Sàn giao dịch hàng hóa, có gì ngày trở lại?

(ĐTCK) Không chỉ cởi trói về cơ chế hoạt động, cho phép kết nối các sàn giao dịch trong nước với nhau và với các sàn giao dịch nước ngoài, Nghị định 51/2018 được Chính phủ thông qua ngày 9/4/2018 vừa qua được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ mới cho hoạt động giao thương hàng hóa trong và ngoài nước của doanh nghiệp và người dân hiệu quả, thuận tiện hơn.
Sau gần 16 năm, doanh nghiệp và người dân mới thực sự có cơ hội giao thương hàng hóa quốc tế một cách thuận tiện và bài bản Sau gần 16 năm, doanh nghiệp và người dân mới thực sự có cơ hội giao thương hàng hóa quốc tế một cách thuận tiện và bài bản

16 năm khởi tạo, nhưng chưa thành

Sàn giao dịch hàng hóa là một loại hình đặc biệt đã được sớm hình thành và phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, sàn giao dịch hàng hóa ra đời vào năm 2002 do Hiệp hội Điều Việt Nam sáng lập. Mô hình sàn giao dịch hàng hóa đã từng hứa hẹn sẽ phát triển thành trung tâm thương mại hàng hóa điện tử hiện đại, không chỉ là cửa ngõ giao thương kết nối cho các sản phẩm nguyên vật liệu, nông sản trữ lượng lớn cho Việt Nam, mà còn là công cụ để điều hòa thị trường.

Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, vướng mắc về cơ chế cũng như do thiếu đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng công nghệ đã khiến sàn giao dịch hàng hóa không đạt được hiệu quả và nhanh chóng giải tán. Sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên chỉ thực hiện được đúng 1 phiên với 1 hợp đồng mua bán được ký “lấy may” rồi… “lặn mất tiêu”.

Năm 2004, Sàn giao dịch thủy sản lại được thiết lập tại Cần Giờ (TP. HCM), nhằm mục đích hạn chế khâu trung gian, giúp doanh nghiệp và ngư dân có thể làm việc trực tiếp, mang lại lợi ích cho cả hai phía. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động, sàn giao dịch này cũng nhanh chóng… giải tán.

Cũng năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng đề án thành lập Sàn giao dịch cà phê với kinh phí ban đầu khoảng 17 tỷ đồng. Năm 2008, Chính phủ Pháp tài trợ 850.000 euro hỗ trợ hệ thống công nghệ cho sàn giao dịch này. Sàn được lập với sự bảo trợ của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), UBND tỉnh Đắk Lắk, được đầu tư bài bản, tuy nhiên hiện vẫn đang hoạt động ở tình trạng cầm chừng.

 Nghị định mới đã bỏ cơ chế “xin - cho”, chuyển sang cơ chế hậu kiểm, đề cao tính tự chủ, tự trách nhiệm của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Ngày 21/12/2011, một sàn giao dịch hàng hóa nữa của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín với tên gọi Sacom - STE đã mở cửa hoạt động. Mặt hàng được lựa chọn tiên phong “lên” sàn là thép. Khoảng 5.300 tấn thép xây dựng và 480 tấn thép công nghiệp của Công ty Thép Pomina đã giao dịch thành công trong phiên giao dịch đầu tiên.

Tại thời điểm ra mắt, trong nhiều cuộc chia sẻ với báo chí, thay vì sự tự tin thường thấy trong các dự án đầu tư khác của Sacombank, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Sàn hàng hóa Sacom khi đó cũng đánh giá con đường tương lai là không dễ dàng khi nhìn nhận về triển vọng của sàn giao dịch này.

Sàn giao dịch khi đó chỉ “dám” xác định là thử nghiệm. Theo thời gian, thông tin về sàn giao dịch Sacom không còn xuất hiện, cho thấy một thực tế, để sàn giao dịch hàng hóa hấp dẫn được giới kinh doanh là cả vấn đề.

Pháp lý bó, sàn khó phát triển

Mặc dù sàn giao dịch hàng hóa đầu tiên của Việt Nam đã ra đời từ năm 2002, nhưng đến năm 2005, hoạt động của các sàn giao dịch hàng hóa (mà ngôn ngữ pháp lý gọi là sở giao dịch hàng hóa) mới được quy định tại Luật Thương mại (2005) trong Mục 3 với 11 điều.

Theo đó, quy định, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai. Và “Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa”.

Năm 2006, Nghị định 158/2006/NĐ-CP ra đời, quy định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Bộ Thương mại (sau này là Bộ Công thương) được chỉ định chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các sàn. Cũng từ đó, Sở giao dịch hàng hóa mới có tư cách pháp nhân là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa.

Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hoạt động của các Sở giao dịch hàng hóa chưa thực sự sôi động và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế nước ta. Kể từ khi đi vào hoạt động, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các Sở giao dịch hàng hóa là 7.991,03 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê.

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam còn kém phát triển có nguyên nhân chủ yếu từ những hạn chế của hành lang pháp lý. Cụ thể, quy định trước đây chưa phù hợp với thực tiễn như quy định về vốn pháp định, bằng cấp của giám đốc, tổng giám đốc, cơ sở vật chất. Chưa có quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài. Chưa có quy định về nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thành lập Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam…

Cũng cần nói thêm, theo ông An, bên cạnh khung pháp lý còn thiếu và yếu, thì việc các sản phẩm hợp đồng giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa còn chưa phong phú, đa dạng nên cảnh "chợ chiều" là đương nhiên. Thực tế, cho tới trước thời điểm tháng 4/2018, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chế độ thanh toán trong hoạt động mua bán qua sở giao dịch hàng hóa cũng như quy định cụ thể về điều kiện thành lập và hoạt động của trung tâm thanh toán.

“Văn bản hướng dẫn chế độ phí, lệ phí, quy định về hạch toán đối với nhà đầu tư khi tham gia hoạt động mua bán cũng chưa có, nên mức độ giao dịch phổ biến và có liên quan đến hàng hóa phái sinh chỉ dừng lại ở hợp đồng giao dịch kỳ hạn”, ông An nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng phòng Thị trường trong nước, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, một điểm chưa hợp lý trước đây là quy định chỉ cho phép sàn thực hiện giao dịch sắt thép, cà phê, cao su. Điều này “trói chân DN” khi thực tế một DN kinh doanh cà phê có thể kinh doanh nhiều mặt hàng.

Nghị định 51/2018 mở tương lai cho Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam

Ngày 9/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP. Một trong những điểm mới quan trọng trong Nghị định số 51/2018/NĐ-CP là việc mở rộng hình thức của lệnh giao dịch, ngoài yêu cầu bằng văn bản, các hình thức có giá trị tương đương như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định đều có thể được chấp nhận. Đồng thời, cho phép Sở giao dịch hàng hóa được liên thông với nhau trong nước và nước ngoài…

Nghị định 51 cũng mở rộng danh mục hàng hóa kinh doanh niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa và cho phép nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên của Sở (thành viên môi giới, thành viên kinh doanh) với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc  Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, ngoài việc bổ sung thêm nhiều quy định mới mang tính chất thông thoáng hơn, có thể thấy sự khác biệt của Nghị định 51/2018 so với Nghị định 158/2006 nằm ở tinh thần của Nghị định.

Nếu như Nghị định 158/2006 mang nặng cơ chế “xin - cho”, các hoạt động của Sở cũng phải xin phép Bộ Công thương thì ở Nghị định mới đã bỏ cơ chế “xin - cho”, chuyển sang cơ chế hậu kiểm, đề cao tính tự chủ, tự trách nhiệm của Sở.

“Với quy định mới này, chúng ta kết nối các sàn giao dịch trong nước với nhau (nếu có) và hướng tới kết nối với các sàn giao dịch nước ngoài. Việc này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi về thông tin lượng hàng xuất đi, giá cả; đánh giá thị trường thuận lợi hơn; thêm được tiềm năng về vốn để đẩy sàn trong nước lên, cơ sở vật chất, chất lượng nhân lực”, ông Quỳnh nhấn mạnh. Theo ông Quỳnh, pháp lý đã mở đường, phần còn lại nằm ở việc mô hình Sở giao dịch mới sẽ được xây như thế nào và vận hành ra sao.

Trong đó, các vấn đề như cơ sở vật chất, tuyên truyền thông tin và quan trọng là năng lực quản lý là rất quan trọng, bởi quy định pháp lý không hạn chế hàng hóa lên sàn giao dịch, cho phép liên thông nước ngoài. Các vấn đề về kho, bến bãi… cũng sẽ phải thay đổi rất nhanh chóng để thích nghi với những thay đổi mô hình hoạt động Sàn giao dịch theo Nghị định 51/2018.

Cũng theo ông Quỳnh, hiện tại đơn vị này đã xây dựng nguồn nhân sự tốt, hệ thống giao dịch đáp ứng kết nối với các Sở giao dịch trên toàn thế giới, hoạt động 24/7; có đầy đủ các khối nghiệp vụ như quản lý thành viên, quản lý giao dịch, tài chính kế toán, quản trị rủi ro, thanh toán bù trừ, giao nhận hàng hóa và trung tâm đào tạo, sẵn sàng kết nối các quan hệ cung - cầu trong và ngoài nước để định hình một Sàn giao dịch hàng hóa hiện đại, hiệu quả tại Việt Nam.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục