Cổ phiếu ngành hàng gia dụng, cơ hội đan xen thách thức

(ĐTCK) Tiềm năng, cơ hội đang đan xen với thách thức, đó là nhận định chung của các chuyên gia về nhóm ngành hàng gia dụng tại hội thảo về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành này, do Sở GDCK Hà Nội phối hợp với CTCK Công Thương (VietibankSC) và CTCP Sơn Hà Sài Gòn vừa tổ chức.
Hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN ngành gỗ gia dụng Hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội cho các DN ngành gỗ gia dụng

Theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSC, tiềm năng ngành hàng gia dụng trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là các DN gỗ gia dụng, thiết bị chiếu sáng và inox gia dụng.

Đi sâu vào từng nhóm ngành, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSC cho rằng, việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho các DN gia tăng thị phần sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU (vốn là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam) khi thuế suất vào các thị trường này được cắt giảm, cũng như nâng cao vai trò của mình trong chuỗi giá trị đồ gỗ gia dụng toàn cầu. Việc đồ gỗ gia dụng Trung Quốc đang bị áp thuế bán phá giá tại Mỹ là điều kiện tốt cho các DN Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.

Hiện tại, chi tiêu cho hàng gia dụng chiếm 9% tiêu dùng cá nhân và trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Đăng cũng chỉ ra thách thức của các DN ngành gỗ gia dụng, đó là việc tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về xuất xứ gỗ nguyên liệu khi nhập khẩu đồ gỗ vào thị trường EU, Mỹ cũng như các nước phát triển. Bên cạnh đó, các DN thuộc ngành hàng này cũng phải chịu áp lực cạnh tranh với các DN FDI và hàng nhập khẩu gia tăng.

Đối với phân ngành thiết bị chiếu sáng, hiện trên sàn chứng khoán có hai DN là Rạng Đông và Điện Quang, ông Đăng cho biết, là ngành mà áp lực cạnh tranh hiện diện cả ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp.

Áp lực này dự kiến sẽ gia tăng khi thuế suất đối với các sản phẩm chiếu sáng sẽ được đưa về 0% theo thoả thuận TPP và việc xu hướng tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng đèn LED, trong khi đây vốn là lợi thế của các thương hiệu quốc tế.

Mặc dù vậy, triển vọng ngành cũng được VietinbankSC đánh giá là rất tích cực khi ngành bất động sản đang hồi phục, góp phần gia tăng nhu cầu các thiết bị chiếu sáng. Tuy vậy, trình độ công nghệ vẫn có những khoảng cách nhất định đối với các thương hiệu nước ngoài và việc phụ thuộc lớn (25 - 40%) vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu là những rủi ro lớn đối với các DN này. 

Với phân ngành gia dụng inox, ông Đăng cho rằng, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm cao cấp của các DN FDI hay hàng nhập khẩu. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành gia dụng inox còn rất lớn, bất chấp việc rất nhiều thương hiệu cao cấp thế giới bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Đứng trước cơ hội lớn như vậy, các DN Việt Nam cần chú ý khắc phục điểm yếu như sản phẩm, công nghệ sản xuất không có nhiều sự khác biệt, dễ sao chép, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… đang bị áp thuế chống bán phá giá 3 - 37% khiến chi phí đầu vào cao hơn so với các DN ngoại.

Tại Hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, chi tiêu cho hàng gia dụng chiếm 9% tiêu dùng cá nhân và trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng.

Ông Quyền đánh giá, triển vọng của ngành hàng gia dụng trong nước là rất lớn, bởi tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng nội ngày một tăng lên, nhiều thương hiệu Việt như Happy Cook, Sunhouse, Sơn Hà, Rạng Đông, Điện Quang… đã tạo được chỗ đứng tốt trên thị trường.

Ông Quyền cho rằng, vấn đề hội nhập với các DN nội địa cũng không đáng lo, do phần lớn DN trong ngành đã có sự chuẩn bị nhất định cho hội nhập. Tuy nhiên, cơ hội cũng kèm theo thách thức, do quy định xuất khẩu vào các thị trường trong khối TPP chịu quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hoá, trong khi đó Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP.

Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các DN Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam cần tích cực đầu tư vào công nghệ, hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đứng ở góc độ DN, ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn (SHA) cho biết, các DN trong nước đang cảm thấy phấn khởi trước thềm hội nhập.

“Giá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho DN đưa hàng hóa sang thị trường tiềm năng. Nhưng chắc chắn, các DN Việt Nam cần thay đổi, đặc biệt về mặt công nghệ”, ông Hà nói và cho biết thêm, ước tính trong năm 2015, SHA đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu, tương ứng gần 90% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận ước đạt khoảng 28 tỷ đồng, bằng 140% kế hoạch.

Theo thống kê của VietinBankSc, ngành hàng cá nhân - gia dụng luôn nằm trong top đầu tăng trưởng, chỉ thấp hơn so với cổ phiếu ngành ngân hàng và bảo hiểm. Do đó, cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành này rất lớn. Tuy vậy, nhà đầu tư cần dựa trên nhiều tiêu chí như tốc độ tăng trưởng, phân khúc nhóm hàng kinh doanh, tiềm lực tài chính, lợi thế cạnh tranh và chiến lược kinh doanh của từng DN để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục