“Ông lớn” khoáng sản gặp khó

(ĐTCK) Ngành khai thác khoáng sản Việt Nam hiện đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối như thất thu ngân sách, cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường... Trong bối cảnh đó, việc tham gia “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai thác” (EITI) được đánh giá là cơ hội lớn để cải thiện tình hình này.
Báo cáo của EITI yêu cầu phải minh bạch về sở hữu, lợi tức ở các công ty khai khoáng nhà nước, bao gồm cả công ty con và liên doanh Báo cáo của EITI yêu cầu phải minh bạch về sở hữu, lợi tức ở các công ty khai khoáng nhà nước, bao gồm cả công ty con và liên doanh

Báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) cho biết, trong những năm gần đây, ngành khoáng sản của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng về quy mô.

Tính đến năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới. Còn theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn appatite, 193.000 tấn mangan và lượng lớn nhiều loại khoáng sản khác trong năm 2013.

Mặc dù vậy, công nghiệp khai khoáng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, với quy mô khai thác như trên, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội Địa chất Việt Nam, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì-kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.

Nguyên tắc của EITI là công khai một số thông tin về ngành công nghiệp khai thác dưới sự giám sát của Hội đồng các bên liên quan gồm Chính phủ, DN và xã hội dân sự.    

Tuy được khai thác với quy mô lớn, song đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản lại rất hạn chế. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí trong giai đoạn 2011-2014 chỉ đạt 0,9-1,2% tổng thu ngân sách. Ngoài ra, một số vấn đề tồn tại khác có thể kể ra như: khai thác và xuất khẩu trái phép ở nhiều địa phương, quy trình cấp phép, cơ chế quản lý khai thác khoáng sản chưa có sự minh bạch, hoạt động khai thác gây tác động xấu đến môi trường…

Với thực trạng đáng báo động của ngành công nghiệp khai khoáng, VCCI cảnh báo, Việt Nam cần sớm tham gia EITI để giảm thất thu ngân sách, hỗ trợ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, tạo môi trường minh bạch để thu hút các dự án khai thác có công nghệ tốt và nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên.

EITI tác động tới các “ông lớn” nhà nước

Trong bức tranh chung của ngành công nghiệp khai khoáng, nhiều chuyên gia đánh giá, tính hiệu quả của đầu tư nhà nước trong các dự án khai thác khoáng sản là vấn đề nổi cộm, cần được đánh giá một cách tổng thể và nghiêm túc.

Hiện nay, có hơn 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên cả nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác chủ yếu tập trung vào nhóm 5 tập đoàn và tổng công ty lớn gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, các DNNN được hưởng nhiều ưu đãi trong khai thác khoáng sản tại Việt Nam, tuy nhiên, trình độ, công nghệ khai thác không đồng đều, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng khai thác, tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô kéo dài, đặc biệt là tình trạng xuất khẩu “lậu” sang Trung Quốc rất nghiêm trọng.

Ông Doanh khuyến nghị, Việt Nam cần sớm thực hiện các cam kết về minh bạch khoáng sản (EITI) để chống lãng phí tài nguyên và thất thu ngân sách.

Được biết, nguyên tắc của EITI là công khai một số thông tin về ngành công nghiệp khai thác dưới sự giám sát của Hội đồng các bên liên quan gồm Chính phủ, DN và xã hội dân sự. Bộ tiêu chuẩn EITI năm 2013 yêu cầu minh bạch thông tin với 7 nội dung gồm cấp phép; dữ liệu sản xuất; DNNN; các nguồn thu chính; nguồn thu địa phương; quản lý nguồn thu và tác động xã hội. Như vậy, nếu Việt Nam tham gia EITI, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên chính là các “ông lớn” trong ngành khai khoáng tại Việt Nam.

Về các yêu cầu đối với DNNN, EITI yêu cầu công khai mức độ sở hữu nhà nước trong các DNNN, phân bổ lợi nhuận và các chi phí mang tính ngân sách của DNNN. Cụ thể, sự tham gia của Nhà nước vào lĩnh vực khai khoáng đã tạo ra những khoản thu tương đối lớn, Báo cáo EITI yêu cầu phải công khai các thông tin liên quan đến mức độ sở hữu, lợi tức ở các DN khai khoáng nhà nước, bao gồm cả công ty con và liên doanh.

Khi có sự thay đổi về quyền sở hữu của các DNNN trong kỳ báo cáo EITI, Chính phủ và các DNNN cần công khai các điều khoản của giao dịch, bao gồm chi tiết về định giá và các khoản thu. Khi Chính phủ và các DNNN cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh vốn vay cho các DN khai khoáng và dầu khí, chi tiết về các giao dịch cần được đưa vào Báo cáo EITI.

Báo cáo EITI cũng phải đưa ra quy tắc và thông lệ hiện hành liên quan đến mối quan hệ tài chính giữa Chính phủ và các DNNN như các quy tắc và thông lệ chi phối việc chuyển tiền giữa các DNNN và Nhà nước, các khoản lợi nhuận giữ lại, tái đầu tư và tài trợ của bên thứ ba.

Các DNNN được yêu cầu báo cáo về các chi tiêu mang tính ngân sách như các khoản thanh toán cho dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng công cộng, trợ cấp nhiên liệu và trả nợ quốc gia. Hội đồng các bên liên quan được yêu cầu xây dựng một quy trình báo cáo nhằm đạt được một mức độ minh bạch tương đương với các khoản thanh toán và các dòng thu khác.

Ngoài ra, các DNNN trong lĩnh vực khai khoáng cũng phải đối mặt với việc giảm lợi thế trong công tác quy hoạch, đấu giá khai thác tài nguyên khi những quy định về cấp phép, dữ liệu sản xuất… được áp dụng. Chẳng hạn, với hoạt động cấp phép, EITI yêu cầu các quốc gia duy trì việc công khai danh sách giấy phép với đầy đủ thông tin, thậm chí là các mô tả về quá trình cấp phép (đang triển khai).

Bên cạnh đó, EITI cũng khuyến khích công khai tên cá nhân là chủ sở hữu thực sự của DN hơn là nêu tên DN để hạn chế nguy cơ mâu thuẫn quyền lợi và trốn thuế. Tóm lại, công khai giấy phép là một trong những bước quan trọng nhất mà các quốc gia triển khai EITI có thể thực hiện để thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý lĩnh vực khai khoáng.

EITI được coi là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất của ngành công nghiệp khai thác thế giới. Tính đến tháng 12/2015, có 49 quốc gia đã thực thi EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na Uy… và một số quốc gia đang phát triển như Indonesia, Philipines, Nigieria... Hiệu quả của EITI đã được chứng minh ở nhiều quốc gia, chẳng hạn Nigieria đã tránh thất thu 1 tỷ USD hàng năm từ lĩnh vực khai khoáng nhờ sáng kiến này.

Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2005 và Bộ Công thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi. Sau 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI. 

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục