Chậm ở đâu?
TP.HCM là cái tên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc tới đầu tiên sau khi Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp báo cáo tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018.
“6 tháng hoàn thành cổ phần hóa 19/85 doanh nghiệp trong kế hoạch năm 2018 đã điều chỉnh là con số nhỏ. Nhưng, phải xác định chậm ở đâu. TP.HCM còn tới 39 doanh nghiệp chưa hoàn tất cổ phần hóa theo kế hoạch. Hà Nội cũng còn tới 11 doanh nghiệp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh trong cuộc họp có đại diện các bộ, ngành, địa phương và một số tổng công ty nhà nước có tên trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2018.
Phải nói thêm, số doanh nghiệp chưa cổ phần hóa của TP.HCM và Hà Nội được nhắc tới ở trên là toàn bộ danh mục doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa trong năm 2018 của hai thành phố lớn này.
Nghĩa là, hai đầu tàu kinh tế của cả nước chưa cổ phần hóa được bất cứ doanh nghiệp nào trong kế hoạch được giao.
Trong số 39 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa của TP.HCM, có tới 22 doanh nghiệp công ích, nhưng đang giữ hơn 1.000 mặt bằng nhà đất của Nhà nước, được giao nhiệm vụ giữ hộ, cho thuê, quản lý.
Đây không phải lần đầu TP.HCM bị nhắc. Tròn một năm trước, cũng trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, TP.HCM được chỉ đích danh là địa phương chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp.
Khi đó, lãnh đạo TP.HCM đã lý giải nguyên nhân chậm do đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án cổ phần hóa, khi được phê duyệt sẽ thực hiện xong trong năm 2018 vì các doanh nghiệp này đều đã hoàn thành kiểm kê tài sản...
Nguyên nhân này vừa được lãnh đạo Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM nhắc lại tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức giữa tuần này.
“Hôm nay (ngày 25/7/2018 – PV), Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đang họp về vấn đề này. Có một số nội dung cần xin đặc thù, như có một số doanh nghiệp muốn giữ 100% vốn, có doanh nghiệp muốn nâng tỷ lệ phần vốn nhà nước, nên Ban phải xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy... Sau cuộc họp này chúng tôi sẽ có báo cáo giải trình... Nếu thống nhất cơ chế thì TP.HCM sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2019”, đại diện Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM báo cáo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm tương tự. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, năm 2017 có 135 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 doanh nghiệp. Năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thực hiện thoái vốn tại 10 doanh nghiệp.
Câu hỏi chậm ở đâu cũng đã được khoanh vùng cụ thể. Đó là Hà Nội, Bình Định, Bắc Giang, Bộ Xây dựng…
Nút thắt chính vẫn là đất
Không chỉ TP.HCM, cả Hà Nội và một số bộ, ngành khi lý giải những chậm trễ trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều nhắc tới lý do xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp.
Trong số 39 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa của TP.HCM, có tới 22 doanh nghiệp công ích, nhưng đang giữ hơn 1.000 mặt bằng nhà đất của Nhà nước, được giao nhiệm vụ giữ hộ, cho thuê, quản lý.
“Khi cổ phần hóa, phần diện tích nhà đất này không thể “mang theo”. Chúng tôi dự trù thành lập đơn vị sự nghiệp để quản lý, nhưng xu hướng cổ phần hóa cả đơn vị sự nghiệp thì không thể thực hiện được, nên chúng tôi đang lúng túng”, lãnh đạo Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM lý giải.
Bộ Xây dựng cũng đang tính tới kiến nghị lui kế hoạch cổ phần hóa UDIC, HUD sang năm 2019 do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, do các dự án trải dài nhiều tỉnh, khi thực hiện phương án sắp xếp, việc xác định giá đất khó khăn, sẽ phải đề nghị các địa phương hỗ trợ...
Thực tế, trong danh sách cổ phần hóa năm nay, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đất đai nhiều.
Theo quy định mới, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, trong khi việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa của các địa phương chậm, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng xác định đây là lý do chính khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Ngoài ra, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… mà Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) yêu cầu thực hiện để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn cũng đang khiến nhiều đại diện chủ sở hữu nhà nước lúng túng.
Nguyên tắc hiệu quả, giám sát chặt
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ không xa lạ với các nguyên nhân này, nhưng cũng vì vậy mà ông thẳng thắn cho rằng, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt vì không thể để cả nước phải chờ đợi một vài địa phương.
Vài tháng trước, quyết định cổ phần Vinafood 2 cũng phải xử lý tình huống khi TP.HCM chậm xác định phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa. Để không ảnh hưởng tới kế hoạch cổ phần hóa của doanh nghiệp này, chi tiết này đã được đưa vào bản cáo bạch của doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm, Vinafood 2 đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp lên tới hàng triệu hec-ta, ở nhiều địa phương nên yêu cầu xác định xong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa dù rất khó, nhưng các nơi đều thực hiện được, trừ TP.HCM.
“Chúng ta phải đảm bảo thực chất, đảm bảo hiệu quả tối đa, không dồn ép, giục tốc bất đạt, nhưng cũng không thể nói tồn tại, chậm trễ chung chung để các bộ, ngành, địa phương cứ nghĩ tại họ, không phải tại tôi”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng yêu cầu có danh sách trích lục các doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch sẽ được gửi các bộ, ngành, địa phương để xác định các địa chỉ chưa làm được, để có sự giám sát chặt chẽ. Ban chỉ đạo sẽ làm việc với các địa phương chậm trễ trong thực hiện, như TP.HCM, Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn.
Một danh sách khác, đó là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn cũng sẽ phải được Bộ Tài chính công khai.
Một lần nữa, phải nhắc tới yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 19 doanh nghiệp này là 22.026,38 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 12.957,22 tỷ đồng (chiếm 58,83% tổng vốn điều lệ), bán cho người lao động 112,34 tỷ đồng (chiếm 0,51% vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp 8.955,47 tỷ đồng (chiếm 40,66% tổng vốn điều lệ).
Đã IPO và bán cho cổ đông chiến lược 16 doanh nghiệp (8 doanh nghiệp phê duyệt Phương án cổ phần hóa năm 2017, 8 doanh nghiệp của năm 2018), thu về 22.457,29 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, 16 doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 136.205,37 tỷ đồng; Nhà nước nắm giữ 54,12%, người lao động nắm 0,52%, bán cho cổ đông bên ngoài là 45,36%.
Trong đó, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Đã thoái vốn nhà nước tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.
Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng: 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30 ngàn tỷ; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng; năm 2018 là 28.000 tỷ đồng).
Nguồn: Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp