Quản lý truyền thông xã hội bằng luật

Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) tiếp tục bảo lưu quan điểm không chế tài trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐT) trong Luật Báo chí sửa đổi. Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tới đây thì trang TTĐT chỉ bị điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Vấn nạn vi phạm tác quyền báo chí từ các trang thông tin điện tử đã đẩy các cơ quan báo chí vào cảnh khó khăn Vấn nạn vi phạm tác quyền báo chí từ các trang thông tin điện tử đã đẩy các cơ quan báo chí vào cảnh khó khăn

Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, trang TTĐT chỉ được cung cấp thông tin trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức. Để được cấp phép thành lập trang TTĐT, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệpphải có văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí, kể cả báo điện tử nào cho phép trang TTĐT sao chép lại tin, bài, video clip. Bởi cơ quan báo chí nào cũng hiểu rằng, nếu cho phép truyền thông xã hội sử dụng tác phẩm báo chí của mình thì sẽ giảm lượng truy cập, giảm lượng phát hành và giảm quảng cáo, đẩy các tờ báo truyền thống vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không cho phép trang TTĐT tự sản xuất nội dung và các cơ quan báo chí, kể cả báo điện tử không cho phép trang TTĐT sử dụng tác phẩm báo chí của mình, nhưng trên thực tế, trong số hơn 1.600 trang TTĐT hiện nay, hiếm có đơn vị nào không tự ý sao chép, “chôm chỉa”, thậm chí tự ý tổng hợp, thêm bớt, cắt gọt, sửa tít… tác phẩm báo chí, chỉ cốt để giật gân, câu độc giả, thu hút quảng cáo.Nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý báo chí khó có thể ngăn chặn được tình trạng này do số lượng trang TTĐT quá nhiều và ngày càng phát triển.

Hiện chỉ có khoảng 1/3 trong tổng số 960 cơ quan báo và tạp chí tự chủ được về tài chính, nhưng thu nhập của đại đa số trong số này rất thấp. Theo thống kê trong mấy năm gần đây, cứ 2 năm số lượng sạp bán báo lại giảm đi một nửa, đồng thời số lượng quảng cáo trên báo chí cũng giảm mạnh.

Tình hình tài chính của rất nhiều cơ quan báo điện tử và truyền hình, phát thanh chính thống cũng nằm trong hoàn cảnh khó khăn, thu nhập của người lao động thấp hoặc rất thấp, không có tích lũy để đầu tư phát triển do lượng truy cập, lượng người xem giảm, khiến doanh thu từ hoạt động quảng cáo giảm mạnh.

Vấn nạn vi phạm tác quyền báo chí không chỉ đẩy các cơ quan báo chí nói chung vào cảnh khó khăn, mà còn khiến xã hội bị “méo mó” dưới góc nhìn của người dân qua phản ánh của truyền thông xã hội.

Bởi để “câu view”, trang TTĐT chủ yếu tổng hợp, xào xáo, cắt xén tin tức theo hướng giật gân, câu khách thiên về việc tuyên truyền mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội. Khi có sự kiện bất bình thường nào đó xảy ra, trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước là đưa có chừng mực hoặc tạm dừng, thì truyền thông xã hội lại cày xới thỏa sức. Vụ thảm sát ở Bình Phước năm 2015 là ví dụ điển hình.

Các trang TTĐT tường thuật đến từng “chân tơ kẽ tóc” của sự việc đau lòng này, khiến xã hội “ngập lụt” trong thông tin về bạo lực, hành vi man rợ, vô nhân tính.

Quản lý truyền thông xã hội bằng cách nào? Đưa vào Luật báo chí sửa đổi thì vô hình trung thừa nhận Việt Nam có báo chí tư nhân. Điều này trái với quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng là không tư nhân hóa báo chí. Nếu tiếp tục quản lý bằng văn bản dưới luật trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP để tăng cường khả năng quản lý thì lại trái với Hiến pháp năm 2013 là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin.

Vì vậy, để thúc đẩy báo chí phát triển theo đúng định hướng, lành mạnh hóa báo chí, trước mắt, Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, trên cơ sở đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí, người dân, theo hướng không đưa chế tài truyền thông xã hội nói chung, trang TTĐT nói riêng vào luật, đồng thời phải khẩn trương trình Quốc hội xây dựng Luật Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục