Mặc dù chỉ có khoảng nửa buổi chiều ngày hôm qua (21/3/2016) để thảo luận về Dự thảo Luật báo chí sửa đổi. Nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới quy định đối với những hành vi cấm trong hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của nhà báo.
Theo quy định của Dự thảo Luật báo chí sửa đổi, thì có 12 nhóm hành bị cấm đối với hoạt động báo chí. Phát biểu dưới cái nhìn của một luật gia, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, quy định các điều cấm đối với hoạt động báo chí quá rộng, rất mông lung vì thế, nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn xử phạt thì bất cứ cơ quan báo chí nào cũng có thể “dính đòn”.
“Cần phải quy định cụ thể các điều cấm trong hoạt động báo chí để không chỉ tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng định hướng, đúng luật, mà còn thể hiện được quyền tiếp cận thông tin trên báo chí đã được hiến định”, ông Nghĩa đề xuất.
Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ông Hà Minh Huệ nêu hiện tượng mà được ông gọi là “nhà báo hai mặt”. Đó là những người viết cho báo chí chính thống thì viết đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích. Nhưng khi viết blog, facebook, mạng xã hội thì viết sai sự thật, thậm chí xuyên tạc sự thật. Trong khi đó người đọc chỉ hiểu rằng nhà báo đó viết chứ không phân biệt được tác phẩm báo chí và thông tin mạng cá nhân dù cá nhân đó là nhà báo".
"Nhà báo hai mặt" là những người viết cho báo chí chính thống thì viết đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích. Nhưng khi viết blog, facebook, mạng xã hội thì viết sai sự thật, thậm chí xuyên tạc sự thật.
Từ thực tế nghề nghiệp, nhà báo Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (Đại biểu TP.HCM) cho biết, hiện có sự phân biệt đối xử của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức với cơ quan báo chí, giữa cơ quan báo chí “ruột” và các cơ quan báo chí còn lại khiến nhiều cơ quan báo chí rất khó hoạt động.
Vì vậy, bà Trang đề nghị phải bổ sung quy định cấm không được phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin giữa các cơ quan báo chí để bảo đảm sự bình đẳng trong hoạt động thông tin.
Người phát ngôn né tránh... phát ngôn
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (TP. Đà Nẵng), phát ngôn của cơ quan quản lý nhà nước thông qua họp báo định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc đột xuất đã được thực hiện gần 10 năm. Đây là nguồn thông tin chính thống để thông qua báo chí, cơ quan, tổ chức muốn gửi đến hoặc giải thích cho xã hội hiểu sự việc đang diễn ra hoặc những việc mà cơ quan, tổ chức đang thực hiện. Nhưng trên thực tế có hiện tượng đã trở nên phổ biến là cơ quan nhà nước luôn tìm cách né tránh, không trả lời những vấn đề nhạy cảm đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là thông tin tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí của địa phương, cơ quan, đơn vị.
“Thực tế cho thấy ở nhiều cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, người phát ngôn nắm các hoạt động của đơn vị rất chung chung, đại khái nên trả lời hời hợt, không đáp ứng được sự mong mỏi của dư luận xã hội. Trong khi, người nắm rõ nội tình lại không được quyền phát ngôn hay trả lời báo chí. Vì vậy phải có quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong trả lời, phát ngôn với báo chí, tránh tình trạng trả lời chung chung, vô thưởng, vô phạt”, bà Thúy đề nghị.
Để tránh tình trạng cung cấp thông tin cho báo chí theo kiểu “làm cho xong”, Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị phải đưa quy định: “cấm không cung thông tin hoặc cung cấp thông tin không đúng sự thật, né tránh trả lời”. Ngoài ra cũng phải luật hóa quy định trong thời gian bao lâu sau khi cơ quan báo chí có công văn yêu cầu trả lời thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm trả lời.
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật báo chí sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình khi mà quyền của báo chí “nhẹ hều” thì trách nhiệm là quá lớn lao.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý không đồng tình với quy định báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu. Ngoài ra, cơ quan báo chí còn có trách nhiệm trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.
Với quy định này, bà Thúy cho rằng, bất cứ cơ quan báo chí nào cũng có thể vi phạm vì không có đủ thời gian, nhân lực trả lời toàn bộ đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. “Hơn nưa, một vụ việc thường được công dân gửi tới nhiều cơ quan báo chí khác nhau. Nếu cơ quan nào cũng trả lời sẽ dẫn tời lãng phí không cần thiết. Còn nếu muốn đăng phát kiến nghị, phê bình… thì phải điều tra, làm rõ mất rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí, nếu cứ đăng, phát báo chí sẽ bị lợi dụng vì không ít thông tin khiếu nại, tố cáo là thông tin vu khống, bôi nhọ tổ chức, cá nhân”, bà Thúy nhấn mạnh.