Cổ phiếu đá xây dựng: “Đãi cát tìm vàng”

(ĐTCK) Diễn biến giảm giá gần đây đã đưa cổ phiếu nhóm ngành đá xây dựng về vùng định giá tương đối hấp dẫn, tạo cơ hội đầu tư trong bối cảnh triển vọng kinh doanh 2 tháng cuối năm sẽ tích cực hơn.
Cổ phiếu đá xây dựng: “Đãi cát tìm vàng”

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng đã chịu tác động tiêu cực từ lượng mưa lớn trong tháng 10 vừa qua, nhưng triển vọng hai tháng cuối năm sẽ tích cực khi thời tiết có phần thuận lợi hơn. Đặc biệt, mùa cao điểm của thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng sẽ hỗ trợ việc tiêu thụ đá và giá bán có khả năng tăng lên, trong bối cảnh trữ lượng khai thác đang ít dần.

Cổ phiếu đá xây dựng: “Đãi cát tìm vàng” ảnh 1

NNC - “bảo bối” là 2 mỏ đá

Từ đầu tháng 11 đến nay, giá cổ phiếu NNC của CTCP Đá Núi Nhỏ giảm từ mức 92.000 đồng/cổ phiếu xuống 78.600 đồng/cổ phiếu. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, diễn biến giá tiêu cực này đến từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi ngày 11/11, HĐQT NNC thực hiện lấy ý cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.

Cụ thể, NNC sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang vận chuyển logistics, khai thác xử lý và cung cấp nước, chăn nuôi và trồng trọt, là những lĩnh vực được cho là có biên lợi nhuận kém hấp dẫn hơn so với ngành nghề kinh doanh cốt lõi hiện nay là khai thác và kinh doanh đá xây dựng. Ngoài ra, nhà đầu tư lo ngại NNC khó xin được giấy phép gia hạn khai thác ở mỏ đá Núi Nhỏ (Bình Dương) cũng như tìm kiếm mỏ đá mới.

Theo nhận định của giới phân tích, trong kịch bản kém tích cực nhất, NNC có thể sẽ tăng công suất khai thác ở mỏ đá Tân Lập (tỉnh Bình Phước, có thời hạn khai thác đến hết năm 2030). Mặt khác, công ty mẹ M&C Bình Dương có thể chuyển nhượng một trong 4 mỏ đá cho NNC để bù đắp một phần sản lượng thiếu hụt nếu phải dừng khai thác ở mỏ đá Núi Nhỏ (mỏ này mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho NCC, hiện có thời hạn khai thác đến 31/12/2017).

KSB - lợi nhuận ấn tượng

Không riêng NNC, nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ đá ở khu vực Bình Dương cũng đang xin giấy phép gia hạn khai thác đá thêm 2 - 3 năm, trong đó có CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB). KSB hiện có 3 mỏ đá xây dựng, trong đó mỏ Tân Đông Hiệp sẽ hết hạn khai thác vào cuối năm 2017. Để chủ động về mặt sản xuất, Công ty đang đầu tư thêm 50 tỷ đồng để gia tăng công suất khai thác, chế biến tại mỏ đá Phước Vĩnh và Tân Mỹ.

So với các doanh nghiệp cùng ngành, KSB có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, KSB đạt 641 tỷ đồng doanh thu, 154 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 17% và 59% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nhờ đó, giá cổ phiếu KSB duy trì đà tăng nhẹ, đạt 69.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/11.

Ngày 19/12, KSB sẽ chi trả cổ tức đợt 2 năm 2016 cho cổ đông, tỷ lệ 10% (đợt 1 trước đó là 15%).

C32 - cổ đông nhà nước thoái vốn

Phiên 18/11, cổ phiếu C32 của CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 có khối lượng khớp lệnh 636.040 đơn vị, gấp 6 lần mức trung bình trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, cổ đông nhà nước của C32 đăng ký bán 884.340 cổ phiếu C32 để giảm sở hữu từ 37% về 30% theo lộ trình thoái vốn ngoài ngành. Giá cổ phiếu C32 giảm liên tục trong 3 phiên tiếp theo trước khi có dấu hiệu phục hồi.

Nhiều ý kiến đánh giá, C32 duy trì được các yếu tố cơ bản tích cực như tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và trên tài sản (ROE và ROA) cao hơn so với mức trung bình ngành và thuộc nhóm 50 doanh nghiệp có ROE cao nhất hiện nay nên cổ phiếu này khó có khả năng giảm giá sâu. Theo báo cáo tài chính quý III/2016, lũy kế 9 tháng đầu năm, C32 đạt hơn 366 tỷ đồng doanh thu, 73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành gần 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

DHA - kỳ vọng lợi nhuận bất thường

CTCP Hóa An (DHA) được một số ý kiến nhận định, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trong quý IV/2016 có thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do việc tiêu thụ ở mỏ đá chủ lực Thạnh Phú 2 (Đồng Nai) có phần chững lại. Tuy nhiên, trong kỳ, DHA có khả năng sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 12 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng khu vực chế biến ở mỏ Thạnh Phú 2.

Ngoài mỏ Thạnh Phú 2, hiện DHA có 2 mỏ khác đang hoạt động là Tân Cang 3 (Đồng Nai) và Núi Gió (Bình Phước). 3 mỏ này có giấy phép khai thác trong 8 - 10 năm tới.

9 tháng đầu năm, DHA đạt doanh thu 138 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 30 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hoàn thành gần 98% kế hoạch lợi nhuận cả năm (kế hoạch lợi nhuận năm 2016 là 30,4 tỷ đồng so với gần 45 tỷ đồng năm 2015).

CTI - sẽ đẩy mạnh kinh doanh và khai thác đá xây dựng

Theo ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI), trong năm 2017, Công ty sẽ đẩy mạnh mảng khai thác và kinh doanh đá xây dựng, với 2 mỏ đá Tân Cang 8 và Đồi Chùa 3 tại Đồng Nai.

Hiện đội ngũ nhân sự để hoạt động trong lĩnh vực này đã gần như hoàn thiện, việc bóc dỡ tầng phủ đã hoàn thành, Công ty sẽ tiến hành khai thác và doanh thu dự kiến phát sinh từ năm 2017. Với các mỏ đá hiện tại, CTI đã được chính quyền địa phương cấp phép khai thác với công suất 320.000 m3/năm/mỏ, nhưng giai đoạn đầu, Công ty dự kiến khai thác tối đa 2/3 công suất.

Việc khai thác đá trước đây của CTI chủ yếu phục vụ cho hoạt động xây dựng các dự hạ tầng mà Công ty làm chủ thầu, vốn là nguồn thu chính của CTI.              

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục