Doanh nghiệp sàn UPCoM e dè công bố thông tin

(ĐTCK) Thị trường UPCoM được xem là nơi để DN đại chúng tập dượt, làm quen trước khi chuyển lên niêm yết. Song, nếu nói rằng minh bạch thông tin là một tiêu chí quan trọng khi lên niêm yết thì hiện các DN sàn UPCoM vẫn chưa hình thành được thói quen này.
Tăng trưởng quy mô UPCoM 2009-2015 Tăng trưởng quy mô UPCoM 2009-2015

Tính đến thời điểm hiện tại, có 230 DN đang hoạt động trên thị trường UPCoM, với hơn 4,3 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 52,8 nghìn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, UPCoM chào đón thêm 58 DN đăng ký giao dịch mới. Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ, buộc DNNN sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, dự kiến sẽ tiếp tục thu hút nhiều DN vốn hóa lớn, hoạt động kinh doanh hiệu quả lên sàn này.

Thực tế, nhờ tác động chính sách và áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, thị trường UPCoM đang ngày càng có sức hút với giới đầu tư, thanh khoản được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, khi đề cập đến chất lượng công bố thông tin, nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngán ngẩm.

Để “lỏng” quy định

Trong thời gian đầu tạo lập thị trường, để khuyến khích các DN đăng ký giao dịch tại UPCoM thay vì hoạt động trên thị trường tự do, nghĩa vụ công bố thông tin được cơ quan quản lý đặt ra đối với DN sàn UPCoM rất “nhẹ nhàng” so với các DN niêm yết.

Theo thông tư hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK của Bộ Tài chính, các DN trên sàn UPCoM chỉ phải tuân thủ quy định chung dành cho công ty đại chúng. Theo đó, ngoài việc công bố thông tin bất thường và thông tin theo yêu cầu, DN chỉ cần công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và báo cáo thường niên.

Ở mức độ quy chuẩn công bố thông tin bắt buộc rất thấp, nhà đầu tư chủ yếu trông chờ tin tức mới của DN trên UPCoM qua kênh báo chí - truyền thông.

Nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư, ĐTCK đã liên hệ với một số DN trên UPCoM thời gian gần đây, được đánh giá có hoạt động kinh doanh tốt và diễn biến tích cực trên thị trường, tuy nhiên đều nhận được cái lắc đầu từ phía người phụ trách công bố thông tin.

Đơn cử như CTCP Vận tải và Dịch vụ hàng hải (TRS), tuy kinh doanh có lãi, giá cổ phiếu tăng hơn 200% sau gần nửa tháng giao dịch, thanh khoản rất tích cực, nhưng khi được liên hệ, đại diện DN vẫn tỏ ra e ngại trước việc cung cấp thông tin, cho rằng DN mình chỉ có quy mô nhỏ, chưa muốn xuất hiện trên báo chí.

Một số trường hợp khác bao gồm cả các công ty có vốn điều lệ tương đối lớn, công ty con của các tập đoàn uy tín cũng không mặn mà với việc cung cấp thông tin cho báo chí, cho biết DN vừa lên UPCoM, các thông tin đều đã cập nhật trong bản cáo bạch. Trước các câu hỏi chung về ngành, kinh tế vĩ mô, đại diện DN cũng từ chối trả lời.

Hình thành thói quen minh bạch

Mong muốn tiếp cận thông tin từ DN một cách thường xuyên là nhu cầu cấp thiết của các nhà đầu tư. Tâm tư này được các nhà quản lý hiểu rõ, tuy nhiên quan điểm của nhà quản lý từ trước đến nay vẫn là khuyến khích các DN trên sàn UPCoM công bố thông tin thường xuyên và đầy đủ hơn để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Việc thực hiện được các quy định minh bạch như tại sàn niêm yết là rất khó, nhưng cần tiến tới hình thành thói quen minh bạch thông tin trên thị trường.

Theo kết quả khảo sát DN niêm yết của HNX, 98% DN trên HNX đã thực hiện công bố thông tin đúng quy định và 84% DN nhận thức rõ, việc minh bạch hóa thông tin là để phục vụ thị trường, công chúng đầu tư chứ không chỉ để đáp ứng yêu cầu của nhà quản lý.

Với việc chưa có quy định pháp lý cho phép DN sau cổ phần hóa niêm yết thẳng trên 2 Sở GDCK, tức là DN vẫn phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM ngay cả khi đủ điều kiện niêm yết, thị trường UPCoM được xem là nơi để DN đại chúng tập dượt, làm quen với các yêu cầu về quản trị công ty, công bố thông tin trước khi lên niêm yết. Tuy nhiên, thói quen minh bạch thông tin cần phải được hình thành từ ý thức của các DN trên sàn UPCoM mới có thể giữ được nhịp quan tâm đầu tư vào UPCoM của công chúng.

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục