Những nhịp điều chỉnh là cơ hội mua với giá thấp

(ĐTCK) Thị trường cổ phiếu thế giới tiếp tục có một tuần bứt phá mạnh mẽ và tâm lý lạc quan lan tỏa tương đối rộng.
Những nhịp điều chỉnh là cơ hội mua với giá thấp

Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm (16/2), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,73%, S&P 500 tăng 1,34% và Nasdaq Composite tăng 1,95%.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục dẫn đầu xu hướng tăng giá cổ phiếu trên toàn cầu và có sức hút rất lớn với dòng vốn.

Lý giải cho hiện tượng này, tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho rằng: “Các thành viên thị trường đang dự đoán việc thay đổi chính sách tài khóa sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp, từ đó tác động lên thị trường chứng khoán”.

Cũng trong buổi điều trần, bà Yellen còn cho biết: “Trì hoãn việc nâng lãi suất không phải là lựa chọn thông minh”.

Các nhà phân tích cho rằng, hàm ý của bà Yellen là kinh tế tăng trưởng và lạm phát tăng cho thấy, không còn lý do gì để duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay thêm nữa và Fed có thể tăng lãi suất sớm trong kỳ họp tháng 3.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng thiết yếu, tiêu dùng lâu bền, công nghiệp và dược đều nằm trong nhóm tăng giá tốt hơn chỉ số trung bình thị trường. Cổ phiếu vật liệu cơ bản, xây dựng và năng lượng nằm trong nhóm tăng chậm, hoặc bị áp lực bán.

Các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á cũng có một tuần tăng giá, theo đó kéo dài xu hướng tăng kể từ cuối năm 2016.

Thị trường tương lai các loại hàng hóa nhìn chung giữ được xu hướng tăng, dẫn dắt bởi các kim loại quý (vàng và bạc), kim loại trong sản xuất công nghiệp như nhôm, quặng sắt và một số hàng hóa nông nghiệp như lúa mì và bắp. Các hàng hóa như đồng, than, sợi cotton, đường và cao su tự nhiên điều chỉnh.

Giá dầu thô đang gặp khó khăn vì thiếu thông tin hỗ trợ. Giới đầu tư đang lo ngại trạng thái dư cung có thể nghiêm trọng hơn vì tồn kho của thị trường Mỹ tăng mạnh trong năm 2017. Trong khi đó, số liệu cắt giảm sản lượng của OPEC không ấn tượng, vì trước khi cắt giảm, một số quốc gia trong nhóm đã có động thái kỹ thuật tăng mạnh sản lượng.

OPEC đã tạo được tâm lý lạc quan ban đầu trên thị trường tương lai dầu mỏ, nhưng giờ đây, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy thực tế dư cung vẫn chưa thực sự được giải quyết. Như vậy, sự neo giá của dầu đang tiềm ẩn rủi ro giảm giá trên góc độ tâm lý.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua nằm trong nhóm lạc quan, chỉ số VN-Index tăng 0,58% và lập mức cao nhất (711,57 điểm - mức đóng cửa phiên 15/2) kể từ đáy khủng hoảng năm 2009. Số lượng cổ phiếu giao dịch cũng gần đạt đến mức kỷ lục, chủ yếu do cổ phiếu thị giá thấp phục hồi mạnh và thanh khoản tăng đột biến. Xu hướng tăng giá hiện tại bắt đầu có đặc điểm của một thị trường tăng trưởng nóng, khi cổ phiếu nhỏ tăng giá mạnh, bất chấp nền tảng cơ bản khó khăn.

Cổ phiếu ngân hàng nổi bật nhờ sự bứt phá mạnh của CTG, MBB và STB, trong khi VCB, BID và ACB lại suy yếu. Xu hướng tăng của cổ phiếu ngân hàng đã định hình, nên chúng tôi kỳ vọng sự điều chỉnh tạm thời sẽ không gây ra rủi ro lớn cho thị trường trong một vài tuần tới. Những nhịp điều chỉnh trước mắt được nhìn nhận là cơ hội mua với giá thấp.

Với một tuần giảm nhẹ, cổ phiếu thép đang bắt đầu một giai đoạn khó khăn khi không duy trì được xu hướng tăng giá và lợi suất đủ tốt để giữ chân nhà đầu tư. Chúng tôi thấy rằng, dòng tiền đầu cơ đang muốn rút lui khỏi nhóm này và hoạt động đó sẽ tiếp diễn trong tuần này.

Nhìn chung, thị trường sẽ cần thêm một bước điều chỉnh, trước khi có thể tạo một sóng tăng khác. Do đó, chiến lược giao dịch ngắn hạn có thể sẽ phát huy lợi thế so với chiến lược nắm giữ trong những ngày tới, dù không nhiều.

CTCK VNDIRECT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục