Cổ phiếu công nghệ khởi sắc kéo chứng khoán toàn cầu tăng điểm

(ĐTCK) Trong phiên thứ Tư, nhóm cổ phiếu công nghệ đã đồng loạt tăng vọt sau kết quả kinh doanh khả quan, giúp chứng khoán Âu, Mỹ đảo chiều tăng trở lại. Đặc biệt, chỉ số S&P công nghệ lần đầu tiên thiết lập kỷ lục mới sau 17 năm.
Cổ phiếu công nghệ khởi sắc kéo chứng khoán toàn cầu tăng điểm

Trong phiên giao dịch thứ Tư, nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 9 liên tiếp, với chỉ số S&P công nghệ (60 công ty) tăng 0,6%, đóng cửa ở mức 992,29 điểm, vượt qua đỉnh cao lịch sử 988,49 điểm được thiết lập ngày 27/3/2000 – thời điểm bùng nổ của cổ phiếu dot-com.

Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu công nghệ, cùng kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt phục hồi trở lại, trong đó S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones tăng 66,02 điểm (+0,31%), lên 21.640,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,22 điểm (+0,54%), lên 2.473,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 40,74 điểm (+0,64%), lên 6.385,05 điểm.

Tương tự phố Wall, một loạt thông tin cập nhật kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố đã giúp cổ phiếu châu Âu đồng loạt hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ có phiên tăng tốt nhất trong 10 tháng, hỗ trợ đắc lực cho thị trường của khu vực tăng điểm.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 40,69 điểm (+0,55%), lên 7.430,91 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,66 điểm (+0,17%), lên 12.452,05 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,80 điểm (+0,83%), lên 5.216,07 điểm.

Tương tự, sắc xanh cũng bao trùm chứng khoán châu Á trong phiên thứ Tư. Dù đồng yên tăng mạnh so với đồng USD, nhưng với lực mua vào mạnh ở nhóm cổ phiếu cơ bản, chứng khoán Nhật Bản vẫn có phiên tăng điểm, dù mức tăng khiêm tốn. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng thứ 8 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng vọt nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc vừa được công bố.

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 20,95 điểm (+0,10%), lên 20.020,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 147,22 điểm (+0,56%), lên 26.672,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 43,41 điểm (+1,36%), lên 3.230,98 điểm.

Sau 3 phiên tăng ấn tượng, lên mức cao nhất 3 tuần, giá vàng đã điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư khi đồng USD hồi phục từ mức thấp nhất 10 ngày.

Kết thúc phiên 19/7, giá vàng giao ngay giảm 1 USD/ounce (-0,08%), xuống 1.241 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 0,4 USD/ounce (-0,03%), xuống 1.241,5 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất 6 tuần sau khi nhận thông tin hỗ trợ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Cụ thể, theo số liệu vừa được EIA công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với con số dự báo 3,2 triệu thùng của giới phân tích.

Kho dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm 2,1 triệu thùng và xăng giảm 4,4 triệu thùng. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích dự báo, kho dự trữ sản phẩm chưng cất sẽ tăng 1,2 triệu thùng và xăng tăng 0,7 triệu thùng.

Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,72 USD/thùng (+1,53%), lên 47,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,86 USD (+1,73%), lên 49,70 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục