Cổ phần hóa chậm mãi vì… đất đai

(ĐTCK) Theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm cả nước chỉ cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp, trong khi kế hoạch đề ra cho năm 2018 lên tới 85 doanh nghiệp. Sự chậm trễ này có nguyên nhân chính từ câu chuyện xác định giá trị đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Thị trường chưa biết đến bao giờ Mobifone mới cổ phần hóa bởi đã không ít lần lùi thời gian. Thị trường chưa biết đến bao giờ Mobifone mới cổ phần hóa bởi đã không ít lần lùi thời gian.

Tiến độ cổ phần hóa nhiều “ông lớn” mù mờ

Gần nửa năm trôi qua, nhưng theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 5/2018 chỉ có 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Thuận An - Đăk Nông, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vạn Tường, Ban quản lý khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành (Bến Tre), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Đăk Lăk.

Tổng giá trị vốn của 5 doanh nghiệp này là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Việc mới chỉ cổ phần hóa được số lẻ trong tổng số 85 doanh nghiệp đang đe dọa làm vỡ kế hoạch đề ra cho năm nay.

Những doanh nghiệp được cổ phần hóa đến thời điểm này đều là những công ty quy mô nhỏ, ít tên tuổi, không mấy thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. Trong khi đó, nhiều “ông lớn” nằm trong kế hoạch năm nay theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ như: Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1…, vốn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, thì tiến độ cổ phần hóa lại… mù mờ.

Sau vụ việc xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone liên quan đến thương vụ mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu, thị trường chưa biết đến bao giờ Mobifone mới cổ phần hóa bởi đã không ít lần lùi thời gian.

Trong khi đó, những đơn vị đã công khai tiến độ cổ phần hóa đều đang chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Trường hợp của EVNGenco 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một ví dụ. Ở thời điểm tháng 4/2018, EVNGenco 1 đặt mục tiêu tập trung hoàn thiện các bước để Bộ Công thương công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 6/2018, nhưng cập nhất tiến độ vừa được Tổng công ty công khai cho thấy không đạt.

Ngày 6/6/2018, EVNGenco 1 có văn bản báo cáo EVN về kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - EVNGenco 1. Trong đó, Tổng công ty đề xuất EVN xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp về 0h ngày 1/7/2019, tháng 4/2020 công bố giá trị doanh nghiệp, lập phương án cổ phần hóa vào tháng 5/2020, trên cơ sở đó Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 8/2020. EVNGenco 1 đề xuất thời điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng là vào tháng 12/2020.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này đến nay chưa được EVNGenco 1 công khai. Tuy nhiên, việc phải sắp xếp, xử lý lượng nhà, đất lớn, phân bố ở nhiều địa phương, khiến cho tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty khó nhanh.

Theo EVNGenco 1, sau khi EVN có Công văn số 1523/EVN-KH ngày 29/3/2018 gửi Bộ Công thương về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất khi cổ phần hóa EVNGenco 1, Bộ Công thương đã có Văn bản số 3151/BCT-TC ngày 23/4/2018 gửi Bộ Tài chính đề nghị có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất khi cổ phần hóa. Tổng công ty đang đợi thông tin từ Bộ Tài chính.

Cũng để xử lý vấn đề nhà đất, cuối tháng 5/2018, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công thương về phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hóa của EVNGenco 1. Ngày 8/6, Tổng công ty đã cùng các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh làm việc về tài sản trên diện tích đất trả lại… Với ngổn ngang công việc như vậy, tiến độ cổ phần hóa của EVNGenco 1 liệu có thêm một lần “vỡ” kế hoạch hay không hiện chưa có câu trả lời.

Vướng định giá đất

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, ghi nhận từ thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ cổ phần hóa chậm trễ là các vướng mắc về xác định giá trị đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ đầu năm nay đã tháo gỡ các vướng mắc về xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đang mắc.

Theo Nghị định 126/2017, với diện tích đất được giao cho doanh nghiệp sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán, theo phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Cụ thể: Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do UBND cấp tỉnh quyết định. Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị quyền sử dụng đất xác định lại với giá trị đang hạch toán trên sổ sách kế toán (nếu có) được hạch toán phải nộp ngân sách nhà nước…

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể...

Tuy nhiên, thực tế mà Bộ Tài chính ghi nhận được cho thấy, các địa phương đang “run tay” trong chốt giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao. Lý do là để đưa ra quyết định phê duyệt giá đất, ngoài căn cứ vào bảng giá đất do UBND cấp tỉnh phê duyệt hàng năm, quan trọng hơn là phải căn cứ vào giá thực tế chuyển nhượng tại các lô đất có cùng vị trí đất của doanh nghiệp.

Nếu UBND cấp tỉnh phê duyệt mức giá, mà khi cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc phát hiện thấp hơn mức giá đất thực tế được các bên chuyển nhượng ở những thửa đất lân cận, cùng vị trí đất, thì tổ chức và cá nhân phê duyệt giá đất phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, nếu lô đất ở những vị trí ít có giao dịch, thì sẽ khó có nguồn tham chiếu cho UBND cấp tỉnh phê duyệt giá đất. Những vướng mắc này đang kéo dài quá trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp.

Để vượt qua vướng mắc trên, theo đại diện Bộ Tài chính, điều quan trọng là UBND các tỉnh phải công khai, minh bạch ngay từ khâu lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất, nhất là đảm bảo tính khách quan, vô tư… trong công khai quá trình thẩm định, phê duyệt phương án giá đất đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa. Mặt khác, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung đôn đốc các bộ phận chức năng, cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Có như vậy, việc các doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa sẽ được khắc phục, không chỉ vì khó khăn liên quan đến đất đai.

“Lãnh đạo địa phương nào kêu khó, sợ trách nhiệm, thì xin mời đứng sang một bên để người khác lên làm. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là truy trách nhiệm cá nhân trong chậm trễ xử lý các vướng mắc về đất đai nói riêng, các vướng mắc khác nói chung dẫn đến chậm cổ phần hóa doanh nghiệp”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Sợ rủi ro cơ chế

Về những lý do khác khiến tiến độ cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chậm trễ, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, có thể kể tới nguyên nhân quy định pháp lý chặt chẽ hơn để khắc phục một số hạn chế bộc lộ thời gian qua, khiến cho quy trình triển khai trở nên chặt chẽ và có phần kéo dài; có tâm lý chờ đợi quá trình chuyển giao một số cơ chế hoàn tất, rõ ràng, để có cơ sở tổ chức triển khai cổ phần hóa.

Đặc biệt trong tháng 5 - 6/2018, có sự giao thời giữa một số quy định mới tại Thông tư 40/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần, vừa có hiệu lực từ ngày 18/6/2018, với một loạt văn bản mà Thông tư này thay thế, đã khiến cho việc triển khai cổ phần hóa chậm.

Cụ thể, Thông tư 40/2018 thay thế một loạt văn bản như: Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC; Thông tư 10/2013/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con...

“Tuy nhiên, sau khi quá trình chuyển giao một số cơ chế mới trên kết thúc, cùng với việc Chính phủ đang quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc, dự kiến tiến trình cổ phần hóa sẽ sôi động trở lại từ quý III/2018”, đại diện UBCK dự báo.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục