Cơ hội phải hợp với “cơ địa” của doanh nghiệp mới chuyển hóa được, nếu không sẽ thành “nguy”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong vô vàn các cơ hội, không phải cơ hội nào cũng có thể nắm bắt mà các CEO phải tìm ra cơ hội phù hợp với “cơ địa” doanh nghiệp của mình.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Cơ hội phải hợp “cơ địa”

Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Làm thế nào để thấy cơ trong nguy” do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Deloitte Việt Nam tổ chức sáng nay (30/9), đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, cơ hội cho các doanh nghiệp là không thiếu, tuy nhiên, điều quan trọng là trong cả rừng cơ hội, phải “soi” được cơ hội thích hợp với doanh nghiệp của mình và nắm bắt nó.

Bắt đầu câu chuyện, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ, trong "nguy" lúc nào cũng có "cơ", nhưng không phải “cơ” nào cũng là “cơ” của doanh nghiệp. Cơ hội phải hợp với “cơ địa” của doanh nghiệp mới chuyển hóa được, nếu không sẽ thành “nguy”. Nói cách khác, doanh nghiệp phải hiểu rõ chính mình.

Ông Thông ví dụ, PNJ sẽ không thể chuyển đổi công tác bán hàng, marketing từ hình thức "ném bom" (truyền thông, marketing truyền thống – PV) sang "súng bắn tỉa", tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu nếu không có hệ thống ngắm điện tử (tận dụng công nghệ, dữ liệu khách hàng, marketing digital) được triển khai từ nhiều năm trước.

Vị CEO của PNJ khẳng định, nếu không thấu hiểu doanh nghiệp của mình, không nhìn ra sự khác biệt với các công ty khác, không soi chiếu với môi trường kinh doanh, rồi từ đó nhận ra cơ hội nào phù hợp trong số các cơ hội chung cho cả ngành, thì sẽ khó thành công.

Còn theo bà Nguyễn Trà My, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PAN Group, mỗi người hiểu và nhìn các cơ hội một cách khác nhau. Cá nhân bà cũng có lúc lâm vào cảnh khủng hoảng cơ hội khi có quá nhiều cơ hội bày ra trước mắt, nhìn đâu cũng thấy cơ hội. Những lúc như thế, theo bà My, rất cần có sự phản biện từ đồng sự, bạn bè làm doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo vị đại diện PAN Group, có một điểm không thể bỏ qua, đó là phải nhìn nhận cơ hội trong tổng thể chiến lược dài hạn của doanh nghiệp, gắn với đòi hỏi phát triển bền vững để lựa chọn ra những cơ hội thực sự phù hợp.

Được phép sai

Chọn đúng cơ hội luôn rất quan trọng với các CEO, doanh nghiệp, nhưng một điểm chung nữa mà nhiều vị thuyền trưởng đều đồng tình, đó là cả lãnh đạo doanh nghiệp và các nhân viên đều được phép sai. Và sai để rút kinh nghiệm, để trưởng thành hơn.

Ông Đỗ Văn Thức, Giám đốc kinh doanh, đồng sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Đất Việt thẳng thắn: "Phải sai nhiều mới có đúng, chúng tôi từng có nhiều lựa chọn sai về đầu tư, nhưng đó cũng là những kinh nghiệm quý giá cho doanh nghiệp".

“Hoạt động về mảng dịch vụ, nhưng chúng tôi từng nhăm nhe đầu tư sang sản xuất nước suối, khăn lạnh với mong muốn hoàn thiện hệ sinh thái, dịch vụ của mình. Nhưng quản trị sản xuất khác với quản trị dịch vụ. Từ con người, chuyện vận hành, nguyên liệu vào, ra đều khác nên chúng tôi thất bại. Từ đó, tôi nhận ra rằng, tốt nhất là hãy làm tốt mảng giá trị cốt lõi của mình”, ông Thức kể lại.

Một nhóm các bạn trẻ thảo luận trong một sự kiện về startup. Ảnh: Thành Nguyễn.

Một nhóm các bạn trẻ thảo luận trong một sự kiện về startup. Ảnh: Thành Nguyễn.

Tương tự, đại diện PNJ cũng khá thoải mái về việc "chọn" và "được chọn sai các cơ hội". Ông Thông cho rằng, chuyện chọn sai là bình thường và việc chọn được đúng cơ hội cũng là kết quả của những lần chọn sai trước đó.

Ông Thông cho biết, ở doanh nghiệp của ông luôn có tinh thần startup (khởi nghiệp), nên kể cả nhân viên cũng được phép làm sai và rút kinh nghiệm.

Theo ông Thông, người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần dám cho nhân viên mình chọn sai, để rồi sẽ trưởng thành. Với các công ty, chọn sai cơ hội cũng là hạng mục phải có trong câu chuyện phát triển bền vững.

“Khi chúng tôi làm marketing digital, trong 2 - 3 năm đầu, chúng tôi đầu tư nhiều công nghệ học từ nước ngoài, nhưng khi triển khai thì do nguồn data (dữ liệu) không chuẩn nên phải có sự điều chỉnh, làm giàu độ tinh khiết của data khách hàng. Đó là sai lầm khi chưa đánh giá đúng tình hình thực tế và sai khi triển khai. Nhưng vì thế, đến nay, PNJ có được một nền tảng tốt để thích ứng khi đại dịch xảy ra - từ những sự chuẩn bị, cả cái sai từ trước đó nhiều năm”, ông Thông chia sẻ.

Xác định “tọa độ” cho doanh nghiệp

Một trong những vấn đề quan trọng khác là việc xác định được vị trí doanh nghiệp của mình giữa hai trục biến động, thách thức và cơ hội. Từ đó, người đứng đầu doanh nghiệp có thể đưa ra các giải pháp ứng phó và nắm bắt các cơ hội phát triển, đưa doanh nghiệp vượt khó.

Bà Phan Thục Anh, Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp Deloitte Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, điều quan trọng với các doanh nghiệp, các CEO là phải xác định được tọa độ doanh nghiệp mình đang đứng, trên hai trục biến động và cơ hội. Từ đó, nhận diện được các cơ hội, thách thức và đưa ra giải pháp ứng phó hợp lý.

Đại diện Deloitte ví dụ, với nhóm doanh nghiệp chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nhưng không có nhiều cơ hội phát triển mạnh thì cần tập trung vào việc tăng cường hiệu quả các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tiết giảm chi phí hoạt động.

Người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần dám cho nhân viên mình chọn sai, để rồi sẽ trưởng thành

Với nhóm doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhưng có cơ hội nhiều, thì nên áp dụng giải pháp nhảy vọt, không ưu tiên cho lĩnh vực cốt lõi mà tập trung cho các lĩnh vực mới. Riêng với nhóm doanh nghiệp đang ở mức ổn định, thì cần duy trì đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhưng vẫn xem xét các cơ hội mở rộng thị trường và sản phẩm…

Tuy nhiên, dù định vị doanh nghiệp thuộc nhóm nào thì khi đưa ra các giải pháp, doanh nghiệp cũng cần xem sự tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ra sao. Vì nếu giải pháp quá xa tiềm lực thì sẽ phải bổ sung nguồn lực lớn và trở thành trở ngại.

“Khi có giải pháp và hiểu bản chất giải pháp thì cuối cùng là việc lựa chọn giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu khách hàng, vừa mang lại tài chính và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý. Giải pháp hay đến đâu mà không thỏa mãn 3 điều trên thì không phải là giải pháp tốt”, bà Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Thắng, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Citicom cho rằng, điều quan trọng với các doanh nghiệp ở giai đoạn hiện tại, đó là định vị vị trí doanh nghiệp giữa biến động, thách thức và cơ hội, từ đó đưa ra kế hoạch ứng phó hợp lý.

“Doanh nghiệp cần biết được tọa độ chính xác của mình. Doanh nghiệp nào nhạy bén sẽ nắm được thời cơ, doanh nghiệp nào sống sót, đi đến hưng thịnh thì phải là doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội trong thách thức và tận dụng nó, bằng quyết tâm của giới lãnh đạo và giải pháp thiết thực”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục