Có nên co gọn ngân hàng thanh toán trên TTCK?

(ĐTCK) Nhà đầu tư, nhất là khối nhà đầu tư nước ngoài từng phản ánh lo ngại rằng, 2 trong 3 ngân hàng thực hiện thanh toán trên TTCK Việt Nam hiện nay là BIDV và Vietinbank, là 2 ngân hàng thương mại cổ phần, nên hoạt động thanh toán chứng khoán tại Việt Nam rủi ro hơn nhiều TTCK khác.
Việc thanh toán trên TTCK Việt Nam hiện nay được thực hiện qua BIDV, Vietinbank và NHNN. Việc thanh toán trên TTCK Việt Nam hiện nay được thực hiện qua BIDV, Vietinbank và NHNN.

Ðây cũng là câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội bàn thảo trong cuộc họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/8 vừa qua.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, trong quá trình xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, có nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư.

Thực tế, theo thông lệ quốc tế, việc thanh toán tiền được thực hiện qua ngân hàng trung ương bởi mức độ tín nhiệm cao và rủi ro tín dụng ít khả năng xảy ra hơn so với ngân hàng thương mại. Ðiều này cũng phù hợp với Bộ nguyên tắc hoạt động của cơ sở thị trường tài chính, bảo đảm tính thống nhất một đầu mối, giảm thiểu rủi ro hệ thống trong trường hợp ngân hàng thương mại có thể lâm vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, việc thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán tại Việt Nam được thực hiện tại 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán phái sinh; NHNN đối với giao dịch trái phiếu chính phủ).

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cơ sở khoảng trên 5.000 tỷ đồng/phiên; trên thị trường phái sinh khoảng 90.000 hợp đồng/phiên, còn trên thị trường trái phiếu chính phủ khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên.

Ý tưởng co gọn ngân hàng thanh toán trên TTCK về một đầu mối sẽ giúp Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế, nhưng cái khó tại Việt Nam là theo Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, NHNN chỉ cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng, không có các đối tượng khác như công ty chứng khoán, tổ chức, cá nhân khác.

Do vậy, ông Thanh cho rằng, Chính phủ cần xem xét xây dựng lộ trình đối với việc chuyển giao các chức năng thanh toán chứng khoán từ ngân hàng thương mại tập trung về NHNN và xem xét nội dung này khi đề xuất sửa đổi Luật NHNN trong thời gian tới.

Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, TTCK Việt Nam cần tiến đến mô hình tương thích với quốc tế, nhưng cũng phải chấp nhận một thực tế là chúng ta có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, các nước không có Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nhưng Việt Nam thì có. Các nước có Ngân hàng Trung ương, nhưng Việt Nam thì có Ngân hàng Nhà nước…

Theo Chủ tịch Quốc hội, cái gì ổn định thì cứ để phát triển, cái gì bất hợp lý mới nên sửa. Ðánh giá trên thực tế hoạt động thanh toán tại TTCK Việt Nam, bà Ngân cho rằng, mô hình thanh toán hiện thời là ổn, nên không nhất thiết phải thay đổi. Ðiều cần thay đổi là mô hình sở GDCK. Việt Nam chỉ nên có 1 sở GDCK để thống nhất việc tổ chức, vận hành thị trường và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Liên quan đến sở GDCK, cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất quan điểm: Việt Nam sẽ chỉ có 1 sở giao dịch chứng khoán, chứ không tổ chức dưới dạng 2 sở như hiện nay, hay theo mô hình 3 sở (2 sở hiện có và 1 sở GDCK Việt Nam tổ chức theo mô hình công ty mẹ). Tuy nhiên, Sở GDCK duy nhất của Việt Nam sẽ đặt tại đâu thì còn những ý kiến trái chiều, nên chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, Sở sẽ đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cần quy định rõ điểm này.

Một nội dung quan trọng được nêu ra tại cuộc họp là dự án Luật cần được đẩy sớm thời gian có hiệu lực, thay vì 1/1/2021 như ban đầu, nay thời điểm có hiệu lực của Luật mới là 1/9/2020. Cùng với đó, dự án Luật cũng sẽ chưa mở không gian cho khối doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp gọi vốn qua TTCK, bởi theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đặc trưng của TTCK là sự nhạy cảm và dễ tạo phản ứng dây chuyền khi gặp rủi ro, nên khối doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo khi cần vốn thì gọi qua các kênh khác, chứ không qua sàn chứng khoán.        

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục