Tuần giao dịch vừa qua, trên nhiều thị trường tài chính thế giới, cổ phiếu tiếp tục là tài sản được ưa chuộng trong số các nhóm tài sản như trái phiếu, hàng hóa và ngoại tệ.
Dòng tiền dịch chuyển vào tài sản là cổ phiếu tiếp tục giúp nhóm này duy trì xu hướng tăng giá kể từ đầu năm 2017. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P500 là thước đo hiệu quả của tài sản này đang đạt lợi suất 6%, trong khi giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 - 10 năm có lợi suất khoảng 0,9%, biến động rất nhỏ.
Chỉ số giá cả hàng hóa đo bởi Goldman Sachs Commodity Index đạt lợi suất khoảng 3%, trong khi USD giảm giá khoảng 2,23% so với thời điểm đầu năm. Trong số các ngoại tệ mạnh, Bảng Anh đang có lợi suất tốt nhất, đạt mức 5,74%, tiếp theo là Euro với mức tăng 2,85% so với USD.
Xét giữa các nhóm thị trường, các thị trường mới nổi và cận biên thực chất đạt hiệu suất đầu tư tốt hơn thị trường phát triển. Giá chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào thị trường mới nổi và cận biên đã tăng giá 16%, thị trường phát triển tăng giá khoảng 10,5% kể từ đầu năm.
Tuần qua, dòng tiền tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Đông Nam Á và Mỹ Latin, sau khi thị trường châu Âu và Mỹ đã có một tuần giao dịch lạc quan với kết quả bầu cử Tổng thống Pháp.
Thị trường Trung Quốc là một ngoại lệ, chỉ số chứng khoán Thượng Hải có tuần giảm điểm 0,56%, kéo dài chuỗi giảm điểm kể từ đầu tháng 4/2017.
Giới đầu tư ở quốc gia này đang lo ngại chính sách thắt chặt quản lý tín dụng của Ngân hàng Trung ương có thể gây sốc cho thị trường trái phiếu và bất động sản. Đồng thời, niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang lung lay vì số liệu sản xuất công nghiệp tháng 4 kém thuyết phục.
Về sự dịch chuyển của các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán, lĩnh vực xây dựng nhà ở, công nghiệp, công nghệ, chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng lâu bền giữ được xu hướng tăng và lợi suất đầu tư tốt hơn mức trung bình thị trường.
Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và tài chính tạm thời suy yếu. Nhóm ngành dịch vụ và hàng tiêu dùng thiết yếu đạt mức lợi suất tương đương thị trường và xu hướng tăng ổn định.
Như vậy, các nhóm ngành nhạy với tăng trưởng kinh tế như xây dựng nhà ở, tiêu dùng lâu bền, công nghiệp và tài chính ngân hàng nhìn chung đang thể hiện tốt, cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng đúng hướng.
Liên quan đến thị trường hàng hóa, tuần qua, giá hợp đồng tương lai nhôm và bông tăng, trong khi giá quặng sắt, đường và dầu thô tiếp tục giảm.
Giá vàng kể từ đầu năm 2017 biến động mạnh, nhưng cuối cùng chỉ duy trì mức tăng tương đương với chỉ số chứng khoán Mỹ. Giá cả các loại lương thực và dịch vụ có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 4, tuy nhiên lạm phát vẫn chưa phải là mối lo ngại lớn nên giá kim loại quý có mức tăng không cao.
Tại Việt Nam, thị trường cổ phiếu tuần qua không nằm ngoài xu hướng biến động của thế giới. VN-Index duy trì xu hướng tăng nhẹ và dòng tiền tiếp tục đẩy nhiều nhóm ngành tăng giá mạnh và giao dịch sôi động như bất động sản, chứng khoán, điện. Đây phần lớn là các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ nên ít tác động lên chỉ số.
Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, khoảng thời gian sau mùa đại hội đồng cổ đông thường thiếu thông tin nên xác suất xảy ra đột biến giao dịch thấp, các giao dịch đầu cơ ngắn hạn thường không hiệu quả hơn so với giữ trạng thái cổ phiếu đối với những nhóm ngành có tăng trưởng đề cập phía trên.