Cụ thể, Khoản 2, Điều 4, dự thảo Nghị định quy định: “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cho dưới một trăm (100) nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”.
Như vậy, dự thảo đã bổ sung cụm từ “giao dịch” trong khái niệm phát hành riêng lẻ so với quy định tại Nghị định 90 hiện nay, nhằm làm rõ quan điểm về phạm vi phát hành theo hướng giới hạn số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu trên cả thị trường phát hành sơ cấp và mua bán chuyển nhượng thứ cấp.
Trên tinh thần đó, dự thảo đồng thời quy định trái phiếu doanh nghiệp phải được đăng ký, lưu ký tại tổ chức lưu ký được phép để quản lý số lượng nhà đầu tư và tổ chức lưu ký chỉ thực hiện xác nhận quyền sở hữu trái phiếu khi giao dịch thứ cấp đáp ứng quy định về giới hạn số lượng nhà đầu tư trong phạm vi phát hành riêng lẻ (Điều 17, dự thảo Nghị định).
Thực tế trên thị trường, phần lớn các giao dịch phát hành trái phiếu của doanh nghiệp là phát hành riêng lẻ. Các nhà đầu tư chủ yếu là tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và một lượng nhỏ cá nhân, doanh nghiệp. Trái phiếu sau khi phát hành thường ít phát sinh giao dịch mua bán chuyển nhượng thứ cấp, mà phần nhiều là được nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, các công ty chứng khoán đã nhanh nhạy thiết kế các gói sản phẩm bán trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng trên thị trường thứ cấp, tập trung vào đối tượng cá nhân, khiến các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trở nên sôi động hơn, dẫn đến số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có thể vượt trên 100.
Thanh khoản của thị trường nhờ đó mà phần nào được cải thiện. Hoạt động chuyển nhượng chủ yếu được thực hiện tại các đơn vị lưu ký và không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng nhà đầu tư được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì rõ ràng các giao dịch mua bán chuyển nhượng như vậy sẽ bị giới hạn bởi 100 nhà đầu tư, khi đó quyền lợi của nhà đầu tư trong giao dịch phát hành riêng lẻ vô hình trung bị ảnh hưởng đáng kể. Nhà đầu tư sẽ không được đảm bảo quyền chuyển nhượng trái phiếu trên thị trường thứ cấp nếu số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đã chạm giới hạn theo quy định, từ đó nhu cầu đầu tư kinh doanh trái phiếu suy giảm, khiến thị trường yếu thanh khoản và trở nên kém hấp dẫn.
Ngoài ra, nội dung sửa đổi như trong dự thảo còn khiến cho việc cầm cố, chiết khấu trái phiếu tại các tổ chức tín dụng khó khăn hơn, vì các tổ chức tín dụng sẽ không sẵn sàng nhận cầm cố, chiết khấu nếu phương án xử lý tài sản không khả thi (không chắc chắn về khả năng được chuyển nhượng).
Những hạn chế này không chỉ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiềm năng của thị trường trong tương lai, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu riêng lẻ hiện nay. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2016, có 129.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ. Vậy khi quy định trên trong dự thảo được áp dụng trong thực tiễn, có bao nhiêu nhà đầu tư sẽ chịu tác động?
Họ sẽ tiếp tục nắm giữ trái phiếu cho đến ngày đáo hạn, hay bán ra trái phiếu? Liệu có bao nhiêu trong số các nhà đầu tư cá nhân đã mua trái phiếu có đủ nguồn lực tài chính để tài trợ tiếp cho danh mục đầu tư trái phiếu của mình đến khi đáo hạn, nếu thời hạn còn lại của trái phiếu có thể lên tới 3 - 5 năm?
Với những hệ quả có thể lường trước như vậy, cơ quan quản lý nên cân nhắc việc giới hạn hoạt động mua bán chuyển nhượng thứ cấp các trái phiếu phát hành riêng lẻ. Nên chăng, bổ sung quy định tổ chức phát hành riêng lẻ phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung khi số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đạt 100 nhà đầu tư.