Không chỉ bị… “ngáng chân” khi vào cửa họp đại hội đồng cổ đông, thực tế tại nhiều kỳ đại hội ở không ít doanh nghiệp cho thấy, tiếng nói của cổ đông nhỏ gần như không được quan tâm.
Không những thế, ông chủ doanh nghiệp, cổ đông lớn còn dễ dàng lấn lướt, chèn ép cổ đông nhỏ. Thị trường hẳn không quên vụ tranh chấp gay gắt giữa nhóm cổ đông nhỏ với CTCP Thủy điện Nà Lơi (mã NLC), trước đây niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), hiện đã sáp nhập vào CTCP Thủy điện Cần Đơn (mã SJD - HOSE), khi nhóm cổ đông này gửi đơn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “tố” dấu hiệu phạm luật tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của NLC.
Theo đó, đại diện cho gần 20 cổ đông nắm giữ 983.300 cổ phần NLC, chiếm 19,6% vốn điều lệ và chiếm 23,47% tổng số cổ phần tham dự đại hội đồng cổ đông của NLC, ông Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội) và ông Nguyễn Như Song (TP.HCM) đã gửi đơn khiếu nại về kết quả họp tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong đó, nội dung khiếu nại chính của nhóm cổ đông này liên quan đến kết quả biểu quyết về phương án sáp nhập NLC vào SJD.
Sự việc bắt nguồn từ việc Tổng công ty Sông Đà là cổ đông lớn, sở hữu 51% số cổ phần có quyền biểu quyết tại NLC và SJD. Là cổ đông có liên quan, nên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức, hoạt động của NLC, thì Tổng công ty Sông Đà không có quyền tham gia biểu quyết tờ trình về phương án sáp nhập NLC vào SJD.
Tuy nhiên, tại Đại hội, đại diện Tổng công ty Sông Đà bất ngờ đề nghị tất cả các cổ đông dự họp (bao gồm cả Tổng công ty) có quyền biểu quyết thông qua các vấn đề trình Đại hội, trong đó có phương án sáp nhập NLC vào SJD. Tuy ông Mạnh và ông Song đại diện cho các cổ đông nhỏ phản đối đề xuất sai luật của Tổng công ty Sông Đà, nhưng cuối cùng, Đại hội vẫn thông qua phương án sáp nhập NLC vào SJD...
Để trả đũa nhóm cổ đông nhỏ vì “tội” dám ra mặt phản đối quyết định của Đại hội, theo phản ánh của nhóm cổ đông nhỏ, Tổng công ty Sông Đà đã không thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ trả cổ tức 18% bằng tiền…
Sự xem nhẹ ý kiến, cũng như quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông còn thể hiện qua nhiều hình thức khác, mà chây ì trả cổ tức là một điển hình. Các cổ đông của CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (mã SDE - HNX) hiện vẫn bị Công ty nợ cổ tức từ các năm 2011, 2012. Tính đến ngày 29/12/2016, SDE đã có tới 9 lần gia hạn thời gian chi trả cổ tức. Theo lời hứa mới nhất của SDE, thời hạn chi trả cổ tức sẽ được lùi tới ngày 30/6/2017.
Một điều đáng chú ý là trong cả 9 lần xin lùi thời gian trả cổ tức, SDE chỉ đưa ra một lý do duy nhất, đó là “Hiện nguồn chi trả cổ tức của Công ty phụ thuộc vào nguồn thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành từ phía chủ đầu tư, nhưng việc thanh toán từ phía chủ đầu tư chậm hơn so với dự kiến. Hiện chủ đầu tư đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để giải ngân, do đó đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch chi trả cổ tức của Công ty…”.
Với “bề dày” lỗi hẹn trả cổ tức như vậy, các cổ đông của SDE hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính hiện thực của lần gia hạn thứ 9 này. Không ai dám chắc với tình trạng không có chế tài xử lý các doanh nghiệp chây ì cổ tức như hiện tại, SDE sẽ còn gia hạn trả cổ tức đến bao giờ? Dù bức xúc khi bị nợ cổ tức kéo dài, kêu nhiều lần đến cơ quan chức năng, song cổ đông SDE cũng chẳng biết làm cách nào để buộc doanh nghiệp phải trả cổ tức.
Ngoài những tình trạng trên, có thể kể ra nhiều bất cập khác mà các cổ đông nhỏ đang phải gánh chịu như “quên” gửi thư lấy ý kiến biểu quyết của cổ đông khi doanh nghiệp tiến hành lấy ý cổ đông bằng văn, hay việc ban lãnh đạo, bộ phận quan hệ cổ đông của công ty cố tình “bơ” khi cổ đông liên hệ để nắm bắt thông tin trước những tin đồn tiêu cực về doanh nghiệp…
Kỳ 3: Khi những chiếc đũa liên kết thành bó