Điểm nhấn của tuần giao dịch vừa qua là việc Petrolimex lên sàn và phiên cuối tuần, thanh khoản tăng đột biến, với hơn 6.500 tỷ đồng được chuyển nhượng. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận đóng góp 69,4 triệu đơn vị, giá trị 3.115 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng giá trị giao dịch trên thị trường trong phiên cuối tuần, trong đó chủ yếu đến từ việc khối ngoại sang tay nhau.
Riêng 60 triệu cổ phiếu MSN được sang tay đã đóng góp giá trị hơn 2.523 tỷ đồng.
Ngoài điểm nhấn trên, nhìn chung tuần qua, thị trường cổ phiếu Việt Nam tiếp tục giao dịch yếu, chỉ số VN-Index giảm điểm và thanh khoản đi xuống. Tâm lý thị trường phân hóa, các nhóm ngành ngân hàng, thép và dầu khí tiếp tục chịu sức ép bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cổ phiếu xây dựng và bất động sản thể hiện tích cực và giữ giá tốt hơn mức trung bình thị trường.
Kết quả kinh doanh quý I cũng là yếu tố tạo ra phân hóa mạnh, cổ phiếu chứng khoán và bất động sản bắt đầu công bố kết quả tích cực và được dòng tiền hỗ trợ tốt mỗi khi điều chỉnh.
Chúng tôi nghĩ tín hiệu này hàm ý rằng, đây sẽ tiếp tục là những nhóm ngành tăng giá tốt nhất khi tâm lý của thị trường lạc quan trở lại, đặc biệt là khối cổ phiếu chứng khoán khi hàng loạt CTCK như SSI, VND, MBS… công bố kết quả quý I rất khả quan.
Trên bình diện quốc tế, tuần qua, diễn biến trên thị trường cổ phiếu ổn định trở lại khi căng thẳng chính trị ở Trung Đông và bán đảo Triều Tiên dịu bớt.
Chứng khoán Mỹ phục hồi, chỉ số S&P500 và Nasdaq lấy lại hầu hết số điểm đã mất trong tuần trước đó, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones phục hồi nhẹ. Cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ trên thị trường Mỹ có mức tăng tốt hơn nhóm vốn hóa lớn.
Các nhóm ngành xây dựng nhà, bất động sản, tài chính, công nghiệp, vật liệu, công nghệ và hàng tiêu dùng lâu bền đều tăng giá tốt hơn mức trung bình thị trường. Nhóm hàng thiết yếu, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe tăng nhẹ. Cổ phiếu năng lượng giảm giá mạnh do sức ép từ kết quả kinh doanh quý I kém tích cực và giá dầu Brent rơi gần 4,9%.
Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh rơi mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/4 theo sau sự tăng giá mạnh của đồng Bảng Anh so với đồng USD, bởi đồng tiền mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên báo cáo tài chính của các tập đoàn Anh quốc. Thủ tướng Anh Theresa May gây bất ngờ cho giới tài chính khi tuyên bố cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 6, sớm hơn so với kế hoạch.
Thị trường tiền tệ đã phản ứng tích cực với tuyên bố này, vì bà May nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử và củng cố sức mạnh của Đảng Bảo thủ trước khi bước vào đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU).
Cần phải nói thêm rằng, có rất nhiều vị thế bán khống cặp tỷ giá GBP/USD ở vùng 1,25 và việc đồng Bảng Anh không giảm giá thêm đã gây sức ép khiến giới đầu cơ đóng vị thế, giúp đồng tiền này có lúc tăng giá lên 1,29 USD.
Nhìn chung, giao dịch trên thị trường cổ phiếu tuần qua không quá sôi động, các “con mắt” đều hướng về vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ở Pháp, bắt đầu ngày 23/4. Sở dĩ cuộc bầu cử này được các chuyên gia đánh giá quan trọng vì Pháp là nền kinh tế lớn thứ 2 của EU và một trong 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính phủ của họ có đủ quyền lực để ảnh hưởng đến kinh tế và chính trị trong nước, vì vậy, có thể định hình tương lai của EU. Hai trong số bốn ứng viên tiềm năng đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về việc đưa Pháp rời EU ngay sau khi trúng cử là bà Marine Le Pen của Đảng Cực hữu và ông Jean-Luc Melenchon của Đảng Cực tả.
Nếu hai ứng viên này bước tiếp vào vòng thứ hai diễn ra ngày 7/5, giới phân tích cho rằng, đó sẽ là một kịch bản xấu cho EU và đồng Euro.