Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/10

DGW: Khuyến nghị giảm tỷ trọng

CTCK FPT (FPTS)

Đúng theo nhận định của chúng tôi về việc “CEO của DGW đang quá lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của smartphone tại thị trường Việt Nam” và khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm là không cao.

Dù không có con số thống kê cụ thể do DGW chỉ mới niêm yết trong năm nay, tuy nhiên, theo suy luận của chúng tôi, mùa kinh doanh cao điểm của DGW thường sẽ rơi vào quý cuối năm do DGW phải đẩy mạnh phân phối hàng hóa cho các nhà bán lẻ để tích trữ phục vụ mùa mua sắm cao điểm cuối năm (tháng 12 và quý I/2016). Đây là thời điểm mua sắm truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam khi nhận được các khoản tiền thưởng tết Dương lịch và tết Âm lịch. Minh chứng cụ thể là việc Quý I mỗi năm luôn là quý có doanh thu cao nhất của các nhà bán lẻ như Thế giới Di động hay FPT Shop.

Do đó, chúng tôi đánh giá DGW vẫn có khả năng đạt doanh thu và lợi nhuận khả quan trong quý IV/2015, ước tính sẽ ở mức 1.395 tỷ đồng doanh thu và 36,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu (6.000 tỷ đồng) và 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm (160 tỷ đồng).

Khuyến nghị: Với ước tính lợi nhuận cả năm 2015 nêu trên, EPS 2015 của DGW ước đạt khoảng 4.008 đồng/cp. Với mức P/E 7.5 đã ước tính trước đây, giá mục tiêu của DWG cho cuối năm nay là 30.100 đồng/cp (đã pha loãng sau khi DGW chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10:4), thấp hơn 12% so với thị giá hiện tại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư GIẢM tỷ trọng cổ phiếu DGW trong danh mục (nếu đang sở hữu) và chưa đầu tư mới cổ phiếu này trong ngắn hạn.

VNS: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Công ty Mẹ đã đầu tư 1.011 xe mới và thanh lý 583 xe cũ, lần lượt hoàn thành 95,4% và 83% kế hoạch năm. Tổng số xe hiện đang kinh doanh của VNS tính đến cuối tháng 9/2015 là 6.157 chiếc, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái . Theo đó, doanh thu công ty Mẹ trong 9 tháng đầu năm 2015 đã tăng 14% n/n và đạt khoảng 3.068 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn doanh thu ở mức 7% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 247 tỷ với biên lợi nhuận ròng giảm 1 điểm phần trăm (ppt) n/n xuống còn 8% do (i) biên lợi nhuận gộp giảm 1,4 điểm % vì cước taxi giảm 8% và (ii) tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng nhẹ 0,3 điểm % so với cùng kỳ.

Với thị phần 44% tổng số xe tại tp.HCM, cộng với thị phần tại các thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang đang mở rộng, chúng tôi lạc quan hoạt động dịch vụ taxi của VNS tiếp tục có mức doanh số tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc giá cước bị điều chỉnh giảm cùng với cạnh tranh từ các dịch vụ taxi giá rẻ sẽ tác động lên lợi nhuận của công ty trong năm nay. Chúng tôi giữ nguyên ước tính lợi nhuận sau thuế 2015 của VNS đạt khoảng 307 tỷ, giảm 2% so với năm ngoái. EPS 2015 ước 4.529 đồng/cp, tương ứng PE 7 lần, thấp hơn mức 10 lần trung bình ngành trong khu vực (đã chiết khấu 30% do rủi ro cạnh tranh từ Grab taxi, Uber…)

IMP: PE kỳ vọng ở mức 11,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

IMP công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015, với 631,9 tỷ đồng doanh thu thuần (+6,9% n/n) và và 70,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+11,2% so với cùng kỳ năm ngoái ), thấp hơn mức tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 25,5% của doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015. Điều này là do kết quả kinh doanh quý III/2015 kém thuận lợi hơn. Tổng doanh thu quý III/2015 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái , còn 200,1 tỷ đồng, khá sát với dự báo trước đây của chúng tôi 206,1 tỷ đồng. Như đã đề cập trong các phân tích trước, doanh thu quý III/2015 giảm chủ yếu là do:

(1) Tăng trưởng doanh số các tháng cuối năm 2015 khả năng sẽ có xu hướng chậm lại do IMP thay đổi kế hoạch bán hàng theo hướng phân bổ đều doanh thu giữa các quý trong năm. Việc này sẽ giúp giảm áp lực doanh số cho các tháng cuối năm như các năm trước đây, như trong năm 2014, 60% doanh thu cả năm được đóng góp từ quý III và quý IV. (2) Việc kiểm soát công nợ từ quý III/2015 cũng có ảnh hưởng nhất định đến doanh thu của công ty trong ngắn hạn. Thông thường, bán hàng qua kênh thương mại (OTC) sẽ có kỳ thu tiền bình quân ngắn hơn bán qua kênh bệnh viện (ETC). IMP đã chuyển đổi cơ cấu doanh thu từ mức 55% của OTC trong 2013 sang gần 80% trong 2014 và 88% trong 9 tháng đầu năm 2015. Mặc dù vậy, kỳ thu tiền lại có xu hướng kéo dài hơn, từ 66,4 ngày của 2013 lên 91,3 ngày trong 2014 và gần 98 ngày trong 6 tháng đầu năm 2015. Do vậy, công ty bắt đầu siết chặt công nợ hơn cũng là việc hợp lý. Nhắc lại, với các lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, chúng tôi cho rằng doanh số khả năng chỉ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn do thay đổi chính sách công nợ này.

(2) Lãi ròng quý III/2015 đạt 17,6 tỷ đồng, giảm 17,2% n/n, thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi (22,4 tỷ đồng), do biên lợi nhuận gộp đạt được trong kỳ thấp hơn giả định.

Lưu ý, IMP đã bắt đầu áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TTBTC. Theo đó, biên lợi nhuận gộp và tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý III/2015 có nhiều thay đổi. Cụ thể, các khoản chi phí chiết khấu thương mại không được ghi nhận trong chi phí bán hàng như trước đây mà sẽ hạch toán vào các khoản giảm trừ doanh thu.

Theo đó, khoản giảm trừ doanh thu của IMP đã tăng mạnh từ mức 800 triệu của quý III/2014 lên 16,3 tỷ đồng trong quý III/2015, tương đương 8% tổng doanh thu. Điều này khiến doanh thu thuần quý III/2015 giảm mạnh hơn, 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 183,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng điều chỉnh giảm xuống còn 34,8% trong quý III/2015 (-12,4 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý III/2015 cũng giảm 13,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ, còn 21,1%.

Năm 2015, IMP đặt kế hoạch 1.050 tỷ đồng doanh thu (+17% so với năm ngoái) và 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+17,9% so với năm ngoái).

Với kết quả 9 tháng đầu năm 2015 này, công ty đã hoàn thành gần 60% và 69% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế đặt ra. Với dự báo trước đây, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận trước thuế 2015 của IMP sẽ ở mức 133,3 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. doanh thu 2015 ước đạt 1.019 tỷ đồng (+13,5% so với cùng kỳ năm ngoái), thấp hơn 3% so với kế hoạch của công ty. Theo đó, cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 11,5 lần, so với mức hơn 20 lần bình quân các thị trường dược mới nổi của Châu Á (Emerging Asia pharmaceutical companies). Tuy nhiên, do kết quả quý III/2015 thấp hơn kỳ vọng, khả năng chúng tôi sẽ xem xét để điều chỉnh giảm nhẹ dự báo này.

Biên lãi gộp 9 tháng đầu năm 2015 tăng 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên mức 17,3% do giá PET chip , chiếm khoảng 56% giá thành, giảm trung bình từ 19% đến 20%. Mặc dù vậy, chi phí tài chính ròng tăng 4,3 lần lên 31,9 tỷ đồng chú yếu là do trong kỳ, STK ghi nhận lỗ tỷ giá là 19,1 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế giảm 24,8% so với cùng kỳ còn 61,6 tỷ đồng (trong đó riêng quý III/2015, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 75,9% còn 7 tỷ đồng).

STK: PE giao dịch ở mức 13,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu thuần giảm 15,4% so với cùng kỳ còn 925 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do giá bán bình quân (ASP) giảm 13,4% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ giảm 18,6% so với cùng kỳ. STK cho biết kể từ quý III/2015 Kinh tế Trung Quốc suy giảm khiến cho đơn hàng dệt may toàn cầu sụt giảm ảnh hưởng đến đơn hàng sợi nói chung.

STK đang tích cực đầu tư mở rộng công suất sản xuất nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. STK hiện có 2 nhà máy tại Củ Chi (TP HCM) và Trảng Bàng (Tây Ninh) với công suất sản xuất 37.000 tấn DTY, FDY/ năm. Năm 2014, STK đã đầu tư 35 triệu USD vào nhà máy mở rộng tại Chi nhánh Trảng Bàng - Giai đoạn 3 với công suất tăng thêm là 15.000 tấn DTY, FDY.

Kể từ tháng 7/2015, 50% công suất nhà máy mở rộng đã đi vào hoạt động. Dự kiến toàn bộ nhà máy sẽ hoạt động chính thức từ đầu tháng 01/2016. nâng tổng công suất thiết kế lên 52.000 tấn DTY và FDY/năm (+40,5%). Cuối năm 2016, STK sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy Trảng Bàng – Giai đoạn 4, nâng tổng công suất lên 60.000 tấn DTY và FDY (+15,4%).

Trong dài hạn, chúng tôi đánh giá triển vọng kinh doanh của STK khá thuận lợi do hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng cao (hơn Việt Nam 50%).

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp cho STK duy trì lợi thế về giá thành trong thời gian tới, trong đó có FTA Việt Nam – Hàn Quốc (thuế nhập khẩu sợi từ Việt Nam sang Hàn Quốc giảm từ 8% xuống 0% 2016), FTA Việt Nam – EU (Thuế nhập khẩu các mặt hàng may mặc của Việt Nam sang EU giảm từ 9,6% xuống 0% ngay khi có hiệu lực).

Ngoài ra, TPP đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải sử dụng nguyên liệu sợi trong nước hoặc từ các nước thành viên TPP khác sẽ làm tăng nhu cầu nội địa về sợi vốn đang thiếu hụt nguồn cung. STK đang giao dịch tại P/E theo kế hoạch là 13,6 lần.

NCT: Mức giá mục tiêu 120.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFE, chúng tôi định giá cổ phiếu NCT của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ở mức 120.000 đồng/cổ phần, thấp hơn thị giá hiện tại của NCT. Trong ngắn hạn, việc đã hoạt động hết công suất và thị phần quốc tế bị san sẻ một phần cho đối thủ cạnh tranh ALS phần nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của NCT.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây không phải một thông tin quá tiêu cực đối với NCT, bời vì: 1) NCT vẫn là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vietnam Airlines trong việc nâng cao uy tín và thương hiệu đối với các hãng hàng không quốc tế; 2) Thị phần của NCT mặc dù bị san sẻ nhưng vẫn chiếm ưu thế trong khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.

Vấn đề đối với NCT hiện tại là giải quyết bài toán công suất mà chúng tôi cho rằng trong vòng 1-2 năm tới, NCT vẫn chưa thể thực hiện được do kế hoạch quy hoạch tại khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và sự khó khăn nhất định trong thủ tục thuê đất mở rộng kinh doanh.

MWG: PE khá thấp, ở mức 10 lần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu 2015 của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) tăng trưởng ấn tượng: doanh thu luỹ kế đạt 15.157 tỷ đồng (+60% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 644 tỷ đồng (+51% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành lần lượt 64% và 73% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, mảng di động đóng góp 12.693 đồng doanh thu, duy trì mức tăng trưởng cao 56% nhờ MWG đã tiếp tục mở thêm 121 cửa hàng mới. Mảng điện máy đóng góp 2.465 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 83% với việc mở mới 18 siêu thị.

Doanh thu online đạt 929 tỷ đồng, tăng trưởng 74% và chiếm 6% tổng doanh thu. Như vậy đến thời điểm hiện tại MWG đang sở hữu chuỗi phân phối với 501 điểm bán hàng trên toàn quốc, trong đó 465 là thegioididong.com và 36 là dienmayXANH.com.

MWG dự kiến sẽ vượt kế hoạch cả năm 2015 đề ra trước đó: công ty cho rằng doanh thu cả năm nay có thể đạt 25.000 tỷ đồng (+58% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng (+50% so với năm ngoái), vượt lần lượt 6% và 13% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2015. MWG cũng đề ra mục tiêu mở rộng chuỗi bán lẻ với 490 điểm bán thiết bị di động và 60 điểm bán sản phẩm điện máy trong năm nay. EPS dự phóng đạt 7.148 đồng/cp tương ứng với P/E 2015 10 lần.

Quan điểm đầu tư: Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10/2015, MWG đóng cửa ở mức giá 70.500 đồng/cp tương ứng P/E dự phóng 2015 10 lần, tương đối thấp xét trên:

(i) khả năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2 năm tới, đặc biệt là từ mảng điện máy, bán lẻ online và tiềm năng hơn là chuỗi Bách hoá Xanh sắp được ra mắt;

(ii) vị thế là một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất trong nước và thuộc Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương;

(iii) định giá hấp dẫn so với mức P/E bình quân 20 lần của các công ty cùng ngành nghề trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần chú ý đến rủi ro cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường bán lẻ trong tương lai.

ELC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử viễn thông - Elcom (mã ELC) đang có kế hoạch hợp tác xây dựng đường cáp đồng trục Bắc – Nam trong năm 2016. Đây là dự án lớn với tổng chiếu dài toàn bộ dự án khoảng trên 4.000 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 vào khoảng 1.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện 9 đến 12 tháng. Nếu dự án có thể hoàn thành đúng kế hoạch, chắc chắn sẽ có 1 cú hích lớn tới tên tuổi của Elcom cũng như triển vọng trong hoạt động kinh doanh.

Trong ngắn hạn 2015 chúng tôi dự báo ELC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 26%. Với mục tiêu ngắn hạn, mức giá hiện nay của ELC là 19.900 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E 2015 dự báo ở mức 9,5 lần, đang ở mức trung bình.

Về dài hạn, bên cạnh hoạt động kinh doanh truyền thống là viễn thông dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tốt những năm tới, Elcom còn mở rộng sang các lĩnh vực như An ninh Quốc phòng và Giao thông vận tải, là những thị trường đầy tiềm năng.

Với chiến lược kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp cùng sự phát triển của thị trường viễn thông trong nước, chúng tôi đánh giá tích cực về khả năng tăng trưởng trong tương lai của Elcom. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu ELC cho mục tiêu đầu tư trung hạn và dài hạn. Mức giá chúng tôi kỳ vọng vào khoảng 25.040 đồng/cổ phiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục