Có thể cổ phần hóa cả công ty xổ số, nhà xuất bản

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, trước mắt, từ nay đến năm 2020, phải tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 60/2018/QH14, sau năm 2020, tiếp tục phân loại lĩnh vực, ngành nghề có sự tham gia đầu tư vốn của Nhà nước.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Thị Ánh Tuyết Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Thị Ánh Tuyết

Từ thực tế giám sát việc thực hiện CPH giai đoạn 2011 - 2016, bà nhận định thế nào về tình hình hoạt động của công ty cổ phần sau khi chuyển đổi từdoanh nghiệp nhà nước?

Rất mừng là hầu hết các chỉ tiêu chính về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty cổ phần có vốn góp nhà nước đều tốt lên sau khi CPH. Năm 2016 so với năm 2011, tổng tài sản tăng 3,8 lần; tổng vốn chủ sở hữu tăng xấp xỉ 3 lần; lợi nhuận trước thuế tăng 4,3 lần; nộp ngân sách nhà nước gấp 3 lần.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, bình quân tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty cổ phần có vốn góp nhà nhà nước tăng 13%/năm; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu đạt 15%/năm; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản đạt 5%/năm. 

Tuy nhiên, đây là bức tranh chung, còn thực tế, không ít doanh nghiệp nhà nước sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần hoạt động tiếp tục khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn trước.

Trong đó, không ít doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, cá biệt có những doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu hàng chục tỷ đồng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Theo bà, vì sao có tình trạng trên?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân khách quan mà nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp phải, chứ không riêng gì doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.

Nhưng có nguyên nhân là, sau khi CPH, nhất là doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển quyền đại diện vốn chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối, doanh nghiệp thuộc diện tiếp tục thoái vốn, thì chính quyền địa phương cũng như các bộ, ngành chủ quản trước đây không còn quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như khi còn là doanh nghiệp nhà nước nữa.

Với những doanh nghiệp liên tục thua lỗ, đặc biệt là doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu, cần xử lý thế nào?

Đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 60/2018/QH14 là phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Vấn đề kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để thất thoát tài sản nhà nước, làm mất vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ sẽ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019.

Như vậy, vẫn chưa thể xử lý dứt điểm doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ?

Tinh thần của Nghị quyết 60/2018/QH14 là từ nay đến năm 2020, phải khẩn trương bàn giao phần vốn nhà nước đang được giao cho bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gồm SCIC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng với SCIC, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đây là 2 tổ chức quản lý vốn, tài sản nhà nước chuyên nghiệp sẽ có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ..., nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp.

Sau khi tái cơ cấu, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ thực hiện thoái vốn, nếu thuộc đối tượng Nhà nước không cần giữ 100% vốn, trên tinh thần Nhà nước chỉ giữ tỷ lệ phần vốn tối thiểu là 65% hoặc 50,1-51% đủ bảo đảm giữ cổ phần chi phối.

Với doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng sản xuất, kinh doanh không khả quan, thì dứt khoát áp dụng biện pháp giải thể, phá sản, nhất là doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.

Quan điểm của bà là Nhà nước chỉ giữ lại số ít doanh nghiệp thực sự then chốt?

Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí, phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020, thì đến năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp, trong đó có 63 công ty xổ số kiến thiết và 13 nhà xuất bản; giữ trên 65% vốn tại 4 doanh nghiệp; trên 50% đến 65% vốn tại 27 doanh nghiệp và dưới 50% vốn tại 106 doanh nghiệp.

Từ nay đến năm 2020, thời gian không còn nhiều, tiến độ CPH, thoái vốn các doanh nghiệp nằm trong danh mục CPH, thoái vốn còn rất nhiều.

Vì vậy, trước mắt, cứ thực hiện theo tinh thần Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, sau đó, Chính phủ cần chỉ đạo sớm rà soát lại ngành nghề, lĩnh vực dứt khoát phải có sự tham gia của Nhà nước, trên tinh thần là Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thật sự then chốt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích ở địa bàn mà doanh nghiệp tư nhân không tham gia, còn lại nên chuyển thành công ty cổ phần, kể cả lĩnh vực xổ số kiến thiết cũng như xuất bản.

Kinh doanh xổ số cũng như hoạt động xuất bản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng việc đưa ra các điều kiện để quản lý những hoạt động này, còn việc kinh doanh thuần tuý có thể không còn phù hợp nữa.

Tuy nhiên, trước mắt, Nhà nước vẫn có thể giữ cổ phần chi phối trên 65% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp xổ số, xuất bản để nắm quyền quyết định mọi hoạt động, sau một thời gian sẽ giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục