Cổ phần hóa chậm do đất

(ĐTCK) Theo số liệu của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm 2019 đến nay, mới có vẻn vẹn 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Sự chậm trễ này do đâu?
Cổ phần hóa chậm do đất

Thiếu vắng doanh nghiệp “bom tấn” 

Tổng giá trị doanh nghiệp của 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 670 tỷ đồng.

Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 387 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 160 tỷ đồng (41%); đấu giá công khai 176 tỷ đồng (46%), số còn lại bán cho người lao động là 48 tỷ đồng (12%) và tổ chức công đoàn 127 triệu đồng (0,03%).

Như vậy, có thể thấy các đợt IPO lớn đều rơi vào doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa từ cuối năm 2017, chẳng hạn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Dầu PV Oil, Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương, Hapro, Vinafood 2. Các doanh nghiệp này thực hiện IPO vào tháng 1 - 3/2018.

Kể từ khi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ 1/1/2018, thị trường quan sát thấy rất ít doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa theo các quy định mới. Đặc biệt, doanh nghiệp ở các địa phương, có tài sản gắn với đất đai hầu như không xuất hiện.

Vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó phần lớn liên quan đến đất đai, là một trong những nguyên nhân khiến danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến 2020 kéo dài.

Đơn cử, TP. Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty); TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tính đến tháng 9/2019 bằng 45% so với năm 2018. Tổng giá trị thực tế bán được đạt hơn 4.771 tỷ đồng, chỉ bằng 12% tổng giá trị thực tế bán được năm 2018, bằng hơn 3,7% tổng giá trị thực tế bán được năm 2017.

Nguyên nhân là do số lượng các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn ít; không có doanh nghiệp lớn nào thực hiện bán đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn.

Lòng vòng vướng đất đai

Trên thực tế, Nghị định 126/2017/CP-NĐ yêu cầu phải xác định giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp, thay vì cho phép doanh nghiệp được lựa chọn 2 phương án (đất thuê trả tiền 1 lần tính vào giá trị doanh nghiệp, đất thuê trả tiền hàng năm không phải tính vào giá trị doanh nghiệp) như trước kia.

Theo Thông tư số 41/2018/TT-BTC, doanh nghiệp cổ phần hóa phải sử dụng ít nhất 2 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó phải có phương pháp tài sản.

Trong các tài sản kiểm kê để xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản gắn liền với đất phải sắp xếp, xử lý theo quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Như vậy, trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải tiến hành sắp xếp lại tài sản nhà đất.

Trong khi, quy trình để thực hiện được việc này lại đòi hỏi không ít thời gian và sự phức tạp. Chẳng hạn, Nghị định 67/2017/CP-NĐ quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chủ trì tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất và lập thành biên bản theo mẫu đối với từng cơ sở nhà đất.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, bộ, cơ quan Trung ương xem xét lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý, gửi lấy ý kiến của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất có ý kiến bằng văn bản đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc Trung ương quản lý.

Trên cơ sở đó, bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện phương án gửi Bộ Tài chính. Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh có ý kiến, quan điểm khác nhau với phương án.

Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Hoặc Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền của Bộ.

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp phản ánh, hồ sơ gửi tới địa phương rất ít được phản hồi. Nguyên do mà các địa phương đưa ra lý giải cho tình trạng chậm trễ này là chưa có hướng dẫn về xử lý, sắp xếp lại đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Nhiều vụ việc được kết luận có sai phạm trong cổ phần hóa gắn với đất đai gần đây càng khiến quá trình phê duyệt phương án sắp xếp lại đất đai mất thời gian và rơi vào tình cảnh "treo".

Tại các cuộc họp của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đều nêu ra thực trạng rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.

Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời, rà soát, cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 167/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Tuy nhiên, thị trường phản ánh Nghị định số 167/NĐ-CP có không ít bất cập và đến nay, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến sắp xếp lại đất đai vẫn “bóng chim tăm cá”, khiến các thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp chỉ còn biết loay hoay chờ đợi và tự hỏi cổ phần hóa sẽ phải bắt đầu từ đâu.   

Sỹ Lực

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục