Doanh nghiệp UPCoM hé lộ kế hoạch niêm yết

(ĐTCK) Là sàn tập dượt, bệ phóng lên niêm yết cho các công ty đại chúng, thị trường UPCoM sẽ cung cấp “hàng mới” cho  HNX và HOSE trong thời gian tới, khi một số doanh nghiệp UPCoM đang lên kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn cao hơn.
Một số DN trên UPCoM đang dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch lên niêm yết trên sàn chính thức trong năm nay. Một số DN trên UPCoM đang dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch lên niêm yết trên sàn chính thức trong năm nay.

CTCP Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO, mã CEC) vừa chia sẻ kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HNX. Theo đó, trong năm nay, CECO có 2 dự định lớn: tăng gấp đôi vốn điều lệ và niêm yết cổ phiếu tại HNX.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Hiên Ngang, Chủ tịch HĐQT CECO cho biết, quyết định chuyển sàn của CECO là thể theo nguyện vọng của các cổ đông. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường tháng 10 năm ngoái, đại đa số cổ đông đã thông qua đề xuất niêm yết cổ phiếu CEC với mục tiêu tăng cường tính minh bạch trong quản trị Công ty, đồng thời nâng cao vị thế thương hiệu của CECO trên thương trường.

Về lý do tăng vốn điều lệ, Chủ tịch Đỗ Hiên Ngang cho biết, hiện nay vốn chủ sở hữu của CECO chỉ xấp xỉ 30 tỷ đồng, trong khi đó, Công ty đang sở hữu những hợp đồng lớn như hợp đồng EPC muối mỏ Lào (dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào) có giá trị đến hơn 2.400 tỷ đồng. Nếu thực hiện trong 4 năm, thì mỗi năm cần trung bình 500 - 600 tỷ đồng.

Với số vốn hiện tại, CECO không đủ tiềm lực để thực hiện dự án nên các cổ đông của CECO gần như 100% nhất trí là phải tăng vốn, lộ trình thực hiện có thể trong tháng 4, tháng 5/2016 do chờ đợi hoàn tất thủ tục với nhà quản lý.

Việc tăng vốn lên gấp đôi, tức gần 60 tỷ đồng sẽ giúp CECO đáp ứng điều kiện cơ bản về vốn điều lệ khi niêm yết trên sàn HNX (theo quy định hiện hành, DN niêm yết trên HNX phải “có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán”).

Đối với kết quả kinh doanh năm 2015, dù chưa công bố chính thức, nhưng lãnh đạo CECO cho biết, năm 2015 không đạt mục tiêu Đại hội giao, với một phần lý do từ việc chậm ký kết một hợp đồng lớn trong kỳ. Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu khoảng 600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng, dự kiến trình ĐHCĐ vào tháng 4 tới đây.

Cũng trong năm 2015, CECO có sự biến động về cơ cấu cổ đông khi Công ty mẹ-Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thực hiện hoạt động thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ. Theo đó, từ tháng 6/2015, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ hơn 52% xuống còn xấp xỉ 30%, phần vốn của Nhà nước được bán đấu giá tại giá 31.000 đồng/CP.

Một doanh nghiệp khác trên UPCoM cho biết sẽ lên sàn niêm yết là CTCP Thủy điện Gia Lai (mã GHC). Theo GHC, Công ty quyết định niêm yết cổ phiếu do xác định năm 2016 là năm thuận lợi để niêm yết và được sự khuyến khích của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bên cạnh đó, việc niêm yết sẽ mang lại lợi ích lớn cho cổ đông trong việc tăng khả năng thanh khoản, theo đó thị giá cổ phiếu được định sát hơn với giá trị Công ty.

Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2014, cổ đông GHC đã thống nhất chủ trương niêm yết cổ phiếu Công ty tại một trong 2 sàn HOSE và HNX. Đến năm 2015, GHC đã nộp hồ sơ niêm yết tại sàn HOSE, nhưng sau đó rút hồ sơ. Năm 2016, HĐQT tiếp tục trình ĐHCĐ tái xác nhận chủ trương niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Tại ĐHCĐ lần này, ngoài kế hoạch niêm yết, GHC cũng trình Đại hội thông qua việc gia hạn thời gian góp vốn để đầu tư vào các dự án thủy điện cùng với CTCP Điện Gia Lai (GEC) và các công ty thành viên của GEC. Cụ thể, số tiền dự kiến góp là từ 120 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng thông qua vốn tự có và tái cấu trúc các khoản vay từ việc thế chấp 2 nhà máy thủy điện H’Chan và H’Mun hiện có.

Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 141,36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 81,83 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,87% và 33% so với kết quả thực hiện năm 2015. Công ty cũng dự kiến chi 61,5 tỷ đồng để chia cổ tức với tỷ lệ 30% vốn điều lệ.

Được xem là nơi tập dượt, bệ phóng lên niêm yết cho các công ty đại chúng, nhưng sau hơn 6 năm hoạt động, thị trường UPCoM mới “xuất khẩu” được hơn 20 cổ phiếu cho sàn niêm yết. Thời gian gần đây, một số cái tên chuyển từ UPCoM lên sàn niêm yết có thể kể đến như PTD, NT2, G20, SCI… Trong số này, mã G20 của CTCP Dệt May GHome gây chú ý nhất khi lên sàn HNX chỉ sau 6 tháng giao dịch tại UPCoM.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, một số doanh nghiệp trên UPCoM cũng dự kiến sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch niêm yết như CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW), CTCP Cấp nước Nhà Bè(NBW), CTCP Cấp nước Gia Định (HDM), CTCP Dệt may Huế (HDM). Trong đó, Dệt may Huế công bố rõ chủ trương niêm yết tại sàn Hà Nội và HĐQT Công ty sẽ trình Đại hội tại cuộc họp diễn ra ngày 26/3 tới đây.      

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục