Việt Nam nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

(ĐTCK) Trong giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
Việt Nam nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

17 mục tiêu phát triển bền vững

Trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cam go, căng thẳng, Liên hợp quốc đã đưa ra Chương trình nghị sự 2030, gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 được xem như là định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của quốc gia để thực hiện.

Xác định việc tiếp cận và xây dựng một nền kinh tế xanh là yêu cầu cấp thiết và hiện thực hóa con đường phát triển kinh tế một cách bền vững, Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động với sự phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. 

Nỗ lực thực hiện các mục tiêu

Tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 ở New York (Mỹ) tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc trong hơn 70 năm qua. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững.

“Chúng tôi là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của Liên hợp quốc, nhất là về xóa đói giảm nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững, do Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc tổ chức tại New York tháng 7/2018, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thành tựu nổi bật của Việt Nam là tăng trưởng GDP các năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%; tỷ lệ nghèo giảm từ 9,9% năm 2015 xuống dưới 7% năm 2017.

Việt Nam đã có những bước tiến trong thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực; ban hành kế hoạch hành động trong thực hiện SDGs; tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu sắc, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ đối tác toàn cầu, đối tác công - tư, bảo đảm nguồn lực cho phát triển bền vững...

Ông Phương cho biết, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, văn minh và bền vững, tiếp tục phát huy vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Phương nhấn mạnh.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các tổ chức của Liên hiệp quốc có những hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam để xây dựng mô hình tốt trong các lĩnh vực ưu tiên, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong đó, UNICEF hỗ trợ về xây dựng luật pháp, chính sách thân thiện hơn đối với trẻ em; WHO xây dựng hệ thống y tế hiện đại; ILO tiếp tục hỗ trợ bảo đảm công bằng xã hội, việc làm xanh...

Nguyên Minh
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục