Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn?

(ĐTCK) Năm 2009 trở về trước, ngành mỏ là lĩnh vực “hái ra tiền” của nhiều doanh nghiệp, nhưng hiện nay không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ suy tàn.
Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn?

“Mời các bạn đang nắm giữ cổ phiếu KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc đăng ký để tập hợp triệu tập Đại hội đồng cổ đông nhằm tái cấu trúc Công ty. Do Công ty không tiến hành đại hội và sắp phá sản nên cổ đông nhỏ lẻ không đăng ký sẽ mất quyền lợi. Các bạn cho số điện thoại để chúng tôi tiện liên lạc”.

Đó là một trong những lời kêu gọi của cổ đông KTB thông qua Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử (tinnhanhchungkhoan.vn) để tìm kiếm tiếng nói chung của những người cùng cảnh ngộ nhằm tìm ra giải pháp cứu vãn tình thế.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 1

Câu chuyện Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc

Năm 2010, năm đầu tiên KTB - doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan chủ yếu đến khoáng sản, luyện kim - lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM. Trong năm này, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 196,685 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức hơn 2 tỷ đồng lợi nhuận năm 2009, đến từ việc thực hiện định giá giá trị quyền khai tác các mỏ: mỏ Cận Còng (Yên Bái), mỏ Antimon (Hòa Bình), mỏ vàng Pắc Ta (Lai Châu) để góp vốn vào CTCP An Hồng Phương (KTB sở hữu 49,9% vốn điều lệ).

Hoạt động này diễn ra trong quý II/2010 và được KTB hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức tỷ lệ 360% bằng cổ phiếu, đồng thời góp thêm 38 tỷ đồng vào vốn điều lệ, qua đó nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 268 tỷ đồng trước khi niêm yết.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 2 

Nếu loại trừ ảnh hưởng của giao dịch góp vốn nói trên, lợi nhuận trước thuế năm 2010 của KTB vào khoảng 30 tỷ đồng trên vốn điều lệ 88 tỷ đồng (không tính phần vốn góp tăng thêm từ giao dịch nói trên). Năm 2011 và 2012, lợi nhuận trước thuế của Công ty từ hoạt động chính lần lượt là hơn 38 tỷ đồng và 40,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2012, với việc nhận lại quyền khai thác mỏ - từ lý do pháp lý chưa đầy đủ, KTB đã thực hiện điều chỉnh hồi tố lợi nhuận năm 2010.

Điều đáng nói là, KTB đã chia cổ tức bằng cổ phiếu trước đó từ nguồn lợi nhuận này, nên khi phát sinh điều chỉnh hồi tố, Công ty phải trích gần 65 tỷ đồng từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu để bù đắp vốn điều lệ, đồng thời hạch toán khoản phải thu trị giá 115,122 tỷ đồng tương ứng với khoản thiếu hụt vốn ở phần vốn góp của cổ đông. Phần vốn chủ sở hữu hơn 275 tỷ đồng trên vốn điều lệ 260 tỷ đồng thực tế đã bị thiếu cơ sở hạch toán trên 115 tỷ đồng.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 3

Từ đây, KTB bắt đầu xuống dốc, lợi nhuận năm 2013, 2014 ở mức cầm chừng, năm 2015 Công ty không công bố báo cáo tài chính, giá cổ phiếu có lúc chỉ còn 800 đồng/CP và bị hủy niêm yết. Sau đó, KTB đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, nhưng kể từ ngày 13/4/2016, cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch, nhà đầu tư không biết chút thông tin nào về doanh nghiệp.

Ngành khai khoáng kim loại gặp khó

CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng đưa ra dự báo sẽ thu về khoảng 7,2 tỷ USD từ khai thác các mỏ tại Tây Nguyên, Thanh Hóa và tại nước ngoài là Lào, Campuchia, với sản lượng khai thác khoảng 2 triệu tấn trong 3 năm 2010 - 2012. Thế nhưng, năm 2012, con số thực tế là 300.000 tấn, 2 năm liền sau đó chỉ đạt 550.000 tấn do gặp khó khăn về xuất khẩu. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư trên thị trường biết đến HAGL với các lĩnh vực chính là cao su, mía đường, bò, bất động sản tại Myanmar, trong khi trước đó, công ty này từng kỳ vọng khai khoáng sẽ thay thế hoàn toàn lĩnh vực bất động sản.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Quang, một môi giới có tiếng trong lĩnh vực khoáng sản tỏ ra tiếc nuối cho một thời kỳ đã qua.

“Tôi có mặt ở khắp các mỏ từ Bắc tới Nam, nhiều nhất là các tỉnh Bình Định, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An… Thuộc mỏ, thuộc anh em trong nghề này còn hơn cả con đường và hàng xóm khu nhà mình. Năm 2010 trở về trước, cứ hoàn thiện xong thủ tục khai thác mỏ là nhiều người đã kiếm được tiền tỷ”, anh Quang nói.

Dù là người có nghề, có quan hệ, am hiểu các mỏ, nhưng từ năm 2012 đến nay, có khi cả năm anh mới thành công được một thương vụ giao dịch mỏ.

“Người bán nhiều, nhưng người mua không có. Những doanh nghiệp đầu tư lớn cho mỏ giai đoạn bùng nổ 2008 - 2010 trong lĩnh vực khai thác mỏ kim loại hầu hết đều rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản”, anh Quang cho biết.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 5

Theo anh Quang, chính sách mới về điều kiện xuất khẩu quặng với yêu cầu tăng cao hơn về chế biến tinh, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư tinh chế quặng sắt, tạo ra giá trị cao hơn trước khi được xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó (từ tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng hoàn toàn xuất khẩu quặng sắt). Thêm vào đó, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh, thuế xuất khẩu tăng, trong khi đầu ra gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, lãi suất tăng cao… khiến nhiều doanh nghiệp ngành khai khoáng kim loại lao đao.

Nhưng những nguyên nhân trên không phải là tất cả. Các doanh nghiệp ngành khoáng sản luôn đối mặt với rủi ro về trữ lượng. Quá trình từ khi nghiên cứu đến khi được chấp thuận khai thác thường kéo dài hàng năm, với chi phí không nhỏ, nhưng doanh nghiệp chưa chắc đã được chấp thuận khai thác. Rủi ro hơn, có những mỏ nghiên cứu khả thi tốt, dự báo hiệu quả khai thác cao, nhưng thực tế lại èo uột.

Năm 2015, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khai khoáng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khai khoáng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2015.   

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Thống kê của tỉnh Yên Bái cho thấy, năm 2015, tỉnh có 31 trên 32 doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt phải đóng cửa, lượng quặng tinh tồn đọng lớn vì càng sản xuất càng lỗ. Đầu tư máy móc cho nghiền tuyển quặng sắt trị giá hàng trăm tỷ đồng đang có nguy cơ trở thành sắt vụn do ngừng sản xuất và doanh nghiệp phải bán dần các thiết bị để có tiền trả lương công nhân. Nợ ngân hàng chồng chất, trong khi do đặc thù địa lý, các mỏ ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn hiểm trở, chỉ tính riêng chi phí vận chuyển quặng đã lên tới gần 500.000 đồng/tấn, trên giá bán quặng cùng thời điểm là 1,1 triệu đồng/tấn, khiến doanh nghiệp khai thác quặng sắt không còn đường xoay xở.

Tại Hà Giang, thống kê cuối năm 2015 của tỉnh này cho thấy, Hà Giang có 52 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại còn hiệu lực. Trong số này, 5 giấy phép khai thác các loại khoáng sản như sắt, antimon, thiếc, vonfram được cấp phép bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường; 47 giấy phép khai thác mangan, sắt, chì, kẽm, antimon, vàng được cấp phép bởi Ủy ban nhân dân tỉnh. Thời điểm trên, tỉnh chỉ có 11 dự án đang hoạt động, 20 dự án đang tạm dừng hoạt động, 21 dự án chưa đi vào hoạt động, 12 dự án bị thu hồi giấy phép hoặc giấy phép hết thời hạn.

Người lao động bị ảnh hưởng nặng nề

Từ năm 2012, tỉnh Lào Cai đã phải lên tiếng kêu cứu cho các doanh nghiệp nhóm khai khoáng kim loại, khi gần hết năm trôi qua, các doanh nghiệp nhóm này mới chỉ hoàn thành 50% kế hoạch khai thác, trong đó nhiều nhóm ngành hoàn thành dưới 5% kế hoạch (quặng sắt, chì, kẽm…). Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và thu ngân sách của tỉnh, khi năm trước đó (2011), nhóm doanh nghiệp này đóng góp 75% giá trị sản xuất công nghiệp của Lào Cai, tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Câu chuyện của các doanh nghiệp khai khoáng tại Lào Cai phần nào phản ánh thực trạng chung của ngành trên cả nước.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó về đầu ra, dẫn tới mất thanh khoản, buộc phải cắt giảm lương, giảm số lượng lao động. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp khai khoáng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016, con số này giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trước đó, từ năm 2012, số lượng lao động tại các doanh nghiệp nhóm này đã có một đợt sụt giảm mạnh.

Tại một số doanh nghiệp khai khoáng niêm yết, thống kê giai đoạn 2013 - 2015 cho thấy, có những doanh nghiệp gần như không có dòng tiền cho chi trả lương cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết lao đao

Giai đoạn 2011 - 2012, giới chuyên gia cho rằng, với sức ép về yêu cầu xuất khẩu quặng qua chế biến, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) lĩnh vực khai khoáng sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho những “ông lớn” thực sự trong ngành có điều kiện đầu tư nhà máy luyện quặng.

Tuy nhiên, M&A trong lĩnh vực này không đơn giản. Để có thể M&A, các mỏ phải có trữ lượng đủ lớn, tỷ lệ quặng cao, điều kiện khai thác thuận lợi… Trong khi đó, có rất nhiều mỏ có tỷ lệ quặng thấp, chi phí khai thác cao, điều kiện vận chuyển khó khăn.

Đầu năm 2016, thông tin được thị trường quan tâm nhất đối với lĩnh vực khai khoáng kim loại, luyện kim là CTCP Đầu tư Khoáng sản An Thông xin trả lại 2 mỏ sắt Tùng Bá, Cao Linh - Khuôn Làng vì quá khó khăn, bị thua lỗ tại 2 mỏ này. Tỷ lệ quặng thấp dẫn đến chi phí chế biến cao, khó cạnh tranh với các mỏ lớn trên thế giới, chi phí khắc phục môi trường quá lớn, trong khi giá quặng sắt thô thế giới giảm từ 30 - 50% so với đầu năm 2014, nên cuối năm 2015, Khoáng sản An Thông lỗ 205 tỷ đồng.

Đầu tư Khoáng sản An Thông là công ty con của CTCP Tập đoàn Hòa Phát - một doanh  nghiệp lớn trong lĩnh vực khai khoáng và là công ty niêm yết duy nhất có thể thực hiện chu trình hoàn chỉnh của lĩnh vực thép từ khâu chế khai khoáng - luyện quặng -  cán thép, còn xin trả lại mỏ, thì những doanh nghiệp khai thác quy mô nhỏ hơn, không có điều kiện đầu tư toàn bộ quá trình... “chết lâm sàng” là điều dễ hiểu. Từ năm 2012 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ngành khai khoáng niêm yết rơi vào tình trạng  này như: KSS, KHB, KSA, KSH, LCM, BGM…

Sau sự kiện “con voi chui lọt lỗ kim” tại CTCP Khoáng sản miền Trung (MTM) mà Báo Đầu tư Chứng khoán từng có bài phản ánh, nhiều công ty chứng khoán tỏ ra thận trọng với nhóm cổ phiếu khoáng sản khi gửi thư thông báo tới khách hàng về việc không cho một loạt cổ phiếu nhóm này vào danh mục tài sản cầm cố, dù vẫn nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ.

… nhưng không phải tất cả

Nhìn lại diễn biến ngành, các doanh nghiệp nhóm ngành khai khoáng bị ảnh hưởng nặng nề đều có một đặc điểm chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản kim loại. Ngay cả CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC), doanh nghiệp chuyên khai thác titan, tưởng chừng như đứng ngoài “cơn bão”, thì năm 2015 cũng bị sụt giảm gần 43% lợi nhuận so với năm 2014, trong khi sản lượng tiêu thụ chỉ giảm nhẹ.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp trong ngành hoạt động khả quan. Chẳng hạn, CTCP Đá Núi Nhỏ (NNC) đạt 123,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015 trên vốn điều lệ 131,5 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 164,4 tỷ đồng do chia cổ tức bằng cổ phiếu). Giá cổ phiếu NNC có xu hướng tăng kể từ khi niêm yết (23/6/2010) đến nay, với mức tăng giá khoảng 1.600% từ mức giá đáy.

Một số cổ phiếu khác được nhiều nhà đầu tư quan tâm là MSR của CTCP Tài Nguyên Ma san và MTA của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, khi giá cổ phiếu đều tăng và thanh khoản khá cao. MSR là công ty con của Tập đoàn Masan, quản lý và phát triển Dự án Mỏ đa kim Núi Pháo tại Thái Nguyên - một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới (bên ngoài Trung Quốc).

Quý I/2016, MSR đạt doanh thu thuần 806 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao đạt 449 tỷ đồng, tăng 31,3%; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông là 11 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 89 tỷ đồng). Từ đầu đến nay, giá cổ phiếu MSR tăng 50%, đạt 17.700 đồng/CP. Còn MTA có hoạt động chính là khai thác, chế biến, kinh doanh và xuất nhập khẩu các loại khoáng sản, quặng có chất phóng xạ, với các sản phẩm truyền thống như Ilmenit, Zicon, Rutile…

Kết quả kinh doanh quý I/2016 của MTA kém khả quan khi đạt 292 tỷ đồng doanh thu và 1,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lãi sau thuế hơn 18 tỷ đồng. Từ đầu năm 2016, giá cổ phiếu MTA tăng từ mức 4.200/CP lên 5.900 đồng/CP khi kết thúc ngày 8/7.

Chính sách chung về thuế, phí… ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp khai khoáng, nhưng chính sách về xuất khẩu không tác động nhiều đến các doanh nghiệp khai khoáng hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như: khai thác cát, sỏi, đá… Câu chuyện đáng quan tâm của các doanh nghiệp trong nhóm này là sở hữu được mỏ đất, đá nào?

Trong lĩnh vực khai khoáng kim loại, với sự trở lại ngoạn mục của giá quặng thế giới, câu chuyện cần quan tâm là mỏ quặng như thế nào? Việc Tập đoàn Hòa Phát xin trả 2 mỏ, nhưng lại đưa kế hoạch xây dựng nhà máy thép có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD tại Hà Tĩnh cho thấy, nếu lựa chọn được mỏ tốt, thuận lợi về khai thác…, thì khai khoáng kim loại vẫn có thể là khoản đầu tư hấp dẫn.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 6

 Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Hai quý đầu năm nay, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới đi xuống, do đó nhu cầu về khoáng sản không cao, giá khoáng sản vẫn có xu hướng đi xuống, giá than tương đương cuối năm ngoái. Trong quý II, giá than tăng so với quý I nhờ giá dầu phục hồi, nhưng mức tăng chỉ khoảng 5 - 6%. Tập đoàn ước 6 tháng đầu năm tiêu thụ 18 triệu tấn than, bằng 50% kế hoạch năm. Tuy nhiên, một số hộ tiêu thụ than lớn như xi măng, điện và phân bón gặp khó khăn nên lượng tiêu thụ than của TKV giảm hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch đặt hàng từ đầu năm. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Nhà nước bắt đầu đánh thuế alumin, từ 0% lên 2%. Nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước cùng tác động đã ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn. Trên thực tế, ngay từ đầu năm, TKV  kỳ vọng thực hiện cao hơn so với kế hoạch, song hiện tại, Tập đoàn sẽ bám sát kế hoạch đề ra.

Tập đoàn đang triển khai các giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm 2016 với sản lượng 36 triệu tấn. Dự báo, 6 tháng cuối năm, thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ ngày 1/7 vừa qua, thuế tài nguyên đối với sản xuất khai thác than tiếp tục tăng. Cụ thể, thuế tài nguyên đối với than lộ thiên tăng từ 9% lên 12%; đối với than hầm lò tăng từ 7% lên 10%. Việc tăng thuế tài nguyên dự kiến sẽ làm tăng chi phí từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng, tùy theo sản lượng khai thác, có thể ảnh hưởng tới cân đối tài chính và kế hoạch đầu tư dài hạn của Tập đoàn. Tập đoàn có thể xem xét lùi một số kế hoạch khai thác do nhiều yếu tố khó khăn cùng tác động. Đây cũng là bài toán chung về lựa chọn mô hình khai thác phù hợp với giai đoạn khó khăn của ngành khai khoáng thế giới để đảm bảo bù đắp được chi phí, đảm bảo cân đối và an toàn tài chính, việc làm cho cán bộ, công nhân viên.

IMF dự báo nguyên liệu thô kém khả quan

Trong ngắn hạn, tâm lý thị trường khá tích cực đối với các loại nguyên liệu thô cơ bản phục vụ ngành công nghiệp, xây dựng. Trong gần 2 năm qua, đa phần các nhà sản xuất, khai thác nguyên liệu thô đã phải cắt giảm sản lượng bởi tình trạng dư cung đã đẩy giá nguyên liệu xuống mức thấp. Bởi vậy, tình trạng dư cung phần nào đã được hạn chế.

Chưa kể, nhờ những biến động mới tại châu Âu, điển hình là sự kiện Brexit - Anh quyết định sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), giới chuyên gia tin rằng, châu Âu sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp nới lỏng hơn nữa. Thêm vào đó, Brexit khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dè dặt hơn trong việc nâng lãi suất. Trong môi trường lãi suất thấp, các nhà sản xuất nguyên liệu thô sẽ phần nào hạn chế được tổn thất, có động lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, trong dài hạn, với việc nền kinh tế toàn cầu chưa có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, thị trường nguyên liệu thô được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo vẫn sẽ dư cung, nhu cầu sử dụng yếu. Đây là lý do khiến đa phần các thành viên thị trường nhận định, giá nguyên liệu thô khó có khả năng tăng mạnh, chủ yếu duy trì ở ngưỡng giá hiện tại.

Điển hình, Australia, quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng giá quặng sắt trong năm tới xuống 20% so với dự báo trước đó, khi thị trường toàn cầu duy trì tình trặng dư cung. Cụ thể, trong năm 2017, giá quặng sắt sẽ ở mức 44,8 USD/mét tấn, so với mức dự báo 56 USD/mét tấn được đưa ra tháng 3/2016; dự báo giá quặng sắt trong năm 2016 sẽ ở mức 44,2 USD/mét tấn, so với mức dự báo 45 USD/mét tấn trước đó.

Doanh nghiệp khoáng sản: cơ hội hay suy tàn? ảnh 7

Bùi Sưởng - Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục