Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trên toàn cầu khi lo ngại lạm phát bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á sụt giảm sau sự giảm mạnh của các cổ phiếu công nghệ do lo ngại lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trên toàn cầu khi lo ngại lạm phát bùng phát

Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng sự phục hồi rộng rãi của các nền kinh tế toàn cầu và chi phí tăng cao đối với nhiều hàng hoá sẽ khiến giá cả đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Lo ngại ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD hàng tháng nhanh hơn dự định và điều này sẽ khiến của các công ty công nghệ lớn dễ bị điều chỉnh nhất.

Aneeka Gupta, giám đốc nghiên cứu tại WisdomTree cho biết: “Lạm phát đang gây ra nhiều lo sợ cho các nhà đầu tư vì khả năng các ngân hàng trung ương chưa sẵn sàng tăng lãi suất”. Bà mong đợi một đợt tăng giá lâu dài hơn là một đợt tăng “nhất thời”.

Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương (cổ phiếu công nghệ) và chỉ số Hang Seng (công nghệ)

Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương (cổ phiếu công nghệ) và chỉ số Hang Seng (công nghệ)

Tại châu Á, cổ phiếu Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Công ty điện tử Samsung sụt giảm đã kéo chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương (cổ phiếu công nghệ) xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/2, trong khi Chỉ số công nghệ Hang Seng giảm tới 4,5% hôm thứ Ba (11/5), kéo dài mức giảm từ đỉnh vào tháng 2/2021 tới thời điểm hiện tại là 30%.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, lạm phát kỳ vọng bình quân 5 năm (Breakeven Inflation Rate), một thước đo chính của kỳ vọng thị trường đối với tăng trưởng về giá đã đạt 2,733% hôm thứ Ba (11/5), mức cao nhất kể từ năm 2006.

Trong khi đó, Bank of America cho biết, khi đề cập đến “lạm phát” giữa các giám đốc điều hành ở Phố Wall, nhiều công ty cho biết họ có kế hoạch đối phó với chi phí cao hơn bằng cách tăng giá.

Bóng ma về áp lực chi phí mạnh mẽ hơn đã được củng cố vào thứ Ba (11/5) bởi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc vào tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm là 6,8%.

Tốc độ tăng giá cao hơn được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu, giá nguyên liệu thô từ quặng sắt đến gỗ xẻ đều tăng mạnh và sự phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác của ngân hàng trung ương Mỹ cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận những đợt bùng nổ giá cao hơn trong thời gian ngắn để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mặc dù ít biến động mạnh trong thời gian gần đây và đang dao động quanh 1,615% vào thứ Ba (11/5). Tuy nhiên, nó đã tăng từ khoảng 0,9% vào đầu năm do các nhà đầu tư đang đặt cược vào xu hướng lạm phát dài hạn sẽ làm xói mòn lợi nhuận từ các chứng khoán có thu nhập cố định như vậy.

Lợi nhuận cao hơn từ tín phiếu kho bạc cũng làm xói mòn giá trị của dòng tiền trong tương lai của các công ty, làm ảnh hưởng đến cổ phiếu của các công ty công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng khác mà lợi nhuận sẽ không đạt đỉnh trong những thập kỷ tới.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte cho biết: “Các nhà đầu tư đang tiếp tục tập trung vào câu chuyện lạm phát, với giá hàng hóa tăng và tình trạng thiếu chip đang diễn ra. Những lo ngại về lạm phát cao hơn có thể đè nặng lên các cổ phiếu tăng trưởng, vì phần lớn giá trị của chúng có thể đến từ lợi nhuận trong tương lai”.

Shogo Maekawa, chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management ở Tokyo cho biết: “Xu hướng chỉ nhìn vào mặt tốt của các nhà đầu tư đang nhanh chóng phai nhạt. Trước đó mọi người từng có xu hướng mua cổ phiếu công nghệ ngay cả sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ yếu do quan điểm rằng bất kỳ lối thoát nào trong các chính sách tiền tệ là rất xa vời. Nhưng giờ đây, mối lo ngại sâu xa về lạm phát đang dẫn đến sự sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ”.

Ở châu Á, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải gánh chịu gánh nặng của sự thoái lui của lĩnh vực công nghệ trong tháng này sau khi các nhà quản lý mở rộng cuộc đàn áp chống độc quyền và công bố các bước để kiềm chế các đơn vị tài chính đang phát triển nhanh của các công ty.

Herald van der Linde, người đứng đầu chiến lược cổ phần châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Holdings cho biết, họ đã đánh giá trung lập với lĩnh vực internet của Trung Quốc vào tháng 11 với lập luận rằng đây có thể là “vấn đề lớn nhất” trong năm 2021.

“Đôi khi, thị trường chứng khoán châu Á bị cuốn theo cái mà chúng ta có thể gọi là ảo tưởng thị trường lớn, họ tin rằng tăng trưởng trong các lĩnh vực sẽ tiếp tục, nhưng sau đó, những cổ phiếu này có thể đột ngột quay đầu và giảm giá ngay cả khi tăng trưởng vẫn mạnh mẽ”, ông cho biết.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục