Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên

(ĐTCK) Trong tuần qua, trong khi nhiều mã bluechip điều chỉnh, một số mã thị trường cũng lình xình, thì một số cổ phiếu vừa và nhỏ lại có mức tăng khá tốt, thậm chí có mã tăng gần 60%. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia cho rằng, cổ phiếu nhỏ, nó thường xuất hiện trong 2 giai đoạn là đầu sóng và cuối sóng. Hiện nay, không thể coi là đầu sóng, nên rủi ro đang ngày tăng lên.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên

VN-Index đang đe dọa ngưỡng hỗ trợ tâm lý 570 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng các chỉ số giảm điểm trong ngắn hạn. Quan điểm của các ông/bà như thế nào?

Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, CTCK ACBS

Trong tuần qua VN-Index đã có cơ hội rất tốt để vượt qua ngưỡng tâm lý 580 điểm với nhiều hỗ trợ từ giá dầu, việc Fed không tăng lãi suất và tình hình trong nước ổn định. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở các cổ phiếu lớn và dòng vốn không ổn định của nhà đầu tư nươc ngoài đã cản VN-Index hoàn thành mục tiêu này.

Suốt tuần qua, VN-Index vẫn biến động trong biên độ hẹp với diễn biến giảm nhẹ dần và kết thúc tuần ở gần ngưỡng 570 gây lo ngại về đợt giảm điểm mới. Thanh khoản thị trường hiện vẫn ở mức cao cho thấy lực cầu vẫn khá ổn định ở thời điểm hiện tại, dù không đủ hưng phấn để đẩy thị trường vượt xa hơn.

Vào cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo kinh tế xã hội quý I với một số nhận định đáng lo ngại. Trong đó, tăng trưởng GDP quý I/2016 chỉ đạt 5,46% so với mức tăng 6,01% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng trưởng GDP quý I thấp hơn cùng kỳ là việc ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,23% do ảnh hưởng của rét đậm rét hại tại miền bắc và hạn mặn ở miền Nam.

Ngoài ra, còn do việc giảm khai thác của ngành dầu khí trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. Trong khi đó, tốc độ tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng đã có dấu hiệu giảm tốc (6,2% trong quý I/2016 so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm trước).

Mặc khác, các ngành sản xuất điện nước, xây dựng và dịch vụ có mức tăng trưởng rất tốt so vời cùng kỳ. Với mức tăng trưởng thấp này và đặc biệt là việc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc, việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay sẽ là thách thức lớn.

Mặt khác, CPI đã tăng nhanh trở lại trong tháng 3 sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Riêng trong 3 tháng đầu năm, CPI đã tăng 0,99%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Dự kiến, mức tăng CPI trong năm 2016 sẽ khá dồn dập với việc điều chỉnh tăng tiếp viện phí vào tháng 7, tăng học phí vào tháng 9 và giá hàng hóa (lương thực, thực phẩm và xăng dầu) có thể tăng khá mạnh trong năm 2016.

Như vậy, dự kiến CPI có thể tăng 5-6%, so với mức dưới 1% trong năm 2015 và gây thêm áp lực lên lãi suất ngắn hạn vốn đang tăng nhẹ ở thời điểm hiện tại.

Với các thông tin không mấy tích cực như trên, thị trường khó tăng mạnh trong ngắn hạn và rủi ro giảm giá là khá cao ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất với VN-Index trong tuần tới là tiếp tục biến động trong biên độ hẹp. Với mức giá hiện tại, VN-Index vẫn khá hấp dẫn để nắm giữ dài hạn nhưng nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy để giảm thiểm rủi ro.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Thị trường giai đoạn qua có 2 mốc quan trọng là 580 diểm và 570 điểm. Với mốc 580 điểm, nếu như có cú Break-out mạnh tại đây, khả năng cao dòng tiền sẽ kéo được VN-Index lên vùng 600 điểm. Tuy nhiên, tại 580 điểm này, VN-Indẽ có tất cả 6 lần chạm đến nhưng không thành công đã cho thấy khả năng bứt phá là khó xảy ra. Trong khi đó, mốc tâm lý 570 điểm có thể sẽ khiến xu hướng tăng giá vừa qua chính thức chấm dứt.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Đó là lý do vì sao kịch bản hay phiên cuối tuần 25/3 vừa qua đã xảy ra khi VN-Index tăng nhẹ trở lại, dù có thời điêm giảm sâu 5 điểm. Đó chỉ là biện pháp tâm lý, bởi kéo những cổ phiếu trụ như vậy không giúp được quá nhiều.

Về cơ bản, thị trường đang cho thấy xu hướng xấu trong thời gian tới, bởi lúc này hang loạt thong tin không mấy tích cực đang ngày càng nhiều như CPI tăng cao, lãi suất tăng, GDP chậm lại, vốn ODA và câu chuyện ngân sách.

Về dài hạn, tôi cho rằng, thị trường trong vài tháng tới sẽ có nhiều biến động xấu. Nhưng ngắn hạn, thị trường ít khi rơi thẳng đứng mà luôn có những cú hồi phục. Đó là cơ hội để những nhà đầu tư có thể bán bớt danh mục đang nắm giữ.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Thị trường trong ngắn hạn có thể gặp áp lực giảm điểm khi 572 điểm đang là ngưỡng kháng cự mạnh. Diễn biến của thị trường lãi suất cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Lãi suất ngân hàng tăng khoảng 0,3% ở các kỳ hạn trên 6 tháng.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, mốc 570 không phải ngưỡng hỗ đáng quan tâm, mà đó là mốc 565 điểm. Qua việc phân tích diễn biến điều chỉnh cùng với lực cung/cầu diễn ra trên toàn thị trường, thì có lẽ VN-Index sẽ điều chỉnh thêm 1 thời gian ngắn quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh 560 - 565 điểm - tức là sẽ có phiên tăng giảm đan xen với biên độ hẹp quanh ngưỡng tâm lý này trước khi quay trở lại đà hồi phục chạm lại mốc 580 điểm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên ảnh 2

 Ông Lê Đức Khánh

Nhìn xa hơn trong 1 vài tuần thì tôi cho rằng. VN-Index vẫn cứ phải tiếp tục tăng tiếp lên vùng 590 - 595 điểm.

Thị trường đang có sự phân hóa khá rõ nét khi mà dòng tiền đang tập trung vào số ít cổ phiếu hoặc nhóm ngành có thông tin hỗ trợ. Ở phiên cuối tuần vừa qua, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục khởi sắc, trong khi những cổ phiếu còn lại đang đi ngang hoặc giảm dần. Liệu nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã là sự lựa chọn phù hợp trong thời gian này?

Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, CTCK ACBS

Mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết đang diễn ra khiến sự phân hóa trên thị trường đang ở mức khá cao. Nhóm ngành co nhiều thông tin hỗ trợ nhất hiện nay là nhóm bất động sản, sản xuất hàng hàng hóa cơ bản, nhiệt điện và xuất khẩu (thủy sản).

Trong khi đó, hai nhóm lớn nhất trên thị trường niêm yết là dầu khí và ngân hàng lại không có nhiều thông tin tích cực do giá dầu (dù đã tăng mạnh) vẫn ở mức thấp và xử lý nợ xấu vẫn gây áp lực lớn lên lợi nhuận ngành ngân hàng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên ảnh 3

Bà Lê Nguyệt Ánh 

Với diễn biến thông tin như vậy, nhìn tổng thể các cổ phiếu nhỏ và vừa diễn biến tốt hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, khi đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ và vừa, nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp và đánh giá đầy đủ rủi ro trước khi đầu tư vì thông tin công bố của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đầy đủ đối với nhà đầu tư thông thường. Ngoài ra, việc duy trì danh mục đa dạng cũng giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Động lực tạo ra một sóng tăng bền vững của thị trường phải là những cổ phiếu lớn và có tính ảnh hưởng. Còn với cổ phiếu nhỏ, nó thường xuất hiện trong 2 giai đoạn là đầu sóng và cuối sóng. Hiện nay, không thể coi là đầu sóng nữa, nên tôi cho rằng, rủi ro đang ngày tăng lên.

Cần lưu ý rằng, nhóm cổ phiếu nhỏ này luôn luôn tạo những bước tăng giảm mạnh, mua bán dứt khoát thanh khoản cao. Vì thế, nhiều nhà đầu tư có thể không kịp trở tay với nhóm này nếu xu hướng xấu xuất hiện, đặc biệt là những cổ phiếu đã tăng giá mạnh. Do đó, theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm cổ phiếu này.  

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC
Dòng tiền yếu nên dễ tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi các trụ lớn không giữ được giá, nhiều khả năng các cổ phiếu này khó giữ và thị trường cũng sẽ giảm điểm.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro với cổ phiếu nhỏ đang tăng lên ảnh 4

 Ông Nguyễn Nhật Cường

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI

Quan sát sự vận động của dòng tiền cũng như chu kỳ tăng điểm của các mã cổ phiếu thì các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc một số ngành đặc biệt như dệt may, cảng biển, nhựa, xây dựng hạ tầng, năng lượng đã, đang là tâm điểm thu hút dòng tiền nhà đầu tư.

Rõ ràng, các nhà đầu tư cần chọn ra các cổ phiếu đặc biệt tốt nhất thuộc các nhóm cổ phiếu đó để có chiến lược giao dịch hiệu quả là phương án tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lại cho phép mình thờ ơ đối với 1 số cổ phiếu blue chip đầu ngành triển vọng đang có dấu hiệu giao dịch tích cực như PPC, MSN, VCB.

Điều quan trọng hơn cả là việc quản lý danh mục và phân bổ tỷ trọng mỗi loại cổ phiếu ra sao mà thôi.

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra và đây là kỳ họp quan trọng khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt, cũng như sẽ có những bước chuyển động về chính sách trong thời gian tới. Điều này có tác động như thế nào đến TTCK, theo các ông/bà?

Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc Phân tích, CTCK ACBS

Đây là kỳ họp rất quan trọng của Quốc hội với việc các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Chính phủ sẽ được bầu lại trong kỳ họp này. Việc kiện toàn sớm đội ngũ lãnh đạo sẽ giúp có thêm thời gian cho Chính phủ để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, vốn được cho là rất thách thức với độ mở của nền kinh tế tăng cao và nợ công đã chạm ngưỡng giới hạn.

Bản thân kỳ họp Quốc hội dự kiến sẽ không tác động nhiều tới thị trường, vì dự kiến sẽ không có nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, việc Chính phủ mới đi vào hoạt động và tốc độ cải thiện chính sách, nhất là việc nới rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room khối ngoại), là điều được thị trường mong đợi nhất vào thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, việc thoái vốn của SCIC tại các công ty lớn (VNM, BMP, FPT, DHG...) và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hy vọng sau khi kỳ họp Quốc hội hoàn tất, những chính sách thông thoáng sẽ tạo cú hích cho thị trường thoát khỏi vùng giá hiện tại và vượt 645 lần đầu tiên trong 5 năm.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Theo thống kê thì TTCK thường không mấy tích cực trong giai đoạn Quốc hội họp và lần này có thể cũng không ngoại lệ. Thực tế, nhiều vấn đề về kinh tế đang nổi lên trong kỳ họp lần này. Kỳ họp này, có thể sẽ có nhiều thay đổi trong nhận sự lãnh đạo đất nước và nó cũng sẽ đồng nghĩa có thể có nhiều bước chuyển mới trong điều hành kinh tế.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó trưởng phòng Đầu tư, CTCK VietinbankSC

Thị trường đang chờ đợi và kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới chính thức được thông qua. Ngay gần là việc thông qua TPP. Hy vọng đây là nhân tố kích thích thị trường trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK MSI

Mọi thứ đang có những chuyển biến tích cực và hiện hữu. Tôi đánh giá TTCK sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu từ quý III/2016. Hơn hết, tôi hoàn toàn tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo và điều hành Chính phủ, UBCK và NHNN hiện nay.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục