TS. Võ Trí Thành: Áo “Made in Vietnam” có giá trị Việt chưa tới 3%

(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói: "Làm sao biết là hàng Việt Nam hay hàng Trung Quốc! Dù chiếm tới 14% giá trị xuất khẩu nhưng hàng dệt may lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc".
(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất Nhập khẩu 2016 diễn ra sáng nay (14/4), chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thẳng thắn: “Chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt nhưng áo tôi đang mặc là “Made in Vietnam” nhưng giá trị Việt trong này không quá 3%”.

Theo TS Võ Trí Thành, mặc dù xuất khẩu Việt Nam tăng rất nhanh nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên trừ nông sản ra thì giá trị gia tăng không nhiều.

Cụ thể, với dệt may chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ đứng sau điện thoại. Tuy nhiên, trong đó khối doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu dệt may, giá trị gia tăng ngành cũng thấp lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc và chuỗi giá trị toàn cầu.

“Hàng trung gian hiện đang nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, chiếm tới 65%. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu này. Do vậy, người Việt dùng hàng Việt nhưng nguồn gốc vẫn phần lớn từ Trung Quốc. Dệt may không có “người Việt dùng hàng Việt"”, ông cho biết.

Ông Thành cũng cho rằng: “Khi nói tới xúc tiến thương mại không phải chỉ dừng ở xúc tiến xuất khẩu như hiện nay mà còn phải quan tâm cả về thị trường nhập khẩu để biết đối tác nào cho ta điều kiện nhập hàng tốt nhất. Thương mại hiện nay phải nhìn về dịch vụ, chuỗi giá trị, sản xuất, các quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại… Ngoài ra, tiếp cận thị trường không phải là tiếp cận thị trường lớn mà phải tìm cách tiếp cận với một khối lượng người tiêu dùng khổng lồ!”

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho rằng, hơn bất cứ điều gì, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng. Để làm được điều này cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất, nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất.

"Tôi cho rằng sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam cho các hoạt động trên là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp", ông Kawada nói.

Ví dụ cụ thể, ông Kawada cho rằng, để giảm chi phí, doanh nghiệp nên áp dụng một cách linh hoạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực từ nay về sau để cân nhắc việc có thể xuất khẩu các sản phẩm của công ty mình sản xuất ra với chi phí thấp hơn hay không? Hay là có thể từ các mua được các nguyên vật liệu, linh phụ kiện với giá thấp hơn không?

"Bên cạnh đó, cần trả lời một số câu hỏi như: Để nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất thì cân nhắc xem có cần phải tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến không và để nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất thì có nên tiếp nhận máy móc hiện đại hơn không? Để đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất thì việc cung cấp cơ hội cho giáo dục và đào tạo như thế nào?", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Kawada cũng cho rằng, việc thu thập thông tin thị trường từ nơi xuất khẩu, khâu kiểm tra cũng như việc khai thác thị trường bán, thị trường xuất khẩu cũng rất quan trọng. Thông qua việc tham dự các buổi giao lưu kết nối kinh doanh, hội đàm thương mại và tham dự vào các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam thì doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng việc xuất khẩu hàng hóa của công ty mình hơn.

Theo Dân trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục