Theo Bộ Công Thương, dệt may Việt Nam được coi là lợi ích cốt lõi khi gia nhập Hiệp định TPP, tuy nhiên ngành dệt may đang phải đối mặt với thách thức lớn về chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Doanh nghiệp nội “lực bất tòng tâm”
Theo quy định của Hiệp định TPP, hàng hóa nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi phải đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định này. Đối với dệt may, quy tắc xuất xứ chủ đạo là “từ sợi trở đi”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm và may quần áo phải được thực hiện trong phạm vi các nước tham gia TPP.
Quy định này, theo TS. Trần Thị Minh Hương (Đại học Kinh tế Quốc dân), là “khuyến khích ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phát triển hơn, đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khối các nước TPP”.
Tuy nhiên hiện nay, dệt may trong nước đang phải nhập khẩu 60% nguyên liệu của Trung Quốc. Trong nước chỉ sản xuất được 40% nguyên liệu nhưng chủ yếu là hàng dệt kim, công nghệ đơn giản. Đối với dệt thoi thì từ 70 đến 80% là nhập khẩu.
Trong khi đó, về nguyên liệu sản xuất trong nước, trung bình mỗi năm các DN trong nước sản xuất được khoảng 1 tỷ mét vải. Đối với mặt hàng sợi, một năm trong nước sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn nhưng xuất khẩu 700 - 800 ngàn tấn. “Nghịch lý ở chỗ trong khi vải trong nước chủ yếu là để xuất khẩu thì các DN làm hàng xuất khẩu lại phải nhập vải từ nước ngoài. Tương tự, lượng sợi phải nhập khẩu cũng tương đương lượng sợi xuất đi”- TS. Trần Thị Minh Hương đánh giá.
"Muốn hưởng lợi từ TPP, Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, trong đó không nên dừng ở hình thức gia công mà cần nỗ lực chuyển sang các hình thức sản xuất và xuất khẩu khác, tham gia nhiều hơn vào marketing và phân phối sẽ tạo giá trị gia tăng nhiều hơn" - TS. Trần Thị Minh Hương.
Một điểm nữa rất đáng lưu ý là, điều kiện về xóa bỏ thuế quan với dệt may thì, dệt may được đánh giá là ngành có thể hưởng lợi nhiều do hiện tại thuế suất vào thị trường các nước TPP mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do đang ở mức khá cao, như Hoa Kỳ (17,5%), Canada (17%), Mexico (30%), Peru (17%).
Khi TPP có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm mạnh. Trong đó, với thị trường Hoa Kỳ, 73,1% số dòng thuế sẽ lập tức về 0% ngay khi TPP có hiệu lực; 19,7% số dòng thuế sẽ được giảm từ 35-50% tại thời điểm đó và sẽ xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 11 và 13. Với Canada, các mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Còn thuế nhập khẩu vào Mexico và Peru chỉ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.
Như vậy, “cửa” về cơ hội mà TPP mang lại cho dệt may VN thì rộng, nhưng để có thể hưởng lợi thực sự không phải dễ. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương nhìn nhận: Nhận thức rõ cơ hội khi gia nhập TPP nếu đảm bảo đủ điều kiện xuất xứ nguyên liệu, tuy nhiên DN trong nước gần như “lực bất tòng tâm” vì đầu tư sản xuất nguyên liệu đòi hỏi số vốn lớn. Để đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm cần phải có hàng chục triệu USD việc này là quá khả năng của các DN vừa và nhỏ trong ngành dệt may.
Cho nên, theo TS. Trần Thị Minh Hương, “thách thức lớn nhất với dệt may Việt Nam là về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, vì hiện dệt may nước ta vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ việc các DN Trung Quốc, Đài Loan đang gia tăng đầu tư tại Việt Nam để đón đầu hưởng lợi từ TPP”.
Làm gia công, không quyết được nguyên liệu sản xuất
Về nguyên nhân ngành dệt may nhập khẩu nguyên liệu kéo dài, Bộ Công Thương lý giải do doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu là gia công hoặc là sản xuất theo chỉ định của các DN nước ngoài nên không thể quyết định nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, phần lớn DN trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu, mẫu mã nghèo nàn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu khách hàng nên không thể cạnh tranh.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán về xuất xứ nguyên liệu trong TPP các DN trong ngành dệt may phải phối hợp với nhau. DN xuất khẩu phải chủ động tìm đến DN sản xuất nguyên liệu nhằm giảm tối đa tình trạng nhập khẩu. Đây chính là hình thức vừa đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.
Tuy nhiên, thực tế thì, theo TS. Trần Thị Minh Hương, mối liên kết trong nội bộ ngành từ sợi – dệt nhuộm- may còn yếu. Chuỗi giá trị của ngành dệt may bao gồm 5 công đoạn cơ bản: cung cấp sản phẩm thô (sợi, chỉ sợi, vải), may hoàn thiện, xuất khẩu, marketing và phân phối. Trong chuỗi giá trị này, dệt may Việt Nam chủ yếu hoạt động ở công đoạn may là công đoạn được đánh giá có giá trị gia tăng thấp nhất.
Cẩn trọng lọc vốn FDI vào dệt may
Muốn hưởng lợi từ TPP, TS. Trần Thị Minh Hương khuyến nghị Nhà nước ta cần xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, trong đó không nên dừng ở hình thức gia công mà cần nỗ lực chuyển sang các hình thức sản xuất và xuất khẩu khác, tham gia nhiều hơn vào marketing và phân phối sẽ tạo giá trị gia tăng nhiều hơn.
Cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành dệt may, như: phát triển vùng nguyên liệu trong nước; ưu đãi thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp phụ trợ, sợi, dệt, nhuộm (ưu đãi quỹ đất, giá thuê đất, tín dụng lãi suất thấp); cẩn trọng thu hút FDI trong lĩnh vực dệt may; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trọng gói từ thiết kế đến thành phẩm.
Bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, kịp thời nắm bắt các thông tin thị trường, quy định của TPP, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn vào khâu bán hàng và phân phối trong chuỗi giá trị ngành. Đặc biệt, cần làm chủ thiết kế thời trang để xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt may Việt Nam.
Đồng thời, cần chú trọng đào tạo nhân lực, cải thiện công nghệ, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao mối liên kết, sử dụng sản phẩm của nhau tạo thành chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn...