Tuần qua không phải là quãng thời gian tích cực đối với thị trường chứng khoán châu Á, trong đó, thị trường Trung Quốc và Úc nằm trong nhóm giảm mạnh của khu vực. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,64%, ASX 200 của Úc giảm 1,48% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Theo các chuyên gia, một lý do dẫn tới tâm lý bi quan của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là sự sụt giảm đồng loạt của giá hàng hóa.
Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu Brent trên sàn giao dịch London giảm 5,79%, quặng sắt trên sàn giao dịch New York giảm giá 6,06%. Giá đồng cũng giảm khoảng 2,7%.
Do Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ hàng đầu đối với các mặt hàng kim loại và năng lượng, còn Úc là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất, giá các loại hàng hóa này liên tục suy yếu đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế này kém khả quan trong mắt giới đầu tư.
Thực tế, cuộc khủng hoảng của giá dầu đã kéo sang tuần thứ ba liên tiếp, khi dầu Brent đánh mất ngưỡng tâm lý quan trọng ở mức 50 USD/thùng, bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhiều khả năng sẽ đưa ra tuyên bố kéo dài chương trình cắt giảm sản lượng sang nửa sau của năm 2017, tại kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 tuần tới.
Tuần qua, thị trường cổ phiếu châu Âu tiếp tục giao dịch trong tâm lý lạc quan, giới đầu tư đang hướng về vòng quyết định cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 7/5.
Các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, ứng viên Macron nhận được tỷ lệ ủng hộ cao hơn đáng kể so với ứng viên Le Pen.
Yếu tố này giúp chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 1,33%, chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp tăng 1,93% lên mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ số chứng khoán khu vực Euro Stoxx 50 tăng 1,92%.
Ở một diễn biến khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quan điểm cho thấy, cơ quan này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt và nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6, bất chấp sự suy yếu tạm thời của kinh tế Mỹ trong quý I/2017.
Lợi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên mức 2,365%, trong khi kỳ hạn 30 năm là 3,0%. Giới đầu tư cổ phiếu phản ứng tích cực với quan điểm của Fed vì điều này cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và đi đúng hướng.
Thị trường cổ phiếu trong nước tuần qua tiếp tục ổn định, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,32%. Dòng tiền đầu cơ trên thị trường vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên tăng nhẹ giúp chỉ số VN-Index duy trì xu hướng tăng.
Nhóm ngành bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, điện, phân bón và vận tải tiếp tục nằm trong nhóm tăng giá mạnh nhất, trong khi cổ phiếu thủy sản, dầu khí và cao su chế biến giảm giá mạnh.
Thị trường tiếp tục thể hiện tính chất của xu hướng tăng yếu bắt đầu từ năm 2017, trong đó dòng tiền đầu cơ chủ yếu mua vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ thuộc các nhóm ngành đi sau xét trong một chu kỳ kinh tế, ví dụ nhóm bất động sản, thép và khoáng sản.
Chúng tôi tiếp tục theo đuổi chiến lược nắm giữ đối với các nhóm ngành bất động sản, chứng khoán và ngân hàng, vì nhận định khoảng thời gian tới thị trường sẽ trống thông tin và ít biến động. Chiến lược giao dịch ngắn hạn sẽ khó phát huy hiệu quả trong thời gian tới.