“Bóc” sai phạm trong huy động vốn của doanh nghiệp khoáng sản

(ĐTCK) Chỉ trong vòng 1 tuần, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 3 doanh nghiệp ngành khoáng sản do những sai phạm liên quan đến công bố thông tin và sử dụng vốn sai mục đích. Một lần nữa, câu hỏi làm cách nào để giám sát sử dụng vốn huy động được của doanh nghiệp và chế tài nào đủ tính răn đe với những doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm lại được đặt ra.
Đầu tư vào các mỏ khoáng sản đôi khi cũng rủi ro như đánh bạc Đầu tư vào các mỏ khoáng sản đôi khi cũng rủi ro như đánh bạc

3 doanh nghiệp khoáng sản bị phạt sử dụng vốn sai mục đích

Theo công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), 3 công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản là CTCP Khoáng sản Luyện kim màu (mã CK: KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (mã CK: KHB), CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (mã CK: KHL) đều chịu mức phạt 100 triệu đồng cho hành vi sử dụng vốn sai mục đích.

Theo đó, Khoáng sản Luyện kim màu đã phát hành riêng lẻ 8,2 triệu cổ phần, tăng vốn từ 156,88 tỷ đồng lên 238,88 tỷ đồng, để mua phần vốn góp của Doanh nghiệp tư nhân Kim Cương nhằm khai thác mỏ vàng Bản Chang (xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, Lai Châu), với số tiền 30 tỷ đồng. Ngày 19/11/2015, Công ty Khoáng sản Luyện kim màu đã có văn bản báo cáo UBCK về việc hoàn tất sử dụng vốn vào các mục đích trên. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của UBCK, hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp này với Công ty TNHH Kim Cương Lai Châu (chuyển đổi từ Doanh nghiệp tư nhân Kim Cương) chỉ có nội dung hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng và khai thác khu đất thuộc sở hữu của Công ty TNHH Kim cương Lai Châu tại địa chỉ Bản Chang, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu với tổng số vốn đầu tư 60 tỷ đồng, mỗi bên góp 50%, tỷ lệ phân chia lợi nhuận là 50 - 50; không có nội dung mua phần vốn góp của Công ty TNHH Kim cương Lai Châu để khai thác mỏ vàng Bản Chang như phương án ban đầu.

Tương tự, năm 2014, Khoáng sản Hòa Bình phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 262,7 tỷ đồng. Ngày 2/4/2015, Công ty báo cáo cơ quan quản lý về việc sử dụng toàn bộ số tiền thu được vào các mục đích: mua mỏ khoáng sản phục vụ sản xuất - kinh doanh (hợp tác đầu tư vào CTCP Khoáng sản Vĩnh Thịnh 150 tỷ đồng), mua máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ khai thác mỏ (40 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (10 tỷ đồng). Thực tế, theo hợp đồng hợp tác ngày 8/10/2014 ký giữa Công ty với Khoáng sản Vĩnh Thịnh không có thông tin về việc mua mỏ khoáng sản phục vụ sản xuất - kinh doanh; Công ty không mua dây chuyền công nghệ máy móc thiết bị phục vụ cho việc khai thác mỏ.

Nói cách khác, Khoáng sản Hòa Bình đã báo cáo một đằng, làm một nẻo. Số tiền 190 tỷ đồng trên tổng 200 tỷ đồng vốn thu về từ phát hành riêng lẻ không được sử dụng đúng mục đích, nhưng đi về đâu thì chưa rõ.

Đối với trường hợp CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long, theo báo cáo của Công ty, tính đến ngày 16/10/2014 đã thực hiện đền bù 9 tỷ đồng trong tổng số 64 tỷ đồng thu được từ phát hành riêng lẻ để phục vụ dự án khai thác mỏ đất sét tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo UBCK, thực tế, đến ngày 22/7/2016, Công ty vẫn chưa hoàn thành việc đền bù cho dân cư như báo cáo.

Tất nhiên, với trường hợp Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long, câu chuyện có đặc biệt hơn, khi ngày 27/4/2016, trước khi UBCK có quyết định xử phạt, chính Hưng Long đã có báo cáo về tiến độ sử dụng vốn với việc thay đổi hoàn toàn những nội dung đã công bố trước đây. Cụ thể, Công ty cho biết đã sử dụng 60 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư Thương mại Đông Bắc và hủy bỏ nội dung sử dụng vốn vào việc đền bù như kế hoạch trước đó cũng như trong báo cáo sử dụng vốn gửi UBCK. 

Chế tài nào cho vi phạm sử dụng vốn?

Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp ngành khoáng sản, các doanh nghiệp ngành bất động sản, hoặc với các dự án mới, tình trạng sổ sách không chạy theo dòng tiền hợp lý là có. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp khai khoáng cho biết, để ra được một giấy phép khai thác mỏ, doanh nghiệp phải chi hàng chục tỷ đồng trước đó, với phần nhiều là những chi phí khó đưa vào sổ sách. Chỉ đến khi ra được giấy phép, doanh nghiệp mới có thêm cơ sở để hạch toán.

Tuy nhiên, có một sự thật là, đầu tư vào các mỏ khoáng sản đôi khi cũng rủi ro không kém đánh bạc, vì có những mỏ tốn rất nhiều chi phí để xin giấy phép, nghiên cứu tiền khả thi, nhưng đến khi đưa vào khai thác thì mới phát hiện ra hàm lượng quặng thấp hơn rất nhiều so với đánh giá. “Bởi thế, không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp khoáng sản hay phải hạch toán quỹ đen lớn, hoặc đôi khi công bố một đằng, thực tế một nẻo. Cố tình sai phạm cũng có, nhưng sai phạm vì yếu tố khách quan cũng không phải ít”, vị này cho biết.

Trong số 3 doanh nghiệp ngành khoáng sản, câu chuyện của Khoáng sản Hòa Bình từng gây rúng động thị trường. Tăng vốn từ 62,7 tỷ đồng lên 262,7 tỷ đồng, tức là gấp hơn 4 lần vốn điều lệ trước đó, mà gần như toàn bộ số tiền thu được đều sử dụng sai mục đích, tức khoảng hơn 70% vốn chủ sở hữu được sử dụng sai mục đích. Trong công văn xử phạt của UBCK, số tiền 190 tỷ đồng sử dụng vào mục đích nào không được nêu ra. Có lẽ đó là lý do vì sao, cổ phiếu KHB chỉ có giá chưa tới 2.000 đồng/CP.

Doanh nghiệp được quyền chủ động thay đổi mục đích sử dụng vốn, bởi hơn ai hết, họ là người hiểu rõ vốn của cổ đông nên đi đâu để có hiệu quả cao nhất. Vấn đề là, dòng vốn này phải được sử dụng đúng theo quy định pháp lý, tức là phải thực hiện công bố thông tin đúng quy định, phải tuân thủ các quy định về tỷ lệ đầu tư, chủ thể có quyền ra quyết định. Và trên tất cả, phải hành xử vì lợi ích cao nhất của cổ đông như theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì thế, điều quan trọng nhất mà thị trường cần nắm được trong các trường hợp này là việc vi phạm sử dụng vốn trên chỉ đơn thuần là vi phạm công bố thông tin (thay đổi mà không báo cáo), hay là vi phạm sử dụng vốn do mục đích trục lợi cá nhân.

Việc UBCK “bóc” 3 trường hợp doanh nghiệp khoáng sản vi phạm trong sử dụng vốn huy động là một nỗ lực trong việc minh bạch hóa thị trường. Nhưng có lẽ, câu chuyện này chưa thể dừng lại vì để bảo vệ nhà đầu tư, cần những chế tài xử phạt mạnh hơn, đủ sức răn đe, để thị trường không còn nhiều câu chuyện tương tự.  

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục