Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước tiến hành thoái vốn qua sàn chứng khoán, ông nhìn nhận thế nào về xu hướng này?
Thông thường, một doanh nghiệp nhà nước khi muốn thoái vốn có thể thực hiện theo 3 phương thức, đó là bán qua sàn chứng khoán, bán thỏa thuận và đấu giá cổ phần công khai.
TS-LS. Lê Nết
Trong các phương thức nói trên, đấu giá công khai, bán lô lớn sẽ mang đến cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi nhất, bởi bán lô lớn sẽ được giá hơn. Người mua có thể nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp nhờ tỷ lệ sở hữu lớn, tạo sự đồng thuận về chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp... Nếu bán vốn trên sàn, bên cạnh việc không được trả giá cao như kỳ vọng, doanh nghiệp còn có thể mất kiểm soát vào tay đối thủ mà mình không mong muốn.
Tóm lại, tùy mục đích mà doanh nghiệp lựa chọn phương thức để bán vốn. Nếu để thoái vốn cho xong, thoái vốn đúng tiến độ Nhà nước yêu cầu thì bán qua sàn sẽ nhanh nhất. Còn nếu muốn vừa đạt mục tiêu của Nhà nước với giá cao, vừa tìm được đối tác tốt, theo tôi, nên thực hiện thoái vốn bằng hình thức đấu giá công khai.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang lựa chọn thoái vốn qua sàn để hoàn thành nhiệm vụ, trong khi mua qua sàn, người mua chỉ muốn mua rẻ, Nhà nước sẽ khó thu về được giá tốt từ kênh bán vốn này.
Để kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa thực hiện đúng tiến độ, vừa đảm bảo có được giá bán tốt, theo ông, cần những giải pháp nào?
Tôi cho rằng, thời cơ bán được vốn nhà nước với giá cao đã qua, khi mà thị trường chứng khoán đang diễn biến kém tích cực. Chỉ khi thị trường được vực dậy thì việc bán vốn qua sàn mới hiệu quả.
Trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược, có nhiều cổ phiếu tốt có thể bán được giá cao, lẽ ra nhà đầu tư cần phải có nhiều thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp và đàm phán kế hoạch bán vốn, song yêu cầu phải hoàn thành các thủ tục trong 90 ngày kể từ thời điểm doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, khiến doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị. Do không tìm được đối tác chiến lược nên doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn qua sàn chứng khoán nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Thoái vốn không khó, nhưng làm sao để đạt hiệu quả cao nhất mới là vấn đề. Hiện tại, để đạt được điều này, doanh nghiệp cần phải làm theo thông lệ quốc tế, đó là tổ chức các buổi roadshow mời chào các nhà đầu tư, phải cho họ thời gian tìm hiểu và đàm phán với doanh nghiệp. Song song với đó, doanh nghiệp cũng phải thực sự minh bạch với nhà đầu tư.
Thực tế, người mua rất thông minh và cẩn trọng.Khi họ bỏ ra một khoản tiền đầu tư, họ luôn tìm hiểu rõ sẽ được lợi ích gì, có được quyền gì..., đặc biệt là có nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp hay không?
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng là hết năm 2018, để việc thoái vốn đạt hiệu quả, doanh nghiệp cần tập trung vào những điểm gì?
Trong chiến lược thúc đẩy thoái vốn nhà nước, tùy vào thực tế thị trường mà đưa ra giải pháp phù hợp, không nên gượng ép. Thông thường, khi đàm phán, có 2 yếu tố cần tập trung là giá (prices) và lợi ích dài lâu (nonprices).
Tôi cho rằng, hiện tại, khi yếu tố giá không còn là lợi thế, thì doanh nghiệp nên tập trung vào các yếu tố nằm ngoài giá, mà cụ thể ở đây là "lợi ích dài lâu".
Lý do là bởi, thứ nhất, giá là yếu tố ngắn hạn, doanh nghiệp có thể thu được rất nhiều tiền từ thoái vốn, nhưng có không ít vấn đề nảy sinh sau đó. Chẳng hạn, Sabeco thu về 5 tỷ USD khi chào bán cổ phần cho Thaibev.
