“Có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người”

(ĐTCK) Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan Dự án Làng Sen Việt Nam - dự án tiên phong áp dụng tiêu chuẩn xanh quốc tế của Công ty Phúc Khang Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan Dự án Làng Sen Việt Nam - dự án tiên phong áp dụng tiêu chuẩn xanh quốc tế của Công ty Phúc Khang

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ…

Có 4 việc quan trọng liên quan đến dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại đều tác động trực tiếp đến đời sống con người. Hiến pháp 2013 quy định người dân có quyền có nhà ở có chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ, trong giai đoạn 2016-2020 cần phải “thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên”.

Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân hiện vẫn còn nhiều bức xúc, cần tập trung giải quyết, nhất là nhà ở tại khu công nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội… Nhiều vấn đề còn tồn tại như vẫn chưa huy động được nguồn lực đủ mạnh, nhiều địa phương chưa có chương trình để triển khai chương trình nhà ở xã hội. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và của người dân. Không phải chỉ có Nhà nước, nếu không, chúng ta lại quay về bao cấp. Phải coi đây là đầu tư cho phát triển, chứ không phải đầu tư tiêu dùng bình thường, bởi nếu để tình trạng công nhân, người nghèo không có nơi ở, bức xúc nhà ở thì đất nước không thể phát triển bền vững.

Chính phủ hoan nghênh một số doanh nghiệp vừa qua đã chủ trương đầu tư, đưa ra những sản phẩm tốt, dù là làm thương mại, nhưng giá nhà chỉ vài trăm triệu đồng/căn hộ, để người nghèo có cơ hội chọn được nơi an cư. Gần đây, một nhà đầu tư đã lên kế hoạch về gói nhà ở với quy mô rộng lớn (khoảng 300.000 căn hộ), giá chỉ khoảng 700 triệu đồng/căn là những tín hiệu đáng mừng.

Các nhóm đối tượng khác có nhu cầu mua nhà đều phải quan tâm, đều phải đẩy mạnh, triển khai đúng chương trình, kế hoạch, nhưng trước hết chúng ta hãy tập trung vào bức xúc hiện nay là nhà ở cho công nhân. Như thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có đến 1,5 triệu lao động chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết, cho nên đời sống công nhân còn quá khó khăn.

Chính sách pháp luật cơ bản đã có, câu hỏi đặt ra là các địa phương có làm quyết liệt không, có quyết tâm chính trị trong thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, trong UBND để triển khai cụ thể không? Các bộ, ngành Trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không?

Về định hướng thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển cho nhà ở xã hội cho phù hợp với tình hình mới. Trước hết, việc này giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tham mưu ban hành và đề xuất ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cụ thể hơn.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn Nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo thông lệ quốc tế…

Các địa phương và Trung ương bổ sung chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương tại Quyết định số 40 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết 1023 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư…

Để dần nâng cao đời sống nhân dân, việc triển khai các khu đô thị nhà ở xã hội phải quy hoạch đồng bộ các thiết chế văn hóa, có một tỷ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại, tức phân khúc cao cấp hơn và nhà ở xã hội. Ngày 6/12 vừa qua, tôi đi thăm Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, thấy một khu vui chơi giải trí rất vui, người giàu, người nghèo xuống cùng chơi, chứ không người giàu ở riêng, người nghèo ở riêng.

Vấn đề rất quan trọng là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nỗ lực tập trung triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân. Tôi cho rằng, yếu tố lãnh đạo của địa phương quyết định sự thành công của nhà ở xã hội nói chung, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Trong đó, vấn đề quan trọng là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đầu tư vào loại hình nhà ở này.

Lược ghi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về nhà ở xã hội ngày 7/12/2016.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục