Gỡ vướng phút cuối cùng
Tại Thông tư 02/2019/TT-NHNN (có hiệu lực ngày 1/3/2019), Điều 11, Thông tư 23/2014/TT-NHNN đã được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được mở tài khoản thanh toán, bao gồm các cá nhân và tổ chức nói chung (không phải chỉ là tổ chức có tư cách pháp nhân như quy định cũ tại Thông tư 32 sửa đổi Thông tư 23).
Theo đó, “tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định pháp luật”, Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định.
Về hồ sơ, thủ tục mở tài khoản, đối với các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (như quỹ đầu tư, các văn phòng đại diện…), Thông tư mới yêu cầu có các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp như quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác; giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp và quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán… bên cạnh các giấy tờ khác như thủ tục mở tài khoản thông thường.
Với quy định này, các nhà đầu tư tổ chức không có tư cách pháp nhân trên thị trường chứng khoán như các văn phòng đại diện, quỹ đầu tư, các tài khoản đầu tư uỷ thác… đã không còn gặp vướng khi tham gia hoạt động tại Việt Nam.
"Lo ngại không đáng có"
Những e ngại của các ngân hàng lưu ký, quỹ đầu tư, các văn phòng đại diện… cuối cùng đã được giải quyết vào ngày cuối cùng trước khi các tài khoản đầu tư không có tư cách pháp nhân bị vô hiệu, chỉ sau gần 1 tuần Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán diễn ra.
Với những nỗ lực xúc tiến để giải quyết vấn đề của cả Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các hiệp hội đã được thực hiện từ trước đó, nhưng phải đến phút chót mới có một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để gỡ vướng như vậy khó có thể tạo dựng lòng tin lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, mặc dù Thông tư 23 và Thông tư 32 được cho là hệ quả của Bộ Luật Dân sự, nhưng gỡ rối cho hệ quả này trước mắt vẫn là một thông tư khác của Ngân hàng Nhà nước.
Một trong những e ngại lớn nhất của các nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài, đó là mức độ am hiểu quy định pháp luật tại nơi họ định đầu tư.
Đó cũng là vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Ông Dominic Scriven đã dùng từ “quan ngại không đáng có” để chỉ về sự lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng không hoạt động được do quy định bởi Thông tư 23 và Thông tư 32 về tài khoản thanh toán.
Trong tương lai, những “lo ngại không đáng có” rất có thể vẫn xuất hiện nếu như trong quá trình xây dựng các văn bản pháp lý khác ngoài lĩnh vực chuyên môn về chứng khoán, dường như vai trò của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.