Cơ hội từ 9 ngành có lợi thế 2016

(ĐTCK) ELC, FPT, ITD, CTD, BCI, NBB, LHG, DRC và nhiều cổ phiếu khác được đánh giá là có lợi thế, xuất phát từ hoạt động cơ bản của DN phục vụ trực tiếp cho hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng, đang rất cần được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Cơ hội từ 9 ngành có lợi thế 2016

Bộ Giao thông vận tải ước tính, Việt Nam sẽ cần đầu tư 40-50 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2020 để phát triển hạ tầng giao thông. Sự bùng nổ về số lượng dự án hạ tầng cộng với việc khuyến khích sử dụng hình thức thu phí điện tử (ETC) và giao thông thông minh (ITS) đang tạo ra nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp công nghệ làm theo dự án như ELC, FPT và ITD. Mặt khác, Nghị định 15/2015/NĐ-CP  đã thu hút không ít doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Là nhà thầu dân dụng hàng đầu Việt Nam, CTD gần đây cũng đã “lấn sân” sang mảng đầu tư BOT với dự án đầu tay là BOT tuyến tránh TP. Phủ Lý (Hà Nam) để đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng. Hưởng lợi từ sự hồi phục về nhu cầu nhà ở và dòng vốn FDI, CTD hiện có giá trị hợp đồng thi công gối đầu trên 14.400 tỷ đồng với nhiều công trình bất động sản cao cấp và công nghiệp có quy mô lớn.

Bất động sản và vật liệu xây dựng cũng là những ngành có liên hệ mật thiết và gắn chặt với hoạt động xây dựng. Sức nóng từ dự án hạ tầng giao thông và nhu cầu nhà đất đang dần lan tỏa từ các khu vực phía Đông TP. HCM (Q.2 và Q.9) sang khu vực Tây Nam Thành phố (Q.7, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè), hỗ trợ cho khả năng bán hàng cho các doanh nghiệp như BCI, NBB và LHG.

Cơ hội từ 9 ngành có lợi thế 2016 ảnh 1

Nằm trên trục đường Bắc-Nam Tp. HCM (Nguyễn Hữu Thọ), gần cụm cảng Hiệp Phuớc, cao tốc Bến Lức-Long Thành và KĐT Phú Mỹ Hưng, LHG có lợi thế về vị trí địa lý để thu hút các khách hàng đầu tư vào KCN Long Hậu. LHG cũng đẩy nhanh đầu tư KCN Long Hậu 3 để đón đầu dòng vốn FDI đầu tư vào Long An và TP. HCM cùng sự tăng tốc về đầu tư hạ tầng ở khu Nam trong 2-3 năm tới.

Với cùng nhận định rằng, hạ tầng đồng bộ sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho các dự án, BCI đã chủ động xin phép đầu tư dự án BT đường Bình Tiên đi qua dự án Corona City (Bình Chánh, TP. HCM) do chính doanh nghiệp này đầu tư. Năm 2016 sẽ là năm BCI triển khai đồng loạt nhiều dự án; trong đó một số dự án như KDC Phong Phú 4, KCN Lê Minh Xuân mở rộng, Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân đều có triển vọng bán hàng khả quan và có khả năng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận sau thuế năm 2016.

Cũng như việc tham gia vào WTO năm 2006, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bước ngoặt lớn đối với kinh tế Việt Nam. Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đang diễn ra hết sức sôi động. Cộng với hệ thống đường vào cảng, cao tốc, bến bãi đang nhanh chóng được nâng cấp, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2016 (xuất khẩu tăng 11% và nhập khẩu tăng 13% - RongViet Research). 

Ở cụm cảng trọng điểm phía Bắc, các công ty như VSC và HAH đặc biệt có lợi thế khi nhu cầu về dịch vụ cảng đang tăng nhanh hơn nguồn cung.

Nếu VSC có bề dày kinh nghiệm và năng lực khai thác lớn nhất nhì khu vực Hải Phòng, nhất là sau khi cảng VIP-Greenport (GĐ1 250.000TEUs/năm) đi vào hoạt động cuối 2015, thì HAH sở hữu đội tàu container hoạt động hiệu quả trên nhiều tuyến nội địa và sẽ đóng góp đáng kể vào việc cải thiện hiệu suất khai thác cảng trong năm 2016.

Sự sụt giảm của giá dầu có tác động tiêu cực đến hầu hết các công ty dầu khí, nhưng là một thuận lợi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải như PVT. Giá dầu thấp thúc đẩy nhu cầu vận chuyển lẫn tích trữ dầu mỏ khiến giá cước tàu dầu đã nhích lên trong suốt năm 2015, giúp PVT có vị thế tốt khi đàm phán giá cước mới với nhà máy lọc dầu Dung Quất trong năm nay. Đồng thời, PVT cũng hưởng lợi từ sự chuẩn bị nguồn năng lượng để Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, thể hiện qua tăng trưởng ở các phân khúc như vận tải LPG, vận chuyển than cho nhiệt điện, FSO/FPSO.

Không chỉ trong hoạt động sản xuất, đầu tư và xuất-nhập khẩu, mà tính chu kỳ của nền kinh tế còn biểu hiện rõ nét ở lĩnh vực tiêu dùng. Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là động lực tăng trưởng dài hạn các ngành sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng lâu bền và hàng hóa xa xỉ. Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp (đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI) và tăng trưởng thu nhập kỳ vọng mới là yếu tố thúc đẩy chi tiêu trong ngắn hạn.

Tăng trưởng thu nhập đã góp phần cải thiện doanh số các loại xe ô tô, đồ gia dụng, nội thất, trang sức… và dẫn đến sự nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận của các công ty bán lẻ chuyên dụng như SVC trong năm 2015. SVC hiện là nhà phân phối lớn nhất tại Việt Nam của các hãng Toyota và Ford, đồng thời là nhà phân phối ô tô có doanh số tiêu thụ và số lượng showroom lớn nhất nhì trong VAMA (27 cửa hàng). Với kế hoạch thu hẹp các mảng kinh doanh không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho việc đầu tư thêm các showroom mới và phát triển các mảng có biên lợi nhuận cao như bảo hành, sửa chữa ô tô, cung cấp phụ tùng, SVC dường như đã tìm được hướng đi đúng.

Mặt khác, số lượng xe cá nhân ngày càng cao cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về các loại phụ tùng (mới và thay thế) cũng sẽ gia tăng. Đây chính là cơ sở tăng trưởng các nhà sản xuất phụ tùng như DRC và PAC. Trong bối cảnh “đồng bạc xanh” mạnh lên và nhu cầu từ Trung Quốc thu hẹp, triển vọng giá các loại nguyên liệu cơ bản như cao su tự nhiên, chì và hóa chất sẽ vẫn chưa rõ ràng. Đây chính là cơ hội để DRC và PAC, những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận.

Là một dịch vụ tài chính đặc thù, ngành bảo hiểm nổi lên như là sự tổng hòa của tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế. Triển vọng của tất cả các phân khúc bảo hiểm truyền thống trong năm nay nhìn chung đều lạc quan. Trong khi mảng bảo hiểm xe cơ giới được hỗ trợ bởi sự gia tăng về số lượng đầu xe mới, mảng bảo hiểm tài sản có sự thúc đẩy của các dự án hạ tầng, nhà xưởng, kho bãi, cảng biển và bất động sản. Thêm vào đó, xu hướng tăng dần của lãi suất cũng hứa hẹn sự cải thiện tích cực về lợi nhuận đầu tư của các nhà bảo hiểm.

Là công ty bảo hiểm đứng thứ 2 thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, PTI luôn có mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của ngành. Trong năm 2015, PTI đã vươn lên vị trí thứ 4 trong số 5 doanh nghiệp có doanh thu phí lớn nhất thị trường. Ngoài ra, việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của cùng với sự hiện diện của cổ đông chiến lược Dong Bu Insurance hứa hẹn sẽ thổi luồng gió mới vào hoạt động kinh doanh của PTI từ năm 2016.

Một số nhóm ngành khác có triển vọng kinh doanh năm 2016 kỳ vọng khả quan bao gồm: Tiện ích công cộng (điện), Du lịch và giải trí, Thực phẩm – đồ uống.

Nhìn chung, năm 2016 sẽ không phải là “chặng đường hoa hồng” với TTCK Việt Nam. Do đó, việc lựa chọn một điểm để “thả câu” trên cơ sở tận dụng sự phân hóa về triển vọng kinh doanh giữa các nhóm ngành và các doanh nghiệp sẽ là hướng đi phù hợp hơn so với việc đeo bám các chỉ số thị trường.  

RongViet Research

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục