Thị trường cổ phiếu các nước phát triển tuần qua rung lắc mạnh khi các bê bối chính trị được hé mở. Kết thúc phiên giao dịch 18/5, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1,19%, S&P500 mất 1,11% và Nasdaq Composite giảm 1,21% so với mức đóng cửa tuần trước.
Theo trang tin NBC News, cựu Giám đốc FBI James Comey đã công bố một bản ghi âm, trong đó Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông dừng mọi điều tra liên quan tới cựu chuyên gia tư vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ, vì nếu một luật sư được cử đi điều tra về vụ việc và có thêm nhiều bê bối bị phanh phui, các đạo luật của Tổng thống Donald Trump liên quan đến thuế, chăm sóc sức khỏe và kích thích chi tiêu công nhiều khả năng sẽ đổ bể.
Mặc dù các con số về lợi nhuận doanh nghiệp là khá thuyết phục, giới tài chính vẫn lo ngại vụ việc có thể tạo ra rủi ro hệ thống. Dù sao thì các lo ngại cũng lắng dịu trong phiên giao dịch 18/5, giá cổ phiếu phục hồi sau phiên bán tháo liền trước.
Thị trường cổ phiếu khu vực châu Âu tỏ ra bi quan hơn, chỉ số DAX của Đức, CAC của Pháp và Euro Stoxx 50 đều sụt giảm trên 2%. Số liệu kinh tế của khu vực tích cực hơn cộng với kết quả bầu cử Tổng thống Pháp đã giúp cho đồng Euro tăng giá khoảng 2,73% so với USD.
Cặp tiền tệ EUR/USD đang giao dịch ở mức 1,11 và có thể hướng đến ngưỡng 1,15 trong tương lai gần. Thị trường cổ phiếu nhiều khả năng phản ứng tiêu cực với sự mạnh lên của đồng Euro vì châu Âu là đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Tuần qua, giá chứng chỉ quỹ iShares MSCI đầu tư vào thị trường mới nổi mất giá 3,75% do thị trường thành viên là Brazil bị bán tháo.
Chỉ số Bovespa của thị trường Brazil mất 8,8% khi bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Michel Temer đang khiến không ít người dân Brazil phẫn nộ. Trong khi đó, cổ phiếu Trung Quốc với tỷ trọng lớn trong danh mục thị trường mới nổi của MSCI vẫn đang phục hồi chậm.
Giới đầu tư chưa hết bi quan với chính sách kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, mặc dù các chuyên gia kinh tế ủng hộ quyết định này sau khi nền kinh tế tăng trưởng trong quý I/2017.
Một diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là sự mạnh lên của giá trái phiếu chính phủ Mỹ, kim loại quý, Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ và Euro. Đây hầu hết là các tài sản trú ẩn an toàn mỗi khi thị trường trở nên khó đoán định hoặc là tài sản chống lạm phát.
Giá vàng đang được hỗ trợ bởi sự yếu đi đáng kể của USD và giá lương thực và dịch vụ. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ xu hướng giá của kim loại quý vì đó là thước đo của thị trường về lạm phát kỳ vọng và sự ổn định của nền kinh tế.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam tuần qua nổi bật trong khu vực và trong số các thị trường cận biên. Sau đánh giá lạc quan của Ngân hàng HSBC và việc hãng xếp hạng Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam từ ổn định sang tích cực, tâm lý của thị trường trở nên tích cực.
Hầu hết các nhóm ngành đều tăng giá trong tuần qua, trong đó cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, dược, vận tải, cảng biển, dệt may, khoáng sản, xây dựng tăng giá mạnh. Cổ phiếu thép, đường, bất động sản và phân bón giảm giá.
Sự dịch chuyển của dòng tiền ra khỏi cổ phiếu bất động sản trong tuần qua một phần do chính sách điều chỉnh tỷ lệ cho vay ở các công ty chứng khoán Top đầu, thay vì những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Vì vậy, khi giá cổ phiếu nhóm ngành này điều chỉnh mạnh, đây là cơ hội mua tốt. Chiến lược nắm giữ vẫn thể hiện hiệu quả hơn so với giao dịch ngắn hạn, thể hiện ở lợi suất rất cao của cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dược và điện kể từ đầu năm.