất năm 2022 là 860.100 tấn (các sản phẩm gốc ure và NPK đều đạt 80.000 tấn). Sản lượng kinh doanh dự kiến đạt 770.270 tấn; các sản phẩm từ gốc ure đạt 80.000 tấn; NPK đạt 80.000 tấn; phân bón tự doanh đạt 202.000 tấn.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu phân bón
Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu phân bón đã nhiều lần tạo sóng, thu hút dòng tiền đổ vào mạnh mẽ và đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng. Chỉ trong một năm, mã DGC tăng 213,53%, DDV tăng 202,27%; DPM và DCM cùng tăng trên 160%... Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, nhóm cổ phiếu này đang có dấu hiệu chững lại và giảm đáng kể trong tuần trước.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, diễn biến giá cổ phiếu phân bón chủ yếu đi ngang tích lũy trong gần 2 tháng trở lại đây chủ yếu do giá phân bón trong nước sau khi tăng rất mạnh đã có sự điều chỉnh nhẹ từ tháng 11, song vẫn ở mặt bằng cao so với hồi đầu năm.
“Trong nửa đầu năm 2022, giá phân bón vẫn ở mức cao và hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây có thể là thời điểm để tích lũy cổ phiếu phân bón cho kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I và quý II năm sau”, ông Khoa nhìn nhận.
Trong báo cáo sản xuất ngành phân bón năm 2022, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng giá mục tiêu của DPM từ 54.300 đồng/cổ phiếu lên 64.400 đồng/cổ phiếu nhờ kỳ vọng DPM sẽ được hưởng lợi từ giá ure và amoniac (NH3) tăng mạnh trong giai đoạn 2021 - 2022. Trong khi đó, mảng NPK của Công ty là một động lực đóng góp tăng trưởng lợi nhuận trung hạn.
Còn với DCM, giá mục tiêu được tăng lên 19% và duy trì quan điểm tích cực rằng DCM sẽ được hưởng lợi từ giá ure bình quân cao hơn trong năm 2021 và 2022 cùng với tăng trưởng dài hạn từ nhu cầu xuất khẩu tăng và phân khúc NPK. Do đó, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp mức cơ sở cao trong năm 2021.
Tuy nhiên, VSCS vẫn thận trọng cân nhắc rủi ro là giá ure trong nước thấp hơn nhiều so với giá quốc tế và giá ure toàn cầu hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Đồng thời, giá xăng cùng với chi phí vận chuyển quốc tế thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.