Sàn Giao dịch hàng hóa: Cơ hội từ thị trường tỷ đô

(ĐTCK) Nghị định 51/2018/NĐ-CP với nhiều nội dung mang tính mở và cởi trói cho hoạt động của Sàn Giao dịch hàng hóa tập trung (hay còn gọi là Sở Giao dịch hàng hóa) sẽ là lối mở cho bài toán nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản, nguyên vật liệu thô Việt Nam. Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Dũng – Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam xung quanh câu chuyện này. 
Các sản phẩm nông sản thô của Việt Nam giao dịch thường dưới mặt bằng giá chung của thị trường do nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn Các sản phẩm nông sản thô của Việt Nam giao dịch thường dưới mặt bằng giá chung của thị trường do nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn

8 năm về trước, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam từng nhận được nhiều kỳ vọng nhưng lại sớm chết yểu. Vậy hiện tại, mô hình mới có điểm gì khác biệt?

Mô hình Sở Giao dịch hàng hóa 8 năm trước so với bây giờ không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là hiện tại, nhờ sự cởi mở của Nghị định 51 mà Sở Giao dịch hàng hóa có thể làm được nhiều điều hơn, ví dụ lưu thông hàng hóa ra nước ngoài. Thực tế, cũng giống như thị trường chứng khoán, việc thị trường hàng hóa có phát triển được hay không phụ thuộc vào vấn đề đầu tiên là có người mua và người bán hay không.

Về nguyên tắc, việc tham gia các công cụ phòng ngừa rủi ro là nhà đầu tư chuyển đổi rủi ro của mình cho người khác. Ở đây, để phát triển, không chỉ là người mua và người bán chuyển cho nhau, mà phải có sự tham gia của nhiều đối tượng, nhiều thành phần kinh tế, chẳng hạn các nhà đầu cơ (speculator), quỹ phòng hộ… để tạo ra thanh khoản cho thị trường.

 Ông Nguyễn Đức Dũng

Đây cũng là lý do cần phải có sự liên thông quốc tế để thu hút nhiều hơn các thành phần tham gia thị trường. Bên cạnh đó, với các mối liên kết quốc tế nhờ Sở Giao dịch hàng hóa, việc giao thương sẽ thuận tiện hơn cho các nhà xuất khẩu trong nước, nhất là khi hàng hóa được tiêu chuẩn và đặc tả thành “Commodities”, thay vì “Goods” thông thường.

Sự khác biệt giữa 2 khái niệm này nằm ở chỗ, “Goods” là tất cả hàng hóa có thể bán được và chưa được tuyển chọn, phân loại, trong khi “Commodities” đã được quy chuẩn hóa theo quy định ngay từ ban đầu.

Khi đã có một tiêu chuẩn hàng hóa chung, chúng ta sẽ đặt ra các thước đo (benchmark), từ đó giúp cho hàng hóa của người xuất khẩu khi giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn về mặt thời gian, chi phí, cũng như đảm bảo giá cả luôn ở mức cạnh tranh, không bị ép giá khi tiến hành giao thương quốc tế.

Thực tế, rất nhiều giao dịch hàng hóa nông sản, nguyên liệu thô của nước ta khi tiến hành giao thương thường giao dịch theo giá thỏa thuận và đôi khi tưởng có lợi nhưng thực tế lại bất lợi hoàn toàn do ngay từ đầu hàng hóa đã không tuân thủ theo các tiêu chuẩn chung.

Ông có thể giải thích cặn kẽ hơn về tiêu chuẩn hàng hóa “Commodities”?

Có thể hiểu tiêu chuẩn hàng hóa này như một cách đặc tả sản phẩm trong hợp đồng mua bán chung đã được thừa nhận tại các sở giao dịch hàng hóa quốc tế, từ quy chuẩn về chất lượng, mẫu mã, kích thước hay số lượng. Sản phẩm phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật trong giao thương hàng hóa quốc tế.

Với việc đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật như vậy, ngay từ đầu, các nhà xuất khẩu trong nước sẽ có sẵn thước đo để từ đó quy chuẩn hóa và tối ưu các sản phẩm của mình, giảm thiểu việc sản xuất hàng theo xu hướng tự phát, nhưng lại không bán được, hoặc có bán được nhưng sẽ bị thương nhân quốc tế ép giá. Đồng thời, việc đặt ra các quy chuẩn cũng sẽ tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước so với hàng hóa quốc tế.

Lấy ví dụ về hạt cà phê, hạt điều hay gạo, thực tế trong nhiều năm vừa qua, mặc dù là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng các sản phẩm nông sản thô của Việt Nam giao dịch thường dưới mặt bằng giá chung của thị trường do nhiều sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, hoặc lẫn tạp chất quá nhiều. Điều này không có lợi khi chi phí sản xuất đầu vào với các nhà xuất khẩu rất lớn nhưng hiệu quả mang về lại thấp.

Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa là cách để có thể vượt hàng rào kỹ thuật mà nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng trên thế giới, hạn chế những bất cập hoặc kiện tụng, tranh cãi.

Nếu đáp ứng đúng, đủ các tiêu chuẩn theo hàng hóa quy định tại Sở Giao dịch hàng hóa, thì nhà xuất khẩu có thể sẽ giao dịch hàng hóa của mình ở mức giá cao hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến băn khoăn tới các chi phí khác vì Sở Giao dịch mới chỉ là trung gian thanh toán hợp đồng giao thương, còn các chi phí như vận chuyển thì nhà xuất khẩu phải trả, khi đó Sở Giao dịch hàng hóa sẽ hỗ trợ như thế nào?

Về sau này, Sở Giao dịch hàng hóa sẽ phát triển thành mô hình All – in – one (tất cả trong một), không đơn thuần là nơi trao đổi mua bán hàng hóa thông thường, mà sẽ là nơi tập trung các trung gian thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ cho hoạt động giao thương hàng hóa quốc tế. Đây là một thị trường rộng mở và nếu phát triển như một số nước trong khu vực thì quy mô giao dịch có thể tính bằng con số tỷ USD.

Hiểu một cách đơn giản, nơi đây sẽ tạo ra sự chuyên biệt cho từng cá thể tham gia vào thị trường, cụ thể người sản xuất sẽ chỉ chuyên tâm vào hoạt động sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn do Sở Giao dịch đặt ra. Còn lại, giai đoạn từ kho đến người mua, bao gồm logistics, bến bãi, thủ tục xuất nhập sẽ do các đơn vị chuyên về logistics, thủ tục hải quan, bảo hiểm hay trung gian thanh toán xử lý.

Điều này sẽ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, chuyển đổi hàng hóa từ người mua tới người bán khi qua các thông tin trên sàn giao dịch hàng hóa, người bán có thể tùy ý lựa chọn nhà cung cấp với mức phí phù hợp nhất, giảm bớt việc nhà xuất khẩu phải tự lo mọi khâu từ sản xuất, vận chuyển tới thủ tục, vừa mất thời gian, chi phí, vừa hạn chế sức cạnh tranh của hàng hóa.

Đây cũng là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới áp dụng khi xây dựng các mô hình sở giao dịch hàng hóa. Trước mắt, khi mới hoạt động, tạm thời Sở Giao dịch hàng hóa sẽ thay mặt giải quyết các khâu logistics, bến bãi, thủ tục xuất nhập khẩu giúp các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian nữa, hoạt động này sẽ do các đơn vị chuyên biệt thực hiện.

Tại lễ giới thiệu Sở Giao dịch hàng hóa mới đây, ông cho biết một trong những ý nghĩa quan trọng của việc giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa tập trung là phòng vệ (hedging) và hạn chế thao túng giá. Vậy điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, một khi doanh nghiệp tuân thủ theo các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc họ đang phòng vệ cho sản phẩm của chính mình, không bị ép giá khi tham gia giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó, toàn bộ các chi phí liên quan đều được thỏa thuận công khai trực tiếp theo hình thức đặt lệnh "thuận mua, vừa bán" và vì thế, nhà xuất khẩu đã có thể tính toán được ngay lợi nhuận của mình từ khi quyết định, nhờ vậy dễ dàng sắp xếp kế hoạch cho các đợt sản xuất tiếp theo.

Ngoài ra, khi có sự liên kết với thị trường quốc tế, với sự nhập cuộc của nhà đầu cơ, quỹ đầu tư phòng vệ cùng người mua và người bán, các thành phần này có thể tiến hành các giao dịch bán ra hoặc mua vào các hợp đồng quyền chọn giá bán/giá mua, từ đó hạn chế việc độc quyền để thao túng giá. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng hóa được giao dịch đúng theo quy luật thị trường, hướng tới bình ổn giá sản phẩm.

Với số lượng giao dịch lên tới hàng triệu lệnh trong mỗi giờ, hay mỗi giây, hầu như không ai có đủ khả năng thao túng giá bởi hoạt động mua bán sẽ liên tục diễn ra 24/24 giờ mỗi ngày. Hiện tại, ở Việt Nam, dù Sở Giao dịch hàng hóa chưa phát triển mạnh nhưng đã có tới khoảng 2 triệu hợp đồng được thực hiện. Con số này có thể tăng lên gấp nhiều lần khi giao dịch điện tử được áp dụng, giúp việc mua bán diễn ra một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn chỉ qua phần mềm hoặc ứng dụng di động.

Cũng cần nói thêm, trong tương lai, với hàng hóa đa dạng trên sàn, khi Sở Giao dịch hàng hóa đã phát triển đến mức nào đó, người mua và người bán hoàn toàn có thể phòng vệ chéo giữa các hàng hóa với nhau để hạn chế tối thiểu các biến động về giá. Chẳng hạn với hạt nhựa, đây là loại sản phẩm chiết xuất từ dầu thô, nếu cho phép “hedging” giữa 2 loại sản phẩm này thì người mua và người bán hoàn toàn có thể tìm kiếm mức giá hấp dẫn và hợp lý, khuyến khích họ đẩy mạnh hoạt động sản xuất hơn.

Việt Dương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục