Trong đó, đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo là một trong những sự chuẩn bị tất yếu giúp doanh nghiệp vững vàng trước những thay đổi như “vũ bão” của công nghệ.
Chưa có số liệu thống kê mô tả bức tranh đầu tư cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp hiện nay, nhưng một báo cáo gần đây về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, Việt Nam đã tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí 45 trong tổng số 126 nền kinh tế.
Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bởi đó được xem là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp dựa trên hoạt động nghiên cứu và triển khai đổi mới sáng tạo.
Mỗi doanh nghiệp dù ở bất kỳ lĩnh vực nào từ sản xuất cho đến dịch vụ thì đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) gần như là một hoạt động thường xuyên và không thể thiếu đối với tăng trưởng và phát triển.
Riêng với các công ty niêm yết, việc trích lập quỹ đầu tư phát triển gần như là hoạt động ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, vì đây được xem là nguồn quỹ quan trọng để tái sản xuất, đầu tư đảm bảo tăng trưởng của doanh nghiệp liên tục và bền vững. Đây là hoạt động không thể thiếu bên cạnh việc cân đối tài chính và san sẻ lợi ích cho cổ đông.
Hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực chiếu sáng được Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang xây dựng hơn 2 năm qua đã cho ra đời 3 bộ sản phẩm bao gồm DQHome, Điện Quang Apollo và ứng dụng Homecare.
Theo DQC, công nghệ chiếu sáng LED là công nghệ điện tử nên việc ứng dụng các công nghệ điều khiển, tự động hoá và kết nối gặp có nhiều thuận lợi, nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức đặt ra.
“Nếu trước đây, Công ty chỉ tập trung cho công nghệ sản xuất và quản lý, thì nay phải học hỏi và tiếp cận nhiều công nghệ mới về thông tin, điện toán đám mây, tự động hoá, xử lý dữ liệu... Việc này đòi hỏi sự đầu tư lớn, bài bản cả về con người lẫn công nghệ”, đại diện DQC cho hay.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác mà doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chiếu sáng truyền thống gặp phải là nhu cầu nhiều sản phẩm truyền thống giảm mạnh trước sự tăng nhanh từ nhu cầu các sản phẩm chiếu sáng LED. Điều này đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải nhanh chóng trong đổi mới, sáng tạo trong hoạt động để thích nghi với sự thay đổi của thị trường.
“Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thay đổi về công nghệ có nghĩa là thay đổi hoàn toàn từ tổ chức sản xuất, nghiên cứu phát triển cho tới cách thức phân phối và tiếp cận thị trường.
Ví dụ, trước đây, đối với bóng đèn truyền thống, người tiêu dùng có thể mua đèn về tự lắp đặt, thay thế dễ dàng thì nay với đèn LED, đặc biệt là đèn LED thông minh, người tiêu dùng đòi hỏi không chỉ là các sản phẩm vật lý mà cần tư vấn cả về thiết kế, thi công lắp đặt và hậu mãi.
Vì vậy, muốn phục vụ khách hàng tốt hơn, công tác nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng các công nghệ mới nhất, đầu tư các kênh tiêu thụ hiện đại để tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như các showroom trải nghiệm sản phẩm và phát triển các dịch vụ tư vấn, thi công lắp đặt và hậu mãi cho khách hàng rất quan trọng”, đại diện DQC nói.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DQC cho biết, nhóm sản phẩm công nghệ mới mà DQC cho ra mắt mới đây, trong đó có những sản phẩm mà Việt Nam đi đầu thế giới như hệ thống chiếu sáng Apollo, có thể thay đổi màu sắc theo tâm trạng… là chiến lược không phải tự nghĩ ra, mà có xuất phát từ thực tế phát triển của công nghệ gắn với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo ông Hưng, DQC không chủ trương đầu tư hoàn toàn hệ thống bao gồm cả nhân lực và công nghệ cho mảng sản phẩm mới, thay vào đó, cách mà Công ty làm là “bắt tay” với những đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Điều này không chỉ giúp DQC hạn chế rủi ro mà còn là cách để tối đa được hiệu quả của hoạt động nghiên cứu.
Năm 2018, DQC đưa vào hoạt động nhà máy công nghệ cao Điện Quang đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM, nhà máy có khả năng sản xuất các sản phẩm chiếu sáng LED, đặc biệt là các sản phẩm chiếu sáng thông minh, cũng như tự sản xuất chip LED nhằm tăng nhằm chủ động kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất chip LED.
Về hệ thống phân phối, không chỉ thông qua kênh bán hàng truyền thống, DQC còn đầu tư cho mảng kinh doanh online, dù trên thực tế, với những thiết bị công nghệ, người tiêu dùng vẫn có xu hướng trải nghiệm sản phẩm.
Định hướng của DQC là xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ thông minh, không chỉ là chiếu sáng. Đó là định hướng phát triển chuyển đổi từ nhà cung cấp sản phẩm sang cung cấp sự tiện nghi cho người dân.
Như vậy, yếu tố dịch vụ sẽ được nâng lên ngang, thậm chí vượt yếu tố sản phẩm và khi đó, sản phẩm trở thành một phần của dịch vụ.
Đầu tư nghiên cứu và phát triển còn áp dụng vào cả những lĩnh vực sử dụng thâm hụt lao động cao như nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi tôm.
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), việc đầu tư áp dụng công nghệ tự động hóa vào khâu nuôi tôm, có thể giúp MPC tiết giảm hơn 30% nhân lực so với hiện tại, đồng thời đảm bảo năng suất lao động. Ngoài ra, MPC đang ứng dụng robot vào khâu chế biến.
“Muốn tăng trưởng phải mở rộng nhà máy, mà nhu cầu công nhân không dễ tuyển cho nên phải áp dựng tự động hóa, robot nếu không làm được đều đó thì không thể tăng thị phần. Với lượng công nhân hơn 14.000 người, nhu cầu lao động cần tăng khoảng 30%.
Ngoài ứng dụng công nghệ nuôi tôm để giảm giá thành, chúng tôi còn hướng tới mục tiêu thành lập khu phức hợp gồm sản xuất con giống cho đến nuôi tôm, thức ăn, sàn giao dịch tôm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu… để tạo thành khu đáng sống cho người lao động doanh nghiệp đến đầu tư”, ông Quang nói.
Khu phức hợp mà vị lãnh đạo MPC nói đến chính là dự án khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao 10.000 ha tại Kiên Giang. Đây là một trong các dự án có quy mô lớn mà MPC thực hiện với tham vọng đưa thị phần tôm của Công ty tăng từ mức 6% lên 25%.
Ông Quang cho hay, trong 900 ha đang thực hiện nuôi tôm trong nghệ cao hiện nay có thể đáp ứng khoảng 30% nguyên liệu cho MPC.
Khi không phụ thuộc vào nguyên liệu, thậm chí trở thành nhà cung cấp nguyên liệu, mức giá của MPC sẽ không còn phụ thuộc vào các nhà bán lẻ. Ví dụ, cá hồi Na Uy chiếm 25% thị phần cá hồi toàn cầu, nên hầu như giá cả thị trường thế giới đều do họ quyết định.
Với nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao mỗi năm như Việt Nam, doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, logistics không thiếu dư địa để tăng trưởng. Nhưng để tối đa hóa lợi nhuận thông qua tiết giảm chi phí, công nghệ là một phần của giải pháp mà gần như các doanh nghiệp hướng đến nếu không muốn bị tụt hậu.
Nhiều năm qua, bên cạnh công tác đầu tư mở rộng năng lực khai thác tại các cảng, Công ty cổ phần Gemadept (GMD), một trong những công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải, logistics chú trọng đầu tư công nghệ vào hệ thống vận hành, mang đến những giải pháp dịch vụ đi kèm, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị khép kín, để hạn chế phần nào tác động từ yếu tố thị trường bên ngoài.
Trong hoạt động logistics, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt bộ, ngành đã vào cuộc, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tạo nên bước tiến đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế và là kỳ vọng cho ngành logistics có bước đột phá trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt sáng thì diễn biến tỷ giá thay đổi khó lường, giá dầu leo thang liên tục, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi rất nhanh cách thức hoạt động của các doanh nghiệp cùng với sự tham gia ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam của các công ty logistics đa quốc gia trên thế giới, khiến mức độ phức tạp và cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Nắm bắt những thay đổi của thị trường, đi cùng với xu hướng phát triển, GMD cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã chủ động nâng cao hiệu quả công tác quản trị, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hoàn thiện chiến lược phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Tập đoàn. Điều này giúp 6 tháng đầu năm 2018, GMD đạt được kết quả hoạt động khả quan.
Lãnh đạo GMD từng chia sẻ, nếu muốn đi nhanh có thể đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau và đó là lý do GMD lựa chọn đối tác ngoại để hợp tác trong lĩnh vực logistics, khai thác sâu hơn thị trường hai bên, đồng thời nhận được hỗ trợ về kinh nghiệm quản trị vận hành lẫn công nghệ từ đối tác.