Chưa được Thủ tướng đồng ý vẫn tăng vốn
Chây ì nộp tiền về quỹ, tự ý sử dụng nguồn của quỹ khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, sử dụng quỹ không hiệu quả dẫn đến nguy cơ làm mất vốn nhà nước…
Ðây là những lỗi nhiều doanh nghiệp mắc phải trong quá trình thu, sử dụng nguồn quỹ hình thành từ thoái vốn, cổ phần hóa.
Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chưa cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì quy định pháp lý hiện hành đã đầy đủ.
Tuy nhiên, báo cáo của Ðoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các ý kiến thảo luận đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập đang bộc lộ trong quá trình thu, chi Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp, nên đề xuất Chính phủ thực thi nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ còn một số bất cập như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và Tổng công ty Lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn.
Riêng Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng, nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ…
Trong khi Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và Tổng công ty Giấy Việt Nam hiện chưa công khai báo cáo tài chính bán niên năm 2019 trên website của công ty, nên thông tin lời lỗ trong kinh doanh vẫn chưa được cập nhật tới thị trường.
Còn theo báo cáo tài chính riêng quý II/2019, Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp tục chìm trong thua lỗ với mức lỗ gần 68 tỷ đồng. Tình trạng này càng làm trầm trọng hơn bức tranh thua lỗ của Tổng công ty.
Theo đó, kết thúc tháng 6/2019, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ lũy kế tới 1.890 tỷ đồng, khiến cho vốn đầu tư của chủ sở hữu từ 5.000 tỷ đồng giảm còn 3.358 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ triền miên khiến tiềm ẩn rủi ro mất lượng vốn không nhỏ của Nhà nước…
Theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam phải nộp vào Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp với số tiền lên tới 407 tỷ đồng…
Không chỉ doanh nghiệp mắc lỗi, Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của cơ quan quản lý, các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, Bộ Tài chính chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quyết toán và chuyển số dư về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty năm 2017.
Kết quả kiểm toán kiến nghị 29 địa phương, công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nộp về Quỹ số tiền 3.536 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 299 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam: 407 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam: 108 tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam: 400 tỷ đồng.
Từ năm 2018 đến tháng 6/2019, Bộ Tài chính chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư Quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền…
Tình trạng này, theo Bộ Tài chính là do Bộ chậm nhận được báo cáo của các bộ, ngành, các doanh nghiệp.
Cụ thể, trước tình trạng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chậm được nộp về Quỹ, Bộ Tài chính liên tiếp gửi công văn đôn đốc, nhưng nhiều bên vẫn… “bỏ ngoài tai”.
Thực tế, Bộ đã có Công văn số 16521/2017/BTC-TCDN, Công văn số 8747/2018/BTC-TCDN, Công văn số 13944/BTC/BTC-TCDN, Công văn số 16345/2018/BTC-TCDN gửi các bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; UBND cấp tỉnh;
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con về đôn đốc quyết toán, nộp số dư về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 40/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Thế nhưng, đến ngày 30/4/2019, Bộ Tài chính mới nhận được 37/66 báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 4 báo cáo của cơ quan đại diện chủ sở hữu về báo cáo số dư của Quỹ; chưa có đơn vị nào thực hiện nộp báo cáo quyết toán theo quy định…
Trách nhiệm người lãnh đạo ở đâu?
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là do chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp theo quy định, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài.
Hiện chế tài xử lý chậm nộp mới quy định ở cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên hiệu lực pháp lý chưa cao, nên việc cưỡng chế thu hồi tiền chưa thực hiện được.
Việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ.
Nhiều đối tượng nợ là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, hoặc tình hình tài chính khó khăn nên chậm trả nợ...
Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong kiểm tra, giám sát chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chế độ thu nộp, chế độ báo cáo về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp.
Ðể khắc phục tình trạng trên, cần xử lý trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các bộ, ngành có liên quan để xảy ra tình trạng chậm nộp tiền về Quỹ, sai phạm trong sử dụng Quỹ, cũng như sử dụng Quỹ không hiệu quả dẫn đến nguy cơ làm mất vốn nhà nước
Mặt khác, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tránh tình trạng các văn bản dưới luật quy định trái với quy định của luật, hoặc không được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Ðề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương (Hà Nội và TP.HCM…) về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước...
Cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn thiếu thống nhất
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất.
Một số văn bản dưới luật trái với quy định của luật, cụ thể: trong khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương, hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương, thì Quyết định số 21/2012/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp.
Ðiều này đã gây khó khăn cho một số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa, như TP. Hà Nội và TP.HCM đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trên tài khoản tạm thu lần lượt là hơn 8.416 tỷ đồng và trên 1.789 tỷ đồng, trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết...
Ðến nay, Quyết định số 21/2012/QÐ-TTg chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; toàn bộ nội dung chi do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong khi Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước quy định tất cả các khoản thu, chi phải được dự toán.
Phải giải trình với Thủ tướng nguyên nhân chậm nộp tiền về quỹ…
Ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính
Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Ðể khắc phục tình trạng trên, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa;
Xác định số phải nộp, tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.
Thủ trưởng các bộ, các địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - con phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp trực thuộc nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu về Quỹ, bao gồm cả lãi chậm nộp (nếu có) theo quy định.