Dự thảo sửa đổi đã xây dựng, nhưng vướng mắc còn đó
Cuối tháng 12/2018, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Ở thời điểm sáng ngày 28/2/2019, dự thảo thông tư này vẫn nằm trong mục “đang lấy ý kiến” trên website Chính phủ.
Thế nhưng, ngay cả dự thảo này, vốn được ban hành nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại là điểm nghẽn cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó bao gồm các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức không có tư cách pháp nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng chưa nhận được sự đồng tình của các thành viên thị trường.
Theo quy định cũ tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư 32/2016/TT-NHNN, đối tượng mở tài khoản chỉ là cá nhân và pháp nhân; các hộ gia đình hoặc các hình thức tổ chức khác không có tư cách pháp nhân phải ủy quyền cho cá nhân để mở tài khoản.
Đến dự thảo được xin ý kiến mới đây, đối tượng mở tài khoản đã được mở rộng hơn. Theo đó, “đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi mở tài khoản thanh toán thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện mở tài khoản thanh toán hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền được lập thành văn bản. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi mở tài khoản thanh toán biết”.
Quy định này dù được ban hành phù hợp với quy định tại Bộ Luật Dân sự, nhưng trong kiến nghị của Nhóm công tác Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam lại được nhận xét sẽ gây vướng mắc cho các nhà đầu tư tổ chức, do trong nhiều trường hợp, không xác định được đâu là “thành viên” của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đặc biệt, với các trường hợp văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ…, nếu yêu cầu trên được hiểu là phải xin văn bản ủy quyền của toàn bộ cán bộ, công nhân viên cho người trưởng đại diện để mở tài khoản và khi có sự thay đổi thì phải xin lại toàn bộ chữ ký để thay đổi ủy quyền, là điều rất khó khăn để thực hiện.
Quỹ ngoại thấp thỏm
Cần cơ chế riêng cho nhà đầu tư là các loại hình tổ chức không có tư cách pháp nhân là kiến nghị được nhiều bên đưa ra.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều đại diện quỹ cho rằng, đến thời điểm này, có nhiều lý do để họ không sợ bị dừng hoạt động tạm thời do yếu tố pháp luật, nhưng vẫn cần một hành lang pháp lý đầy đủ cho câu chuyện này, để không phải thấp thỏm kiến nghị và chờ đợi.
“Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này (tài khoản thanh toán cho các nhà đầu tư tổ chức không có tư cách pháp nhân), nên chúng tôi hoàn toàn tự tin sẽ không gặp trở ngại khi mốc 1/3/2019 đến. Phía các quỹ đầu tư trong nước hiện tại, dù không có tư cách pháp nhân, họ cũng có cách để vượt qua quy định trên. Nhưng giải pháp triệt để phải là một hành lang pháp lý phù hợp, để mọi thành viên thị trường được thực hiện quyền hoạt động hợp pháp của mình, bằng những công cụ hợp pháp, chứ không phải hình thức lách luật”, đại diện một quỹ đầu tư ngoại nhận xét.
Theo đó, để không bị rào cản về vấn đề pháp lý với các tài khoản thanh toán, đã có quỹ đầu tư trong nước vượt qua bằng cách sử dụng tài khoản của công ty mẹ và thêm các đuôi nhận biết riêng cho từng quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, với các quỹ đầu tư ngoại, các nhà đầu tư tín thác thì lại khó.
Một thành viên ngân hàng lưu ký cho biết, một lượng lớn khách hàng của tổ chức này cũng như một số ngân hàng lưu ký khác là các tài khoản tín thác, vốn không có tư cách pháp nhân theo quy định tại nước sở tại. Do đó, họ đang lúng túng chưa biết phải giải quyết như thế nào với các trường hợp này, vì với số lượng khách hàng lớn, việc làm các thủ tục để “lách” là không phù hợp; chưa tính đến yếu tố kiểm soát nội bộ chặt chẽ của các tổ chức này không cho phép các hình thức lách luật đó.