Đây là lần đầu tiên, Quốc hội đặt ra mục tiêu quan trọng nhất trong phát triển kinh tế là “nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra trong nhiều năm qua là ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thì năm 2019, Quốc hội đặt thêm mục tiêu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, bởi nếu như nền kinh tế quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài sẽ thiếu bền vững, không ổn định.
Chúng ta có thể thấy, nếu không nâng cao tính tự chủ, mà chỉ trông chờ vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì khi họ rời khỏi Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, thậm chí chỉ giảm sản lượng thôi, cũng sẽ tác động ngay tới các mục tiêu vĩ mô khác như xuất khẩu, nhập siêu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… khiến mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô cũng bị đe dọa.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, coi nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới là rất chính xác. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, khi đánh giá về kết quả đạt được, Chính phủ bao giờ cũng khẳng định, nền kinh tế thu được nhiều kết quả, thành tựu, nhưng vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững.
Là một nền kinh tế mở, khu vực FDI đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước là điều rất tốt, thưa ông?
Không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đóng góp vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội… Tuy nhiên, phần lớn khu vực FDI vẫn đầu tư vào những lĩnh vực thâm dụng lao động, công nghệ thấp, chủ yếu gia công.
Chẳng hạn, doanh nghiệp FDI đã đầu tư, liên doanh tại Việt Nam chiếm khoảng 65% năng lực sản xuất và giá trị xuất khẩu của ngành dệt may, nhưng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khoảng 60-70% và chủ yếu là may gia công đơn giản. Với ngành da, giày, khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng khoảng 80% giá trị sản xuất của toàn ngành và cũng chủ yếu là gia công cho đối tác nước ngoài, 65% nguyên vật liệu cho sản xuất phải nhập khẩu. Với ngành điện tử, sản xuất máy tính, điện thoại vẫn chỉ là lắp ráp, phụ thuộc vào linh phụ kiện nhập khẩu, phần nội địa chiếm tỷ trọng rất thấp.
Doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó đa phần đầu tư vào lĩnh vực thâm dụng lao động vì chúng ta có nền chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá và lạm phát được kiểm soát, nhân công giá rẻ. Đặc biệt, Việt Nam đang thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, kể cả ưu đãi về đất đai lẫn thuế khóa.
Đặt trường hợp các nền kinh tế khác đưa ra các chính sách ưu đãi hơn, hấp dẫn hơn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào đó có lợi hơn đầu tư vào Việt Nam và họ rút khỏi Việt Nam, trong khi doanh nghiệp nội địa chưa đảm đương được thì sao? Chắc chắn là sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế cũng như giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, phải coi nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Nhiều dự báo cho rằng, doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Trung Quốc sẽ tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới để tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thưa ông, Việt Nam có cần tận dụng cơ hội này để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài?
Chúng ta vẫn tiếp tục phải thu hút FDI vì khu vực doanh nghiệp này không chỉ tạo việc làm, đóng góp vào phát triển kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, mà còn nhờ có doanh nghiệp FDI mà doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tổ chức, quản trị doanh nghiệp tiên tiến, để xây dựng được một lực lượng lao động có kỹ năng, có kỷ luật; hoạt động sản xuất được tiếp cận với công nghệ, khoa học, thiết bị, máy móc hiện đại.
Nhưng chúng ta chỉ ưu tiên, ưu đãi đối với dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Đặc biệt, ưu tiên, ưu đãi đối với dự án tạo ra hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng cao ở Việt Nam qua việc kết nối với doanh nghiệp nội địa trong quá trình sản xuất trên cơ sở tăng hàm lượng nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Để làm được điều này, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm hậu kiểm xem các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các văn bản pháp luật khác đã vào cuộc sống đến đâu, chỗ nào bị tắc nghẽn cần sớm khai thông. Bởi cơ chế, chính sách đã ban hành đồng bộ, mà không đi vào cuộc sống thì doanh nghiệp nội địa không thể “lớn” được và câu chuyện nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI khó có thể giải quyết, mục tiêu nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế khó có thể thực hiện được.