Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/12

MSN: Có thể mua trong ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

MSN của CTCP Tập đoàn Masan tạo mẫu hình nến tích cực Bullish Engulfing trong phiên giao dịch cuối tuần trước, với thanh khoản tăng đột biến gần bằng 150% so với phiên giao dịch trước đó. Với tín hiệu tích cực này, đà tăng của MSN có thể sẽ tiếp diễn, để test lại ngưỡng cản tương đối mạnh đang hiện diện ở vùng 74-76.

Bên cạnh đó, nhịp tăng ngắn hạn này còn được củng cố bởi các tín hiệu phân kỳ dương giữa đường giá với Stochastic và RSI trong giai đoạn từ cuối tháng 11/2015 đến nay.

Tuy có phiên giảm điểm trở lại khá mạnh, nhưng hiệu ứng từ các tín hiệu tích cực có thể vẫn chưa bị mất đi, nhất là khi khối lượng giao dịch vẫn duy trì khá tốt bên trên mức bình quân 20 phiên.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, đường giá MSN cũng đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ với với đường MACD từ giữa tháng 9/2015.

Trên đồ thị theo khung thời gian tuần, khối lượng giao dịch cho thấy xu hướng liên tục tích cực từ giữa tháng 9/2015 đến nay. Đồng thời, hai biên Bollinger Bands đang co hẹp lại cho thấy khả năng MSN đang tích lũy cho những nhịp biến động mạnh hơn trong giai đoạn sắp tới.

Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực trên chỉ đang ở mức độ cảnh báo khả năng tích cực. Để hình thành một nhịp tăng trung hạn, MSN cần vượt lên trở lại các đường trung bình dài hạn MA100 và MA200, đang chuyển động quanh vùng 76-79 trong phiên giao dịch ngày 18/12/2015. Nếu hình thành nhịp tăng trung hạn, MSN có thể test lại vùng đỉnh 90-91, vùng cũng có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Retracement 78.6% (tính cho nhịp giảm từ tháng 07 đến 12/2015).

Chính vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua quanh vùng giá hiện tại và kỳ vọng có thể test lên chạm đến vùng 74-76. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 67.

Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục theo dõi và chờ đợi tín hiệu mua vào khi giá MSN vượt lên trên trở lại các đường MA100 và MA200, đang hiện diện quanh vùng 76-79.

MBB: Trong ngắn hạn có thể thực hiện giao dịch lướt sóng

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội đang chuyển động trong kênh hẹp giới hạn bởi đường MA100 và MA200 đang hiện diện quanh vùng 14-14.5. Vùng này cũng khá tương đồng với vùng giới hạn bởi hai ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% và 61.8% (tính cho nhịp tăng từ tháng 08 đến tháng 10/2015).

Thanh khoản của MBB vẫn chưa có dấu hiệu tích cực trở lại, khi vẫn liên tục trồi sụt quanh mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất, trong khoảng hai tuần gần đây.

Bên cạnh đó, hai biên của Bollinger Bands cũng mở rộng ra sau giai đoạn nén lại, cho thấy khả năng MBB sẽ biến động với biên độ rộng hơn trong giai đoạn sắp tới.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, đường giá MBB xuất hiện tín hiệu phân kỳ với MACD từ cuối tháng 10/2015 đến nay. Tín hiệu tích cực này vẫn cần phải chờ sự xác nhận từ việc phá vỡ đường xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 10/2015, đồng thời có sự tích cực trở lại của khối lượng giao dịch.

Vượt qua được đường xu hướng giảm, MBB trước mắt có thể test lại đỉnh cũ quanh mức 15. Nếu vượt qua được mốc 15, theo mục tiêu của mẫu hình hai đáy, MBB có thể test đỉnh tiếp theo tại 15.6.

Do MBB đang trong giai đoạn chuyển động tích lũy đi ngang, nên nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn có thể thực hiện giao dịch trong khung giá, mua quanh mức 14 và bán quanh mức 14.5. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với tín hiệu từ Bollinger Bands và nên nhanh chóng thoát khỏi trạng thái nếu giá đóng cửa rơi khỏi đường hỗ trợ mạnh MA200, đang hiện diện quanh mức 14.

Trong khi đó, nhà đầu tư đánh sóng trung hạn có thể chờ đợi MBB vượt qua được các ngưỡng cản MA100, Fibonacci Retracement 38.2% (tính cho nhịp giảm từ tháng 10 đến tháng 12/2015), đường xu hướng kéo dài từ tháng 10/2015 đang hiện diện quanh vùng 14.4-14.5, đồng thời với sự tích cực trở lại của khối lượng giao dịch (đạt khoảng 1,5 triệu cổ phiếu/phiên) . Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 13.9.

HUT: Khuyến nghị mua

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HUT của CTCP Tasco với giá mục tiêu 12 tháng là 13.900 đồng, tăng 21% so với mức giá hiện tại 11.500 đồng ngày 22/12/2015. Với 2 dự án lớn là Khu nhà ở sinh thái tại Xuân Phương và Dự án đơn vị ở 1, chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Tasco trong giai đoạn 2016 – 2018 là tương đối khả quan.  

Năm 2015, kết quả kinh doanh Tasco dự kiến vượt kế hoạch với lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt khoảng 183 tỷ đồng, hợp nhất 200 tỷ đồng, tương ứng EPS 1.557 đồng. Trong quý IV/2015, Tasco sẽ thực hiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ Dự án BT39 theo kế hoạch và một phần của Dự án Khu nhà ở sinh thái tại Xuân Phương.  

Tasco dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 700 đồng/cổ phần trong quý I/2016. Công ty kỳ vọng tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ ở mức 15% và 18% trong giai đoạn 2016 – 2017.  

Bên cạnh đó, Tasco sở hữu quỹ dự án bất động sản lớn và đủ để đảm bảo lợi ích cho cổ đông trong giai đoạn 2016 – 2018. Đại diện Tasco chia sẻ bên cạnh Dự án Khu nhà ở sinh thái tại xã Xuân Phương đang triển khai, Công ty được nhận thêm Dự án Đơn vị ở 1 thuộc Khu đô thị mới Xuân Phương, là dự án đối ứng để hoàn vốn cho dự án BT Lê Đức Thọ, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng.  

Khu nhà ở sinh thái được coi là dự án đem lại nguồn thu lớn và chủ yếu cho doanh nghiệp trong năm 2016. Phần còn lại sẽ được ghi nhận tiếp trong năm 2017. Hiện tại, Dự án này đã thi công hoàn thành cơ bản hạ tầng 20 héc-ta trên tổng diện tích 38 héc-ta, khoảng 96 căn sẽ thi công xong móng tính đến hết tháng 12/2015. Dự kiến đến quý II/2016 sẽ hoàn thành toàn bộ hạ tầng dự án.  

Năm 2016, Công ty sẽ triển khai dự án nâng cấp mở rộng đường 70 đoạn từ Láng – Hòa Lạc đến Nhổn với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự án này sau khi hoàn thiện sẽ tiếp tục đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Tasco như các Dự án BT21 và BT39 đã thực hiện trước đây, bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản dự kiến triển khai trong tương lai.  

Năm 2016, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tasco sẽ có sự cải thiện vượt bậc với giá trị ước tính đạt tương ứng 3.553 tỷ đồng và 404 tỷ đồng nhờ dự đóng góp từ 2 dự án lớn Khu nhà ở sinh thái và Dự án 48 Trần Duy Hưng.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục