Cơ hội trên thị trường giao dịch hàng hóa

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán biến động, trong khi các thị trường khác như bất động sản, ngoại tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro đang mở ra cơ hội tốt cho thị trường giao dịch hàng hóa phát triển.

Kênh phòng vệ rủi ro

Tại Việt Nam, thuật ngữ "đầu tư phái sinh hàng hóa" có lẽ còn khá lạ lẫm với nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh thị trường chứng khoán, chứng khoán phái sinh, giao dịch hàng hóa (trade hàng hóa) cũng là một hoạt động rất thường xuyên và phổ biến của giới đầu tư trên thế giới.

Trong đó, một trong những lý do trọng yếu là thị trường hàng hóa giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giá cả lại thường xuyên di chuyển trong mô hình gần như không tương quan với cổ phiếu và trái phiếu. Với các sản phẩm là các tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, hay nông sản như cà phê, đậu nành, hồ tiêu…, hàng hóa được giao dịch qua các hợp đồng kỳ hạn trên các sàn giao dịch trên toàn thế giới bởi các nhà sản xuất và nhà đầu tư.

Một trong những lý do tồn tại của sàn giao dịch hàng hóa là hoạt động phòng ngừa rủi ro, nhất là với các nhà xuất nhập khẩu. Biến động giá liên tục của thị trường hàng hóa thế giới, thông qua sàn giao dịch, nhà xuất khẩu hàng hóa có thể sử dụng đồng thời cả hoạt động mua/hoặc hoạt động bán khống trên thị trường giao dịch hàng hóa để bù trừ hoạt động lãi/lỗ trên thị trường vật chất, từ đó bảo toàn được nguồn vốn của mình.

Chẳng hạn, doanh nghiệp A ký hợp đồng cung cấp thức ăn chăn nuôi với các đối tác, doanh nghiệp A cần mua khô đậu tương làm nguyên liệu sản xuất. Nguyên liệu cần nhập về thành nhiều đợt, nếu nhập đủ nguyên liệu sản xuất đơn hàng, doanh nghiệp A sẽ tốn rất nhiều chi phí kho bãi và bảo quản. Do giá nguyên liệu luôn thay đổi, doanh nghiệp lại nhập về thành nhiều đợt, việc giá nguyên liệu tăng so với thời điểm ký hợp đồng sẽ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí là gây thua lỗ. Ðể đảm bảo tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nghiệp A tham gia phòng vệ giá hàng hóa nguyên liệu (hedging) thông qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

Giả sử, tháng 9, doanh nghiệp A cần mua 100 tấn khô đậu tương để phục vụ sản xuất. Từ đầu năm, doanh nghiệp A mua 100 tấn khô đậu tương kỳ hạn tháng 9 qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (thị trường tập trung) với giá 300 USD/tấn. Tới tháng 9, giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 9 tăng lên 310 USD/tấn, doanh nghiệp A thực hiện lệnh bán (tất toán lệnh mua trước đó) trên Sở Giao dịch hàng hóa, từ đó có lợi nhuận 10 USD/tấn.

Trong khi đó, do phải mua khô đậu tương tại thị trường cơ sở (hàng thực) vào tháng 9 để phục vụ sản xuất với giá 310 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với đầu năm, doanh nghiệp A chịu lỗ 10 USD/tấn so với dự kiến.

Phần chịu lỗ tại thị trường cơ sở đúng bằng phần lợi nhuận có được từ giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa. Ðiều này giúp cho doanh nghiệp luôn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận dù ký hợp đồng và xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh từ đầu năm. 

Kênh đầu tư dễ tham gia

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, chi phí cơ hội, chi phí giao dịch thấp, linh hoạt tự do trong giao dịch khiến cho hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa là một trong những giao dịch năng động nhất trên thế giới, bên cạnh chứng khoán và ngoại hối.

Trong đó, mối quan hệ giữa hàng hóa vật chất và hàng hóa phái sinh là mối quan hệ không tách rời, một mặt đặc tả hàng hóa vật chất được cụ thể hóa thành các hợp đồng giao dịch phái sinh chuyên biệt, mặt khác giá của hợp đồng giao dịch hàng hóa lại là tiêu chuẩn để thống nhất mức giá thanh toán giữa các hợp đồng giao dịch hàng hóa xuất nhập khẩu.

Lợi ích lớn nhất của việc tham gia thị trường giao dịch hàng hóa là đối tượng tham gia thị trường một mặt chủ động quyết định bảo toàn được phần lợi nhuận mình có được, mặt khác ổn định kế hoạch kinh doanh nhờ triệt tiêu ở mức tối đa các rủi ro biến động giá thị trường.

Ngoài ra, theo ông Quỳnh, với các nhà đầu tư, kể từ khi Nghị định số 51/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NÐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa từ ngày 9/4/2018, Sở Giao dịch hàng hóa cũng mở ra một sân chơi mới dành cho các nhà đầu tư cá nhân.

"So với các loại sản phẩm đầu tư tài chính khác, sự khác biệt giúp cho thị trường hàng hóa tỏ ra hấp dẫn là giao dịch T+0 với hoạt động bán khống. Nhờ đó, giao dịch hàng hóa đã trở thành một trong những cách phổ biến nhất để đa dạng hóa danh mục đầu tư, đặc biệt là trong các thị trường chứng khoán giá xuống, vì hàng hóa có xu hướng biến động ngược chiều với chứng khoán", ông Quỳnh cho biết.

Theo ông Ðặng Quốc Hội, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Ðầu tư Quốc tế Hữu Nghị - Thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, tất cả các nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân) đều có thể tham gia giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam thông qua thành viên kinh doanh và thành viên môi giới. Tùy mỗi loại hàng hóa mà có mức ký quỹ khác nhau.

Trong quá khứ, chỉ có những người có nhiều vốn cũng như có đủ thời gian và trình độ chuyên môn mới có thể đầu tư vào hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận thị trường hàng hóa cũng mở ra với những người không phải là chuyên gia, cho phép các nhà giao dịch trực tuyến tận dụng cả biến động giá ngắn hạn cũng như dài hạn.

Các thị trường hàng hóa chủ yếu được giao dịch với khối lượng lớn bởi những người tham gia khác nhau trên thế giới, cung cấp một vài cơ hội giao dịch cho cả nhà giao dịch ngắn hạn và dài hạn. Không giống như đầu tư truyền thống, bao gồm việc mua vào và giữ lại với hy vọng giá tăng, nhà đầu tư có thể kiếm lời từ cả hai trường hợp giá tăng và giảm bằng việc mua vào hoặc bán ra.

Chẳng hạn, khi dự đoán được giá khô đậu tương, nhà đầu tư B có thể đặt lệnh mua vào thời điểm hiện tại. Nếu giá khô đậu tương tăng như kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư B tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường giao dịch hàng hóa. Ngược lại, khi nhận thấy các tin tốt về mùa vụ, nguồn cung dồi dào, giá có khả năng giảm, nhà đầu tư B có thể thực hiện lệnh bán trên sàn giao dịch hàng hóa để tìm kiếm lợi nhuận.

Trước đây, khi các quy định với giao dịch hàng hóa qua sàn còn bó cứng, chưa liên thông với thị trường thế giới, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến các sàn không phép trong nước. Tuy nhiên, việc đầu tư qua sàn giao dịch hàng hóa “chui” thường mang lại rủi ro cao khi không được đảm bảo về thực hiện chốt lời. Trong khi đó, nếu đầu tư trực tiếp qua các sàn quốc tế đòi hỏi tốn nhiều chi phí và công sức.

Do đó, với các quy định mới khi Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam được liên thông với thị trường quốc tế, cơ hội với các nhà đầu tư sẽ rộng rãi hơn.

"Với việc MXV đã ký kết hợp tác chiến lược với BIDV, mọi giao dịch thanh toán đều sẽ được quản lý và đảm bảo cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp một cách minh bạch", ông Hội nhấn mạnh.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục