Dù bài báo được hình thành từ một cuộc phỏng vấn riêng, độc quyền hay qua cả quá trình tìm tòi tư liệu hoặc phát ngôn của doanh nhân, thì mục tiêu cuối cùng đều là truyền tải những trải nghiệm, trí tuệ của họ đến xã hội. Nhà báo và doanh nhân cùng truyền cảm hứng, động viên, tạo cơ hội học hỏi và cùng nhau đạt được thành công.
1. Những doanh nhân xuất sắc luôn cần được tôn vinh như diễn viên, đạo diễn. Dù họ là “lính mới” hay doanh nhân gạo cội cũng phải được xướng tên trên sân khấu sáng rực. Họ thừa bản lĩnh và lòng kiêu hãnh để bước đi trên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay của các doanh nhân khác hay những nhà làm chính sách.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang khiến một phần của nền kinh tế, đời sống xã hội đóng băng, thì những doanh nhân “không khóc”, hay những doanh nhân sáng tạo xứng đáng được trọng thị, tung hô như những người hùng kinh tế, vì họ tạo ra, giữ gìn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn việc làm cho người lao động. Đó là điều cần thiết lúc này.
Nếu cách đây 3 thập kỷ, hình ảnh thương nhân chưa được phản ánh đúng, thậm chí là hơi méo mó và doanh nhân cũng không “mặn nồng” với báo chí, truyền hình, thì đến nay đã có sự thay đổi lớn, vì vai trò của doanh nhân đã thay đổi. Họ trở thành những người tiên phong trong phát triển kinh tế, từng bước vươn ra thế giới.
Báo chí và doanh nghiệp, doanh nhân giờ đây gắn bó với nhau trong mối quan hệ cộng sinh, đồng hành để cùng lớn mạnh. Sự thấu hiểu, chia sẻ, thông cảm từ báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân ngày một thể hiện rõ hơn; ngược lại, doanh nhân cũng mở lòng hơn với báo chí.
Rõ ràng, khi báo chí làm được điều tốt, tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nhân có được môi trường làm việc tốt hơn, cống hiến hết mình hơn, thì tương lai, mối quan hệ này ngày càng khăng khít hơn, và một điều quan trọng là ai cũng phải giữ được “chất” của mình.
2. 5 năm trở lại đây, khởi nghiệp trở thành một hiện tượng của Việt Nam, khi tinh thần làm chủ được giải phóng, nhất là khi nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành. Các start-up thành công đều nhận ra nhu cầu thực ngoài xã hội… Họ không chỉ nghĩ cách để làm giàu, mà phát triển sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khi họ nhìn thấy cơ hội. Để biến những cơ hội đó thành hiện thực, họ phải dũng cảm một cách phi thường, chấp nhận rủi ro, can trường để thực hiện.
Kinh doanh không nhất thiết lúc nào cũng phải có ý tưởng đủ lớn. Đôi khi, chỉ cần một ý tưởng nhỏ, nhưng nếu người nghĩ ra nó tự tin, chăm chỉ, quyết tâm cao độ và đủ năng lượng, thì có thể biến nhỏ thành lớn.
Những ngày qua, không hiếm trường hợp khởi nghiệp vì quá tuyệt vọng do bị sa thải, mất việc khi Covid-19 ập đến. Phần lớn doanh nhân thừa nhận, dịch bệnh đã khiến họ kích hoạt mạnh mẽ tư duy về sự thay đổi. Họ nhận thấy, không có vùng nào là an toàn trong dịch bệnh này, họ buộc phải rời khỏi chiếc ghế êm ấm mà có khi ngủ quên trên chiến thắng lâu nay.
Những doanh nhân thường được báo chí “gõ cửa”. Khi thành công, họ mở cửa chào đón hoan hỉ, tay bắt mặt mừng, nhưng khi thất bại thì cửa đóng then cài. Đó là điều dễ hiểu ở Việt Nam, khi nỗi sợ, ám ảnh về sự gièm pha, hạ thấp uy tín vẫn còn nương náu.
Dù vậy, báo chí vẫn tìm đến doanh nhân, không phải vì họ thành công hay thất bại, mà vì dám nói lên tiếng nói của mình, dám chấp nhận thất bại mà không một giọt nước mắt.
Cũng có những doanh nhân, tân binh, start-up nhân cơ hội này để quảng bá hình ảnh cá nhân, doanh nghiệp, sản phẩm, vì họ nghĩ đang được báo chí ủng hộ tinh thần khởi nghiệp mà chi phí phải bỏ ra không quá nhiều, thậm chí là 0 đồng.
Song, cũng cần phải nhắc lại là, mỗi khi báo chí nói chung, Báo Đầu tư nói riêng tìm đến một doanh nhân vào đó, chúng tôi đều phải đặt câu hỏi: họ có tầm ảnh hưởng ra sao; có ý tưởng độc đáo gì; liệu sản phẩm mới hay mô hình kinh đoanh đó có sức công phá trên thị trường hay chỉ là “bom xịt”, “pháo tép”; sản phẩm đó có làm thay đổi rõ rệt cuộc sống của nhiều người hay tạo nguồn cảm hứng cho người khác…?
Những doanh nhân “lộ diện” trên Báo Đầu tư có điểm xuất phát không giống nhau, nhưng khả năng, quan điểm, đóng góp cho xã hội của họ giống nhau. Họ đều thể hiện bản thân và hoài bão của mình bằng tinh thần lạc quan, chấp nhận rủi ro, độc lập và tự chủ.
3. Nhiều doanh nhân cho rằng, câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” không phải lúc nào cũng đúng. Một sản phẩm được truyền thông tốt thường được ưa chuộng hơn sản phẩm không được truyền thông. Điều đó càng khẳng định thêm mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là tương hỗ và rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Các chuyên gia truyền thông gọi quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ “kỳ cục và phức tạp”, cần đến nhau và phản biện với nhau, vừa cộng sinh, vừa tranh đấu.
Nên đôi khi, nhà báo chân chính muốn tạo “hàng rào” với doanh nghiệp vì sợ mang tiếng bị doanh nghiệp chi phối; ở chiều ngược lại, doanh nhân cũng sợ báo chí phản ánh không tốt và muốn né tránh.
Thực tế cho thấy, những sự hiểu lầm hay khủng hoảng truyền thông đều xuất phát từ sự thiếu thốn thông tin. Để xây dựng mối quan hệ với báo chí, các doanh nghiệp, doanh nhân cần chiến lược minh bạch thông tin về quy trình sản xuất sản phẩm, bảo vệ môi trường… Nếu thông tin minh bạch, thì báo chí có thể dễ dàng tiếp cận, tránh được tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai thông tin.
Đặc biệt, khi doanh nhân minh bạch, họ cũng sẽ chủ động tìm đến những tờ báo chính thống để cùng bắt tay tạo nên những câu chuyện truyền cảm hứng tốt đẹp.