Thị trường chứng khoán Mỹ vừa có một tuần điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm từ đầu năm 2017. Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm ngày 23/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,23%, S&P500 giảm 1,36% và Russell 2000 giảm 2,74%.
Áp lực bán tập trung ở nhóm tài chính - ngân hàng, trong đó chứng chỉ quỹ SPDR đầu tư vào nhóm tài chính (XLF) giảm 3,6%, nhóm ngân hàng (KRE) giảm 6,28%. Cổ phiếu các công ty kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có thời điểm giảm 3,77% trước khi phục hồi trong phiên cuối tuần.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra “tối hậu thư” cho các nghị sĩ Đảng Cộng hòa về việc bỏ phiếu cho dự luật mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hoặc quay trở lại với “chương trình Obamacare” (tức sẽ giữ nguyên Đạo luật chăm sóc sức khoẻ phù hợp được Tổng thống tiền nhiệm là Obama phê chuẩn từ 7 năm trước).
Giới đầu tư đang nín thở chờ kết quả bỏ phiếu, vì đây là một trong những kế hoạch hành động mà ông Donald Trump tỏ ra cứng rắn và sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của những người ủng hộ kể từ khi chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ bắt đầu. Diễn biến của nhóm cổ phiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe (XLV) đang cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào khả năng thành công là rất lớn.
Trong tuần qua, giá dầu thô tiếp tục yếu do tình trạng dư cung trên toàn thế giới chưa có dấu hiệu cải thiện tích cực. Những thông tin hỗ trợ như Ả Rập Xê út cắt giảm nguồn cung cho thị trường Mỹ không giúp tâm lý thị trường lạc quan hơn. Giá hợp đồng tương lai dầu Brent trên sàn châu Âu giảm 1,76%.
Giá cổ phiếu của các công ty năng lượng cũng kéo dài chuỗi mất giá, chứng chỉ quỹ SPDR đầu tư vào nhóm này đã giảm liên tục trong 3 tháng và mất khoảng 10% giá trị trong thời gian này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về đầu cơ đánh giá, nhóm cổ phiếu năng lượng có khả năng sớm phục hồi vì giá đang ở gần vùng hỗ trợ.
Tuần qua, các thị trường chứng khoán mới nổi thể hiện tốt hơn hẳn so với các thị trường phát triển và cận biên. Giá chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào thị trường mới nổi (EEM) tăng 0,56%, trong khi thị trường phát triển giảm giá. Trung Quốc, Đông Nam Á và Hàn Quốc là những thị trường chứng khoán tăng giá tốt nhất trong nhóm này. Diễn biến của dòng vốn đầu tư cho thấy, cổ phiếu vẫn được ưa chuộng trong số các tài sản rủi ro.
Một diễn biến đáng chú ý không kém là trái phiếu chính phủ của các nước phát triển tăng giá, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất chiết khấu lên 0,75 - 1%/năm trong thứ Tư tuần trước đó. Thông điệp kém mạnh mẽ của Fed trong việc nâng lãi suất và sự kém tự tin về tăng trưởng kinh tế Mỹ được thể hiện trong lần nâng lãi suất này.
Theo đó, giới đầu tư đổ tiền vào trái phiếu và khiến lợi suất trái phiếu giảm mạnh. Họ cũng cho rằng, lợi suất giảm sẽ làm giảm lãi suất các khoản cho vay của ngân hàng. Đây là lý do giải thích cho sự sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu tài chính - ngân hàng trong tuần qua.
Tuy vậy, chúng tôi nhận định, những phản ứng ngắn hạn của giới đầu cơ có thể không đứng vững trong xu hướng đi lên của lãi suất trong dài hạn và sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Lợi suất sẽ tăng trở lại và USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác trong dài hạn.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua, sau phiên rung lắc phản ứng với sự sụt giảm của chứng khoán thế giới, thị trường tiếp tục giao dịch lạc quan trong 2 phiên cuối tuần. Thanh khoản thị trường duy trì trên 4.000 tỷ đồng/phiên và số lượng cổ phiếu duy trì xu hướng tăng giá thường xuyên chiếm quá nửa thị trường là dấu hiệu cho thấy, xu hướng chung là đi lên.
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm giúp VN-Index vượt ngưỡng cản tâm lý ở vùng 720 điểm, trong khi cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, vậy liệu xây dựng tạm thời điều chỉnh hoặc đứng giá. Chúng tôi vẫn lạc quan với các nhóm ngành này và theo đuổi chiến lược mua khi điều chỉnh và nắm giữ.