Chốt hoàn tất cổ phần hóa năm 2020: Doanh nghiệp lo gỡ vướng về đất

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp có tên trong danh mục cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đang “mất ăn, mất ngủ” lo gỡ vướng sắp xếp đai để hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa đúng thời hạn.
Chốt hoàn tất cổ phần hóa năm 2020: Doanh nghiệp lo gỡ vướng về đất

Với 4.270 mảnh đất nằm rải rác trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, Tập đoàn Bưu chính  - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang phải “đau đầu" tìm giải pháp hoàn tất việc sắp xếp nhà đất để có thể hoàn thành việc cổ phần hóa theo kế hoạch.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng đã phải lên tiếng trước những khó khăn đang cản trở tiến trình cổ phần hóa của VNPT, trong đó vướng mắc lớn nhất chính là chưa thể hoàn thành việc sắp xếp nhà đất, xác định giá trị doanh nghiệp như dự kiến vào năm 2018, nên chưa có cơ sở để xác định chi phí cổ phần hóa và thuê tư vấn cổ phần hóa.

Với tiến độ hiện tại, theo tính toán của ông Hùng, đến cuối năm 2020 mới xác định được giá trị doanh nghiệp, tức là phải sang năm 2021 mới có thể tiến hành cổ phần hóa. Nếu không có giải pháp đẩy nhanh sắp xếp đất đai thì việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đối với VNPT là vô cùng khó khăn.

Tương tự VNPT, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác có tên trong Danh mục cổ phần hóa đến 2020 như Tổng công ty Lương thực miền Bắc 1 (Vinafood 1), Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)… đều đang gặp khó trong việc định giá đất đai để cổ phần hóa.

Với hàng trăm, hàng nghìn mảnh đất nằm rải rác tại các địa phương, việc thực hiện quy định về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp mở rộng thêm các công ty con cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối đang khiến các doanh nghiệp loay hoay trong việc hoàn tất quy trình làm việc với những đơn vị thành viên để hoàn thành việc định giá và sắp xếp cơ sở nhà đất.

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, những vướng mắc về đất đai là nguyên nhân chính khiến hoạt động cổ phần hóa gặp khó khăn do liên quan tới cả chuỗi quy trình định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Ðó là chưa kể, nếu không giải quyết ổn thỏa sẽ dây dưa sang cả việc xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn sau cổ phần hóa, từ đó tiếp tục làm chậm quá trình thoái vốn nhà nước.

Thực tế hiện nay tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, nhiều quỹ đất của doanh nghiệp thiếu giấy tờ, chỉ có hợp đồng thuê đất, thậm chí có trường hợp hợp đồng thuê đất đã hết hạn, nhưng địa phương vẫn đồng ý cho sử dụng.

Với các trường hợp này, việc định giá đất là rất khó khăn, bởi đất thuê chỉ có hợp đồng, biên lai thu tiền sử dụng đất, mà không có đầy đủ giấy tờ pháp lý chính thức, dẫn đến rủi ro đất có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, từ đó ảnh hưởng tới khả năng định giá chính xác giá trị doanh nghiệp. Theo ông Lai, cần phải sớm đưa ra giải pháp để xử lý những bất cập, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, bất cập liên quan tới sắp xếp đất đai không phải là vấn đề mới, nhưng vì doanh nghiệp ở thế “bị động” nên mới dẫn đến chậm trễ. Theo ông Tiến, hiện nay, vướng mắc lớn nhất nằm ở việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố chưa được nhuần nhuyễn.

“Vướng vì không có một quy định nào ràng buộc quá lâu. Ngay cả thành phố khi cổ phần hoá doanh nghiệp trên địa bàn, nếu đại diện chủ sở hữu không quyết liệt thực hiện thì các sở, ban, ngành cũng chậm theo, bởi hồ sơ đất đai chủ yếu do các cơ quan này nắm giữ”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, tới đây, trong hướng dẫn sửa đổi Nghị định 167/2017/NÐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính sẽ phân cấp trách nhiệm của địa phương với doanh nghiệp, từ đó đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị đất đai một cách trách nhiệm hơn, tập trung hơn.

Ðại diện Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm đưa ra quy trình về xử lý đất trong cổ phần hóa để các doanh nghiệp nắm rõ, từ đó có thể chủ động cả về thời gian, khối lượng công việc và nguồn lực thực hiện.

“Hiện nay, cơ chế chính sách đã có đủ, vấn đề là tổ chức và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nếu tháo gỡ được vướng mắc này thì sẽ đẩy nhanh tiến độ về xử lý đất đai trong cổ phần hóa. Một trong những điển hình thành công trong cổ phần hóa thời gian qua là TP. Hà Nội đã hoàn tất thoái vốn tại Hapro. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết liệt thực hiện thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ cổ phần hóa”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục