Cơ hội hấp dẫn với thị trường tiêu dùng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2 - 7%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030 và tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhìn từ khía cạnh bán lẻ và tiêu dùng.
Với dân số khoảng 100 triệu người, mức chi tiêu trung bình của người dân có xu hướng tăng lên, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và đầy tiềm năng . Ảnh: Đức Thanh Với dân số khoảng 100 triệu người, mức chi tiêu trung bình của người dân có xu hướng tăng lên, Việt Nam là một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và đầy tiềm năng . Ảnh: Đức Thanh

Theo báo cáo công bố vào tháng 5/2023 của McKinsey, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, người tiêu dùng Việt Nam vẫn duy trì sự lạc quan về kinh tế và thuộc nhóm lạc quan nhất trong số các nước trên thế giới.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng trong nước rất mạnh mẽ, chiếm khoảng 55% GDP và trở thành một trong 2 động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam (cùng với hoạt động sản xuất, chiếm khoảng 25% GDP). Sự lạc quan của người tiêu dùng, kết hợp tốc độ gia tăng của tầng lớp trung lưu cho thấy, Việt Nam là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng và đây chính là những yếu tố hàng đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bùng nổ tiêu dùng tại ASEAN

Tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam những năm vừa qua là kết quả tất yếu, đặt trong trong bối cảnh thuận lợi của khu vực ASEAN. Theo báo cáo “Triển vọng Kết nối thương mại Á - Âu 2023: Tăng cường kết nối mạnh mẽ” của HSBC, trong 10 năm (2011 - 2021), tăng trưởng GDP của ASEAN đạt 30%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn cầu (23%). Tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy tiêu dùng của toàn khu vực.

HSBC dự báo, đến năm 2030, toàn ASEAN sẽ sở hữu dân số 723 triệu người với GDP đạt giá trị 4.500 tỷ USD. Bên cạnh đó, những yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của khu vực bùng nổ chính là tốc độ đô thị hóa, hệ sinh thái phát triển dành cho các xu hướng số, sự gia tăng của các thành phố cấp 2, các dịch vụ giá trị gia tăng cao và thương mại xuất khẩu.

Đặc biệt, nền kinh tế số của ASEAN năm 2022 đã đạt 200 tỷ USD xét về tổng giá trị hàng hóa và dự kiến tăng lên mức 330 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, các lĩnh vực tăng trưởng cao hỗ trợ cho nền kinh tế số bao gồm thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận chuyển, truyền thông trực tuyến.

Những yếu tố này góp phần tạo nên một ASEAN năng động, một khu vực kinh tế lớn thứ năm toàn cầu với mức độ tăng trưởng nhanh hơn bất cứ khu vực kinh tế châu Á nào.

Vị thế của Việt Nam

Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, tính đến năm 2021, năm nền kinh tế đứng đầu ASEAN, bao gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, chiếm đến 84% GDP và 72% dân số của toàn khu vực.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam là một “ứng cử viên” đầy tiềm năng cho kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa đối với các nhà đầu tư quốc tế trong chiến lược đa dạng hóa các thị trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt hơn 4.100 USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Mức chi tiêu trung bình hằng tháng của mỗi người dân Việt Nam tăng khoảng 74% trong giai đoạn 2012 - 2022, từ 1.603.000 đồng lên 2.795.000 đồng.

Xét về mức độ hồi phục tiêu dùng sau đại dịch, trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, cùng với Malaysia, Việt Nam đạt mức tăng 20% so với thời điểm trước Covid-19, trở thành nền kinh tế có mức độ hồi phục bán lẻ dẫn đầu khu vực ASEAN, theo Báo cáo của HSBC. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ năm 2022 tăng 15% so với năm 2019.

Dữ liệu của HSBC Việt Nam cũng cho thấy xu hướng tăng chi tiêu qua thẻ. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2022, chi tiêu của khách hàng cá nhân từ thẻ tín dụng HSBC tăng khoảng 50% và tiếp tục tăng ở mức 2 con số trong năm 2023. Trong đó, chủ yếu là tăng chi tiêu cho du lịch, giải trí, mua sắm, sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp.

Dự báo từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu cao (nhóm người dân có thu nhập 50 - 110 USD/ngày) ở Việt Nam dự kiến tăng trung bình 17%, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới, vượt qua Đức và Anh.

Xu hướng tương lai

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Giới trẻ ngày càng quen thuộc với các hình thức gọi món ăn hoặc đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử và thanh toán dễ dàng qua thẻ hoặc mã QR.

Theo Insider Intelligence, năm 2023, dự kiến có 63,8 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam và con số này sẽ tăng lên 67,3 triệu người vào năm 2026, chiếm 96,9% lượng người dùng Internet của cả nước. Đây là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Chỉ với một cú click, người tiêu dùng có thể đặt hàng ở bất cứ ở đâu, vào bất cứ thời gian nào.

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố cho thấy, năm 2022, thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng 20%. Năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022; giá trị mua sắm của mỗi người dân ước đạt 300 - 320 USD.

Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam

Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam

Nếu như năm 2015, nền kinh tế Internet của Việt Nam chỉ đạt quy mô 3 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã lên tới 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD.

Trong đó, mua sắm trực tuyến chiếm tỷ trọng lớn nhất (60%), tiếp theo là quảng cáo, phương tiện và trò chơi (18%), dịch vụ xe công nghệ và giao đồ ăn (13%), du lịch trực tuyến (9%). Đây là “miếng bánh” hấp dẫn mà các nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua. Báo cáo “Triển vọng Kết nối thương mại Á - Âu 2023: Tăng cường kết nối sâu sắc” cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Indonesia là 2 nền kinh tế số thu hút đầu tư dài hạn nhiều nhất ASEAN, minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng của 2 thị trường này.

Một yếu tố tiềm năng khác mà các tổ chức tài chính không nên bỏ qua, đó là số dư nhàn rỗi trong tài khoản của người Việt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi tiêu trung bình hằng tháng của mỗi người Việt năm 2012 chiếm đến 80% thu nhập bình quân hằng tháng của họ. Đến năm 2022, mức chi tiêu của người dân tăng lên, nhưng chỉ chiếm 60% thu nhập. Kinh tế tăng trưởng, thu nhập tăng, nhưng giá cả được kiểm soát tốt giúp người dân dư dả hơn, từ đó mở rộng nhiều cơ hội cho đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, nhận thức về tài chính và dân trí ngày càng cao, cùng với công nghệ tiên tiến giúp người dân dễ dàng tiếp cận kiến thức và thông tin về tài chính cá nhân. Nếu các tổ chức tài chính nắm bắt tốt cơ hội này, những lợi ích cụ thể mà họ đạt được sẽ vô cùng to lớn.

Là một tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu với mạng lưới rộng khắp, HSBC luôn sẵn sàng và nỗ lực để kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia những lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, đồng thời giúp người dân Việt Nam sử dụng các công cụ đầu tư tài chính cá nhân hiệu quả, mang lại lợi ích cho họ, cũng như góp phần xây dựng thị trường tài chính của đất nước.

(*) Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam

Pramoth Rajendran (*)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục