100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018 sẽ được VCCI công bố trên cơ sở đánh giá, xếp hạng theo bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Đây là năm thứ ba liên tiếp VCCI thực hiện hoạt động này. Ông có thể nói gì về các doanh nghiệp tham gia chương trình năm nay?
Điểm đầu tiên tôi muốn nhắc đến, đó là sự thay đổi rất lớn về quan niệm của các doanh nghiệp về bộ chỉ số CSI sau 3 năm chúng tôi thực hiện chương trình này. Thay vì coi thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững là gánh nặng, coi phát triển bền vững là phong trào hô hào, nhiều doanh nghiệp đã xác định đây là con đường phải đi để mở ra những cơ hội kinh doanh lớn hơn, bền vững hơn…
Ông Nguyễn Quang Vinh.
Những năm trước, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận rõ ràng như vậy khi chúng tôi giới thiệu bộ chỉ số CSI.
Mặc dù đây là bộ chỉ số mà chúng tôi đã dày công xây dựng để doanh nghiệp có thể hình dung một cách cụ thể, từ đó có chiến lược hoạt động phục vụ phát triển bền vững gắn kết với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, song nhiều doanh nghiệp cho rằng các yêu cầu này chỉ phục vụ các doanh nghiệp quy mô lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của doanh nghiệp. Minh chứng là đến nay, bên cạnh những doanh nghiệp FDI thì đã có một số lượng lớn các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình.
Ngoài ra, bên cạnh nhiều doanh nghiệp tham gia 3 năm liên tiếp, số doanh nghiệp lần đầu tham gia cũng rất nhiều. Rõ ràng, họ phải nhìn thấy cơ hội kinh doanh, lợi ích từ việc tuân thủ bộ chỉ số này.
Bộ chỉ số CSI năm nay có gì khác so với năm ngoái không, thưa ông?
Năm 2018, bộ chỉ số tiếp tục được điều chỉnh theo hướng dễ hiểu hơn, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. CSI gồm các chỉ số về nhận thức phát triển bền vững, các chỉ số kinh tế, chỉ số môi trường, các chỉ số về lao động - xã hội.
Đặc biệt, chúng tôi đã đưa bộ chỉ số CSI tiệm cận với bộ tiêu chuẩn lập báo cáo bền vững của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Đồng thời, một “mức chuẩn về phát triển bền vững” cũng được xác lập.
17 mục tiêu phát triển bền vững của liên hợp quốc.
Cụ thể, trong mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà bộ chỉ số đề cập đều được chia ra thành tiêu chí cơ bản (mức chuẩn) và nâng cao. Nếu doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp có chiến lược phát triển” thì có nghĩa chỉ đạt mức cơ bản; mức nâng cao sẽ yêu cầu doanh nghiệp có “chiến lược gắn kết với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chúng tôi hiểu rằng, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần một lộ trình phù hợp, từ cách tiếp cận tới các bước thực hiện. Việc phân chia như trên sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ hình dung công việc cần thực hiện, lộ trình phải đi khi tiếp cận với chiến lược phát triển bền vững thông qua bộ chỉ số CSI.
Bên cạnh việc cập nhật bộ chỉ số, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cũng tổ chức các khóa đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp về lập báo cáo bền vững, áp dụng bộ chỉ số CSI trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rằng, phát triển bền vững không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp, mà là cơ hội kinh doanh trị giá hàng chục nghìn tỷ USD, là hàng trăm triệu việc làm sẽ được tạo mới
Các doanh nghiệp có thể chọn cách tham gia hoặc không tham gia Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp phát triển bền vững, nhưng họ hiểu việc tiếp cận và áp dụng bộ chỉ số CSI là cách hữu hiệu để họ tiếp cận tới các đối tác, thị trường lớn trên thế giới, ghi điểm về uy tín với những nhà đầu tư lớn.
Vì vai trò của CSI là đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp, là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện báo cáo và trách nhiệm giải trình về phát triển bền vững với các đối tác, các bên liên quan.
Cũng phải nhắc lại, bộ chỉ số CSI và chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp phát triển bền vững đã được Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết 19-2018/2018/NQ-CP về các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từng doanh nghiệp chọn con đường phát triển bền vững sẽ thúc đẩy cả cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng doanh nghiệp trong dịp này?
Thông điệp của tôi có thể được gói gọn trong hai từ: Thay đổi và hợp tác.
Khi đã là một miếng ghép trong bức tranh của thế giới, muốn thâm nhập, trụ vững và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt phải đi theo và đáp ứng được tiêu chuẩn mà thế giới đặt ra.
Và tiêu chuẩn đó giờ đây không có gì khác ngoài “phát triển bền vững”, bởi đó là những gì mà Chính phủ, các cơ quan quản lý, khách hàng và nhà đầu tư quan tâm.
Vậy, nếu không sớm thay đổi tư duy kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững, liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành “người khổng lồ” như chúng ta mong muốn?
Không những thế, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải hiểu rằng, phát triển bền vững không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp, mà là cơ hội kinh doanh trị giá hàng chục nghìn tỷ USD, là hàng trăm triệu việc làm sẽ được tạo mới.
Và không phải ngẫu nhiên mà trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu cuối cùng nhưng đặc biệt quan trọng lại là “thúc đẩy hợp tác”, bởi “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Đó cũng là lý do vì sao Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững triển khai hàng loạt chương trình, sáng kiến trên cơ sở hợp tác công - tư. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp hãy tích cực và chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác cùng các đối tác để có thể tận dụng được những nguồn lực, sức mạnh của nhau, qua đó có thể rút ngắn lộ trình thực hiện phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.