Là thành viên của Thaibev, nếu khoản nợ của tập đoàn này chuyển sang cho Sabeco, thì Sabeco trả lãi thôi đã đủ "mệt", chứ chưa nói đến chuyện đóng thuế, làm ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Và thực tế đã chứng minh điều này khi trong 6 tháng đầu năm 2018, tiền thuế của Sabeco đã sụt giảm, trong khi trước đó, mỗi năm Sabeco nộp ngân sách 500 triệu USD tiền thuế.
Thứ hai, Nhà nước nên bớt các quy định về hình thức, mà tập trung về bản chất, tức là doanh nghiệp, nhà đầu tư thế nào, có tiềm lực hay không, có tâm huyết với đất nước hay không. Như tại Hàn Quốc, không phải cứ là doanh nghiệp Hàn Quốc ắt sẽ được chính quyền hỗ trợ, mà phải là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Huyndai, Samsung..., nhưng đổi lại, các doanh nghiệp này phải có trách nhiệm với xã hội.
Các doanh nghiệp nước ngoài có tầm nhìn với Việt Nam hay không thể hiện trong điều khoản cam kết mà chúng ta yêu cầu họ khi mời gọi đầu tư. Như lời của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong 200 nhà cung cấp cho Samsung, không có doanh nghiệp nào của Việt Nam, nhưng khi tạo điều kiện cho Samsung vào Việt Nam, chúng ta không có điều khoản ràng buộc cần ưu tiên sử dụng nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam. Rõ ràng, tầm nhìn với nhà đầu tư nước ngoài phải được thể hiện qua các điều khoản thỏa thuận cụ thể.
Để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, theo ông, chúng ta cần cải thiện điều gì? Vấn đề "chuẩn hóa" cổ phần hóa, thoái vốn cần phải hiểu thế nào?
Chỉ còn chưa đầy 5 tháng là hết năm 2018, không đủ để doanh nghiệp hoàn thiện kế hoạch thoái vốn, bởi riêng thủ tục bán đấu giá cổ phần đã mất vài tháng, trong khi hiện nay, một vấn đề hiện hữu là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp e ngại khi đặt bút ký những vấn đề liên quan đến thoái vốn vì sợ trách nhiệm.
Tôi cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến trình thoái vốn, phải có chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất, có phân quyền rõ ràng và quan trọng là phải tìm được người mua. Chúng ta không thể lên kế hoạch khi không có ai mua.
Về vấn đề "chuẩn hóa" cổ phần hóa, theo tôi, đây là cách nói để tránh trách nhiệm. Thực tế, tuy đề ra quy chế đấu giá cổ phần, nhưng quy chế chuẩn lại chưa ban hành, quy trình roadshow chuẩn thế nào chưa có...
Việc định giá tài sản doanh nghiệp cũng chưa chuẩn, lúc thì định giá tài sản doanh nghiệp, lúc lại định giá đất, khi thì chờ xem tương lai dự án sử dụng đất vào mục đích gì thì sẽ định giá theo mục đích đó, trong khi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai...
Bởi vậy, cần thay đổi ngay từ đầu trong chuẩn hóa định giá, chẳng hạn quy định rõ khu vực nào là đất ở, nhà xưởng sẽ di dời cho nên định giá lợi thế doanh nghiệp như một doanh nghiệp sở hữu đất ở theo quy hoạch...
Một thương vụ thoái vốn thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Nhưng rõ ràng, càng bán cổ phần số lượng lớn, sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư, vấn đề còn lại là xem xét lựa chọn theo giá bán tốt để đạt mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn hay dài hạn. Theo tôi, các doanh nghiệp hãy xem thương vụ Sabeco là một bài học.
Mục tiêu thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020
Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/8/2017 đã phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, trong năm 2017 sẽ thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp, năm 2018 là 181 doanh nghiệp, năm 2019 là 62 doanh nghiệp và năm 2020 là 28 doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nổi bật trong kế hoạch thoái vốn năm 2018 như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam,Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Cơ khí xây dựng…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, cả nước mới có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong khi đó kế hoạch cả năm ít nhất là 85 doanh nghiệp.
“Tiến trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm và khó có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2018”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Lũy kế từ khi bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa đến ngày 31/12/2017, số vốn bán được mới chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, kết quả này là quá thấp so với mục tiêu đặt ra.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương khẩn trưởng xây dựng ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa...