Có nên trông chờ quá nhiều vào “phép thần” TPP

Nhiều kỳ vọng về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư… đang đặt ra với Việt Nam sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, song vấn đề là, có nên trông chờ quá nhiều vào “phép thần” TPP?
Trong góc độ của hình vẽ này, TPP có lẽ chỉ là một trong nhiều câu chuyện của nền kinh tế thế giới. Trong góc độ của hình vẽ này, TPP có lẽ chỉ là một trong nhiều câu chuyện của nền kinh tế thế giới.

Điểm đầu tiên cần phải khẳng định, TPP sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tếViệt Nam. Điều này đã liên tục được khẳng định trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, thông qua ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Không phải chỉ người dân hứng khởi với TPP, các cơ quan hoạch định chính sách cũng đang kỳ vọng điều này. Đàm phán TPP kết thúc trùng thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 và Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Như một lẽ đương nhiên, câu chuyện TPP, cũng như việc Việt Nam tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hay gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được nhắc đến như là một trong những cơ hội to lớn để kinh tế Việt Nam bứt phá, với cơ hội cùng không gian phát triển lớn hơn sẽ được mở ra.

Hội nghị Trung ương lần thứ 12, kết thúc vào cuối tuần trước tại Hà Nội, cũng đã nhấn mạnh điều này.

Cho tới thời điểm hiện nay, một điều không còn phải bàn cãi, đó là kinh tế Việt Nam có một năm 2015 thành công, với dự kiến tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%, vượt mục tiêu 6,2% đề ra. Không những thế, lạm phát được kiểm soát tốt (ước cả năm chỉ 1,5 - 2,5%); các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu…  Đó là nền tảng quan trọng nhất để mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) được đặt ra ở mức cao hơn (6,7%), lạm phát dưới 5%...

Cơ hội là không nhỏ, nhất là khi Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ắt hẳn TPP được kỳ vọng nhiều và điều đó là dễ hiểu.

Song cũng phải nhận thấy một điều rằng, những cơ hội mà Việt Nam có được từ TPP phần nhiều chỉ là lý thuyết, dù có những động thái tích cực ban đầu, nhất là trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều quan trọng là làm sao hiện thực hóa cơ hội đó.

Chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong bài nói chuyện với cử tri TP.HCM mới đây cũng nhấn mạnh TPP không phải là phép thần, không phải vào TPP là kinh tế lập tức hóa rồng và rằng nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, thay vì chờ đợi "phép thần" từ TPP.

Điều đó không sai, bởi đi cùng cơ hội là thách thức. Nếu không xây dựng được một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, không nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không cải cách thể chế kinh tế… thì không những không tận dụng được cơ hội do TPP mang lại, mà nền kinh tế còn có nguy cơ tụt hậu.

Chính vì vậy, điều quan trọng khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016, cũng như 2016 - 2020 không đơn thuần là những mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng bao nhiêu, lạm phát thế nào, nhập siêu ra sao…, mà đó chỉ là phương tiện để đưa nền kinh tế tới mục tiêu tránh bẫy thu nhập trung bình, bước lên nấc thang phát triển cao hơn.

TPP có thể không phải là đũa thần, nhưng là một cú hích để Việt Nam thúc đẩy đổi mới. Đó là điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục